Thứ bảy, 21/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Sầu riêng Việt lại bị Trung Quốc cảnh báo: đừng để nỗi lo thêm dài

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Trung Quốc tiếp tục cảnh báo về việc phát hiện các lô sầu riêng của Việt Nam xuất khẩu vào quốc gia này không đạt tiêu chuẩn, thậm chí quyết định cấm xuất khẩu một số đơn vị. Điều này, khả năng sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến xuất khẩu, tiêu thụ “trái cây vua” của Việt Nam thời gian tới…

Sầu riêng Việt Nam lại bị Trung Quốc cảnh báo nhiễm cadmium. Ảnh minh hoạ: Trung Chánh

Sầu riêng bị cảnh báo và dồn ứ cửa khẩu

Theo văn bản thông báo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, có 77 lô sầu riêng của Việt Nam xuất khẩu sang quốc gia này bị phát hiện có chứa cadmium (một kim loại nặng) vượt mức cho phép.

Theo đó, việc phát hiện sầu riêng nhiễm cadmium đã vi phạm quy định của Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với trái sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc được ký kết giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Tổng cục hải quan Trung Quốc cũng như vi phạm quy định tại Luật an toàn thực phẩm của Trung Quốc.

Các lô hàng không đạt tiêu chuẩn bị phát hiện được xác định có liên quan đến 33 nhà máy đóng gói và 40 vùng trồng.

Ngoài các đơn vị bị cảnh báo, phía Trung Quốc cũng đã quyết định cấm nhập khẩu sầu riêng từ 15 nhà máy đóng gói và 18 vùng trồng của Việt Nam kể từ ngày 12-6-2024.

Các vi phạm nêu trên bị phát hiện sau khi phía Trung Quốc tăng cường mức độ giám sát, kiểm tra các lô hàng nhập khẩu vào quốc gia này.

Trước vấn đề nêu trên, Tổng cục hải quan Trung Quốc cũng yêu cầu phía Việt Nam xác định nguyên nhân khiến sầu riêng xuất khẩu không đạt tiêu chuẩn, đồng thời, thực hiện các biện pháp khắc phục cũng như tăng cường giám sát, kiểm tra nhằm tránh tình trạng tương tự xảy ra.

Điều đáng nói hơn, sầu riêng Việt Nam bị Trung Quốc cảnh báo vi phạm an toàn chất lượng sản phẩm không phải lần đầu xảy ra.

Trước đó, báo cáo của Cục bảo vệ thực vật cho thấy, số lượng mã số vi phạm bị cảnh báo đối với sầu riêng là 187, trong đó, có 115 mã số vùng trồng và 72 mã số cơ sở đóng gói. Đặc biệt, có đến 35 mã số vùng trồng và 29 mã số cơ sở đóng gói được xác định vi phạm nhiều lần, trong khi có 80 mã số vùng trồng và 43 mã số cơ sở đóng gói vi phạm một lần.

Việc Trung Quốc tăng cường giám sát các lô hàng sầu riêng nhập khẩu vào quốc gia này như nêu ở trên đã khiến tình trạng hàng hoá tại các cửa khẩu đang có dấu hiệu dồn ứ.

Cụ thể, báo cáo tình hình xuất nhập khẩu hàng hoá qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn với Trung Quốc cho thấy, tính đến 20 giờ ngày 10-6, tổng lượng xe chờ xuất khẩu tại 6 khu vực cửa khẩu, gồm Hữu Nghị, Chi Ma, Tân Thanh, Cốc Nam, Na Hình và Nà Nưa là 460 xe, tăng 174 xe so với ngày trước đó, trong đó, số lượng xe rau quả chờ xuất khẩu tăng thêm 98 xe so với ngày trước.

Xác định lại nguyên nhân từ đâu?

Liên quan đến tình trạng sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc bị cảnh báo, tại một hội nghị phát triển sầu riêng bền vững, bà Ngô Tường Vy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu đã lên tiếng đề xuất, cần “tách sầu riêng thành ngành hàng độc lập để có cơ chế quản lý riêng” nhằm bảo vệ, giúp phát triển bền vững.

“Cần phải ngồi lại, cùng phân tích những khó khăn và đưa ra giải pháp, trong đó, có tiếng nói của doanh nghiệp, tiếng nói của các cơ quan ban ngành và cả người nông dân”, bà gợi ý.

