(KTSG Online) – Lại thêm một vụ học sinh tử vong vì bị bỏ quên trên xe đưa đón hôm 29-5. Trong khi chờ quy định mới hay các hệ thống công nghệ cao, điều có thể làm ngay từ bây giờ là quy định bắt buộc trang bị nút bấm xác nhận đã kiểm tra, để có thể tránh được những cái chết oan uổng cho trẻ em.
- Bảo đảm an toàn cho khách hàng: ‘Cẩn tắc vô áy náy’
- Còn ý kiến trái chiều về tách Luật Giao thông đường bộ
Năm 2019, một học sinh tiểu học ở Hà Nội đã thiệt mạng vì bị bỏ quên trên xe đưa đón. Hôm 29-5-2024, một vụ tử vong tương tự đã xảy ra với một cháu bé mẫu giáo ở tỉnh Thái Bình.
Trong suốt 5 năm qua - thời gian giữa hai vụ tử vong nói trên - dù vấn đề an toàn đối với xe đưa đón học sinh được nói đến rất nhiều nhưng chưa có quy định cụ thể nào được triển khai ngoài những khuyến cáo, nhắc nhở từ các cơ quan chức năng quản lý nhà nước.
Cũng trong thời gian giữa hai vụ tử vong thương tâm này còn có ít nhất ba vụ học sinh bị bỏ quên trên xe đưa đón nữa, và may mắn là không xảy ra tử vong.
Năm 2020, tại Hà Nội một học sinh lớp 3 bị bỏ quên do ngủ gục, khi thức dậy em đã tự mở cửa xe vào lớp, và một học sinh lớp 4 bị bỏ quên trên xe đã được người dân phát hiện đập cửa cứu thoát. Năm 2019, một cháu bé bị bỏ quên trên xe đưa đón của trường mầm non ở Bắc Ninh, tuy phát hiện trễ nhưng rất may được cứu sống(*).
Các quy định an toàn đối với xe chở học sinh hiện nằm trong dự thảo Luật Đường bộ đang được thảo luận tại Quốc hội. Như vậy, phải chờ thêm một thời gian nữa sau khi luật này được thông qua, ban hành, và các cơ quan chức năng ra thêm các nghi định, thông tư, quy chuẩn…. thì các quy định an toàn mới được áp dụng.
Nhiều ý kiến được đưa ra là cần có bắt buộc trang bị hệ thống công nghệ cao để chống bỏ quên học sinh trên xe đưa đón như camera trí tuệ nhân tạo (AI), trang bị hệ thống cảm biến…
Tuy nhiên, với điều kiện của Việt Nam, có lẽ không nên trông chờ vào các công nghệ hiện đại này mà hãy trang bị ngay một mạch báo động đơn giản là đủ. Đây là mô hình hiệu quả và vẫn đang được sử dụng tại các nước phát triển như Mỹ, Hàn Quốc… hàng chục năm qua.
Hệ thống này chỉ cần một mạch điện tử kích hoạt còi báo động với nút tắt ở phía cuối xe. Khi xe đã tắt máy, tài xế phải đi đến cuối xe, kiểm tra xem có học sinh nào còn sót trên xe hay không. Sau khi kiểm tra, tài xế bấm nút xác nhận đã kiểm tra, cũng là nút tắt báo động. Nếu không bấm nút này, có nghĩa là chưa kiểm tra, trong vòng vài phút sau khi xe tắt máy, còi báo động sẽ hú liên tục và tài xế sẽ phải kiểm tra xe.
Trong khi chờ các quy định Luật Đường bộ được thông qua và có hiệu lực thi hành, thiết nghĩ cơ quan quản lý nhà nước cần ban hành ngay quy định bắt buộc trang bị một hệ thống tương tự như vậy trên tất cả xe chở học sinh ở Việt Nam.
Đây là một dạng mạch điện tử đơn giản, có sẵn trên thị trường và có thể lắp ráp đại trà ngay với chi phí thấp. Mô hình này vừa phù hợp với điều kiện kinh tế của các chủ xe đưa đón hiện nay, vừa dễ huấn luyện tài xế thực hiện. Cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra và chỉ cho phép xe đưa đón học sinh hoạt động khi đã trang bị hệ thống báo động này.
Hệ thống công nghệ cao chống bỏ quên học sinh trên xe đưa đón là mục tiêu kỳ vọng. Tuy nhiên, hệ thống kiểm soát thủ công mới là mục tiêu dễ hơn và có thể làm ngay mà không cần chờ đợi.
Cần hành động ngay thay vì ngồi chờ có quy định rồi mới triển khai, để tránh xảy ra thêm những cái chết oan uổng cho học sinh như các vụ vừa qua.
----------------------
(*) https://vtv.vn/xa-hoi/nhung-vu-hoc-sinh-bi-bo-quen-tren-xe-dua-don-cua-truong-20240530071845206.htm
Quả là đáng buồn. Không cần bất cứ phương tiện, công nghệ hỗ trợ gì cả. Chỉ cần tấm lòng tận tụy và tình thương dành con trẻ.