(KTSG Online) - Singapore đang có kế hoạch mở rộng công suất các trung tâm dữ liệu thêm 35%, với việc chú trọng tìm nguồn năng lượng sạch dành cho các trung tâm này. Với hơn 70 trung tâm dữ liệu có tổng công suất 900 MW, chiếm khoảng 60% năng lực hơn 1.300 MW của cả Đông Nam Á, Singapore được xem là một trong những trung tâm dữ liệu lớn nhất thế giới.
- Pay or okey - khi Meta vào tầm ngắm của Ủy ban Bảo vệ dữ liệu châu Âu
- Đông Nam Á trở thành ‘điểm nóng’ trong làn sóng đầu tư trung tâm dữ liệu và AI
Nhưng Singapore đang tìm cách mở rộng, liên kết với các trung tâm dữ liệu ở hai nước láng giềng Malaysia và Indonesia, nhằm giải quyết các điểm nghẽn về đất đai, năng lượng và nước của hòn đảo.
Lộ trình tăng trưởng cân bằng và bền vững
Lộ trình mới được chính phủ công bố hôm 30-5 nêu rõ rằng chính phủ nước này sẽ xây dựng thêm nhiều cơ sở mới, tìm kiếm sự cân bằng giữa tăng trưởng bền vững của ngành công nghệ số và các nỗ lực giảm khí phát thải.
Để điều tiết sự tăng trưởng của các trung tâm dữ liệu, năm 2019 Singapore đã tạm thời hoãn xây dựng các cơ sở mới. Năm 2022, Singapore chấm dứt lệnh cấm và kêu gọi các nhà khai thác tiếp tục nộp đơn xin xây dựng các cơ sở mới, nhưng với các tiêu chuẩn môi trường cao hơn. Trong hơn 20 đơn đăng ký, chính phủ chỉ phê duyệt 4 dự án với tổng công suất 80 MW. Các nhà phân tích nói công suất này không đủ đáp ứng cho nhu cầu phát triển của nền kinh tế số.
Janil Puthucheary, Bộ trưởng cấp cao Bộ Thông tin và Truyền thông, nói rằng: “Chúng tôi muốn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong không gian trung tâm dữ liệu cho khu vực và thế giới. Các đối tác trong ngành đã đánh giá cao các nỗ lực của Singapore”.
Ông Puthucheary cũng nói rằng Singapore đặt mục tiêu phân bổ ít nhất 300 MW công suất bổ sung "trong thời gian tới", với khả năng có thêm 200 MW trở lên được cung cấp năng lượng xanh. Như vậy, công suất các trung tâm dữ liệu đã tăng thêm 500 MW, tăng 35% so với mức hiện tại là hơn 1,4 GW. Tuy vậy, ông bộ trưởng không nêu chi tiết về tiến trình phân bổ hoặc liệu có mở rộng hơn nữa các cơ sở này sau khi đạt được mục tiêu hay không.
“Phần lớn điều này sẽ phụ thuộc vào tiến trình chuyển đổi năng lượng. Vì vậy, đây thực sự là một quá trình mang tính thăm dò. Chúng tôi sẽ tìm hiểu về những gì chính phủ, doanh nghiệp khai thác và các nhà cung cấp năng lượng có thể làm”, ông nhấn mạnh với Nikkei Asia.
Để đảm bảo xây dựng các trung tâm dữ liệu thân thiện với môi trường, chính phủ sẽ tìm kiếm các kế hoạch xây dựng các cơ sở tiết kiệm năng lượng với một số giải pháp và thiết bị làm mát mới nhất. Bên cạnh đó là các đề xuất bao gồm quan hệ đối tác với các nhà cung cấp năng lượng ít phát thải carbon.
Puthucheary cho biết, mặc dù các trung tâm dữ liệu là ngành công nghiệp cốt lõi trong nền kinh tế kỹ thuật số, nhưng việc đáp ứng nhu cầu phát triển một cách bền vững đã trở thành một câu hỏi "rất nghiêm túc". Đặc biệt là khi Singapore đặt mục tiêu phát thải carbon bằng không (net zero) vào năm 2050.
Chuyển đổi năng lượng xanh là mối quan tâm lớn nhất của chính phủ Singapore hiện nay. Hơn 70 trung tâm dữ liệu ở Singapore tiêu tốn đến 7% sản lượng điện của hòn đảo. Hồi tháng 6-2023, chính phủ Singapore giới thiệu tiêu chuẩn mới khuyến khích các trung tâm dữ liệu vận hành ở nhiệt độ cao hơn, nhằm tiết kiệm lượng điện và gia tăng biên lợi nhuận – theo Cơ quan Phát triển truyền thông Singapore (IMDA). Nhiệt độ vận hành có thể tăng dần lên 26oC hoặc hơn, cho phép các trung tâm này được hưởng lợi từ việc tiết kiệm năng lượng làm mát từ 2-5% tiền điện cho mỗi lần tăng 1oC.
IMDA nói hệ thống làm mát có thể chiếm đến 40% tổng năng lượng tiêu thụ tại các trung tâm. Nhiều nhà điều hành đã chọn vận hành thiết bị tại nhiệt độ bằng hoặc dưới 22oC.
Chiến lược SG Plus
Sau khi gỡ bỏ lệnh cấm xây dựng mới, chính phủ Singapore giới hạn việc cấp mới công suất cho các cơ sở dữ liệu là không quá 60 MW mỗi năm tại Singapore. Do những hạn chế về đất đai, năng lượng và nước, Singapore đã khuyến khích các nhà khai thác xây dựng các cơ sở mới ở hai nước láng giềng là Malaysia và Indonesia.
Tập đoàn Princeton Digital Group (PDG) của Singapore đang tìm cách nâng cao công suất cho các cơ sở dữ liệu của đảo quốc sư tử với sự hỗ trợ từ các thị trường lân cận. Trong tháng này, PDG hoàn thành một trung tâm dữ liệu mới công suất 150 MW với trị giá 450 triệu đô la tại Johor Bahru của Malaysia – sát biên giới với Singapore.
PDG cũng lên kế hoạch xây một cơ sở ở đảo Batam của Indonesia, cách Singapore 20 km về phía nam. Cả hai chính phủ đã bắt tay vào các dự án chung nhằm mở rộng cơ sở hạ tầng năng lượng và kỹ thuật số cho cả hai nước. Chủ tịch kiêm CEO Rangu Salgame của PDG nói: “Chúng tôi đạt tăng trưởng ở Singapore. Nhưng kết hợp với Johor và Batam, nơi chúng tôi có thể xây dựng các cơ sở lớn, chúng tôi sẽ tạo ra giá trị mới hơn, rất hấp dẫn đối với khách hàng. Dự kiến số vốn đầu tư ban đầu vào khoảng 1 tỉ đô la”.
Kế hoạch của PDG là một phần trong chiến lược mà tập đoàn này gọi là SG Plus, cho phép các công ty khách hàng mở rộng việc sử dụng trung tâm dữ liệu của họ từ Singapore đến Johor và Batam. Một số chuyên gia gọi chiến lược này là SG Plus Two.
Theo Nikkei Asia, Straits Times, Business Times, PDG