Theo bà Vy, cần thiết phải có cơ chế pháp lý của ngành sầu riêng một cách bài bản. Bởi lẽ, với Thái Lan- một đối thủ cạnh tranh của Việt Nam, sự thành công, tạo được uy tín trên thị trường của quốc gia này cũng nhờ sự nghiêm minh trong chế tài, tức các thành phần tham gia vào chuỗi liên kết rất sợ sai phạm.

Trao đổi với KTSG Online, Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu trái cây ở Đồng bằng sông Cửu Long (đề nghị không nêu tên) cho biết, vấn đề quan trọng hiện nay, đó là bên cạnh gia tăng kiểm soát vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được phê duyệt, thì cần chuẩn hoá lại quy trình sản xuất, chế biến, xử lý đóng gói đến xuất khẩu.

“Đặc biệt, cần có chế tài nghiêm minh đối với các đơn vị vi phạm, bởi tình trạng gian lận mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói vẫn xảy ra, dù Trung Quốc đã nhiều lần cảnh báo vi phạm”, vị này cho biết.

Theo vị doanh nghiệp nêu trên, thực trạng Trung Quốc cảnh báo sầu riêng Việt Nam là điều tất yếu phải xảy ra do những “yếu kém” nội tại của ngành sầu riêng. “Nếu không xử lý nhanh chóng tình trạng này, thì vấn đề sẽ càng nghiêm trọng hơn”, vị này nói.

Trao đổi với KTSG Online, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết, Trung Quốc đưa ra cảnh báo là liên quan vấn đề kiểm dịch thực vật, tức sâu bệnh hoặc dư lượng hoá chất tồn dư trong sản phẩm. “Đây là hai vấn đề đã ghi trong nghị định thư”, ông Nguyên nói và cho rằng, nếu vi phạm Trung Quốc sẽ cảnh báo, chặn lại hoặc trả về.

Theo ông, vấn đề cần làm là phải xác định vi phạm đến từ đâu, nguyên nhân ra sao để đưa ra hướng khắc phục được. “Không biết nguyên nhân, thì cũng giống như bác sĩ chữa bệnh mà không biết bệnh gì thì làm sao chữa?”, ông nói.

Theo tìm hiểu của KTSG Online, các nhà kho thu mua sầu riêng hiện phát giá thu mua giảm khoảng 5.000 đồng/kg so với mức giá được thiết lập cách đây khoảng một tuần.

Cụ thể, sầu riêng Thái đối với hàng loại A (loại I) có giá 98.000 đồng/kg, quy cách “ăn” hàng là trái có trọng lượng 1,9-5,2 kg, từ 2,7 hộc trở lên; loại B (loại II) có giá 78.000 đồng/kg, quy cách “ăn” hàng là trái có trọng lượng từ 1,7-5,5 kg, 2,5 hộc; đối với hàng loại C (loại III) mức giá sẽ được xác định dựa trên thương lượng giữa hai bên mua bán (khoảng trên dưới 50.000 đồng/kg)

Ngoài yêu cầu nêu trên, các vựa thu mua sầu riêng quy định sản phẩm phải đạt độ chín từ 7,5 tuổi, cơm vàng, bột ngọt, da xanh.

Trao đổi với KTSG Online, một số nhà kho ở khu vực huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang dự báo giá sầu riêng sắp tới sẽ tiếp tục sụt giảm do tình trạng ùn ứ hàng hoá ở cửa khẩu vì Trung Quốc “siết chặt” giám sát, trong khi khu vực Tây Nguyên bước vào kỳ thu hoạch.

Báo cáo của Tổng cục Hải quan cho thấy, 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu rau quả cả nước đạt khoảng 2,58 tỉ đô la Mỹ, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, với mặt hàng sầu riêng, 4 tháng đầu năm, xuất khẩu đạt trên 111.600 tấn, với trị giá trên 470 triệu đô la Mỹ, tăng 124,6% về lượng và 145,8% về giá trị so với cùng kỳ.

Theo đó, thị trường nhập khẩu sầu riêng chính của Việt Nam là Trung Quốc với tỷ trọng chiếm đến 91,93% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành trong 4 tháng đầu năm 2024. Ngoài ra, sầu riêng Việt Nam còn xuất sang Thái Lan, Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới