Thứ tư, 22/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Khơi dòng vốn xanh cho ESG: thách thức từ phía ngân hàng

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Thực hành ESG được xác định là xu hướng không thể đảo ngược trong bối cảnh thế giới nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, những quy định tại Việt Nam dường như vẫn đi chậm hơn so với thế giới. Điều này đặt ra thách thức không nhỏ với các doanh nghiệp, trong đó đặc biệt là các ngân hàng, nơi được đặt kỳ vọng sẽ giúp lan tỏa dòng vốn và “tinh thần xanh” mạnh mẽ hơn cho cả doanh nghiệp quy mô lớn và nhỏ.

Vốn xanh là một thách thức lớn trong thực hành ESG, phục vụ cho mục tiêu môi trường, cải thiện quản trị hay tác động xã hội. Ảnh: L.Vũ

Đây là những nội dung chia sẻ tại buổi trao đổi ESG Masterclass có chủ đề “Chuyển đổi tài chính và minh bạch ESG”, nằm trong sự kiện Diễn đàn ESG với chủ đề “Từ ý tưởng đến hành động” do The Saigon Times, ấn phẩm tiếng Anh thuộc Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, phối hợp với Tiểu ban Phát triển Xanh của EuroCham (GGSC), Tiểu ban ESG và Liên minh chuyển đổi kinh doanh bền vững, tổ chức ngày 13-6.

Diễn đàn thu hút hơn 200 người, là doanh nghiệp và chuyên gia về phát triển bền vững, ESG trong nước và quốc tế.

Ngân hàng định hướng dòng vốn xanh

Thông tin từ buổi trao đổi cho thấy các ngân hàng Việt Nam hiện không đứng ngoài cuộc chơi mà thực tế tham gia hoạt động ESG trong nền kinh tế từ rất sớm.

Chẳng hạn, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Gám đốc Trường đào tạo cán bộ Agribank, Kiêm Phó trưởng ban chỉ đạo ESG, Ngân hàng Agribank cho biết, ESG được xem như là “văn hóa của ngân hàng” và đã thành lập ban chỉ đạo triển khai cách đây nhiều năm. Theo đó, mỗi đơn vị có chức năng khác nhau trong hoạt động tín dụng, đặc biệt là tham gia trong lĩnh vực nông nghiệp như sản xuất lúa phát thải carbon thấp ở Đồng bằng Sông Cửu Long, hay gói tín dụng “nông nghiệp xanh” với lãi suất ưu đãi nhiều năm qua.

Còn ở trường hợp của BIDV, ông Nguyễn Bá Sơn, Phó giám đốc Ban nguồn vốn và kinh doanh tiền tệ BIDV cho biết, BIDV hiện là ngân hàng cho vay dự án xanh có quy mô lớn nhất với danh mục khoảng 3 tỉ đô la Mỹ vào cuối năm 2023 và cũng là ngân hàng đầu tiên phát hành trái phiếu xanh để tài trợ doanh nghiệp.

Theo ông Sơn, lợi thế của các tổ chức tín dụng trong việc thúc đẩy hoạt động ESG của nền kinh tế là bởi, ngân hàng vẫn là kênh cung cấp vốn chính. Do đó, nếu ngân hàng có chính sách chuyển đổi tốt thì lan tỏa nhiều hơn đến nền kinh tế.

Tuy nhiên, hầu hết các định chế tài chính hiện nay cho biết đều gặp khó khăn trong câu chuyện hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh thực hành ESG tại Việt Nam.

Đại diện của BIDV cho rằng vấn đề nằm ở chỗ chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật để ngân hàng xác định thế nào là dự án xanh theo cách “chính thống”, từ đó ngân hàng chưa có cơ sở để tận dụng cơ chế ưu đãi của chính phủ.

Câu chuyện khó khăn của yếu tố kỹ thuật sẽ còn kéo dài hết vòng đời tài trợ.  Chẳng hạn lúc trái phiếu phát hành xanh là một chuyện, nhưng muốn ‘xanh cả đời” thì đòi hỏi hệ thống theo dõi đánh giá dữ liệu liên tục. Do đó, bản thân ngân hàng muốn đánh giá sâu về “xanh” thì cũng cần đội ngũ kỹ thuật chuyên gia nhiều hơn nữa.

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết đến thời điểm này, Chính phủ vẫn chưa ban hành bộ tiêu chuẩn xanh dù từng lĩnh vực riêng lẻ đã có nỗ lực riêng. Chẳng hạn ngành ngân hàng ban hành quy chuẩn liên quan đến tín dụng xanh, hay Sở giao dịch chứng khoán bộ chỉ số doanh nghiệp phát triển bền vững, nhưng vẫn chỉ là ở bước khởi đầu. “Định nghĩa thế nào là xanh vẫn còn là một vướng mắc chính của Việt Nam”, ông Quỳnh nói.

Một vấn đề đặc biệt quan trọng nữa là doanh nghiệp thiếu động lực để thực hành ESG. Đại diện BIDV cho biết nhà đầu tư trái phiếu xanh hiện nay chưa thấy lợi ích về mặt kinh tế, trong khi chi phí phát hành trái phiếu xanh thường cao hơn các loại trái phiếu thường.

Hệ quả chung là ngân hàng cũng khó đẩy mạnh tín dụng dù có những gói vay ưu đãi. Bà Hà nói Agribank có gói tín dụng quy mô 50.000 tỉ đồng cho vay nông nghiệp sạch công nghệ cao với lãi suất thấp (thấp hơn thông thường 0,5-1%/năm) và nhiều chương trình ưu tiên khác, nhưng vấn đề là giải ngân chưa tới 10%. “Khó khăn của Agribank là tìm ra dự án xanh và có cán bộ hiểu được đâu là dự án xanh”, bà Hà nói.

Tương tự, ngân hàng BIDV có gói cho vay ưu đãi với lãi suất thấp hơn thông thường, đặc biệt ưu đãi các các công ty đạt tiêu chuẩn xanh quốc tế. “Tuy nhiên như thế là chưa đủ, mà cần phải có Chính phủ với những cơ chế ưu đãi rõ ràng và mạnh mẽ hơn”, ông nói.

Thực hành ESG: nên làm từ sớm

Theo ông Quỳnh, câu chuyện ESG là không thể đảo ngược và diễn ra ngày càng nhanh và sâu hơn. Do đó, các doanh nghiệp ở mức độ phát triển khác nhau sớm hay muộn cũng đối mặt.

Tuy nhiên, một thực tế hiện nay là nhiều doanh nghiệp cũng đang phải “vật lộn” để tồn tại trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay nên nhiều doanh nghiệp cho rằng câu chuyện ESG là xa vời thực tế. “Những việc này nói chung lý thuyết quá xa vời và không nhìn thấy lợi ích vì thực tế Việt Nam chưa có những chính sách cụ thể”, ông Quỳnh nói.

Do đó, ông Quỳnh cũng khuyến nghị các doanh nghiệp cần cân đối mục tiêu ngắn hạn và dài hạn, nhưng chắc chắn một điều rằng cuộc chơi của các quốc gia khác đã “nâng chuẩn”.

Theo bà Hà, vấn đề đầu tiên là doanh nghiệp cần tuân thủ cam kết quốc tế cũng như quy định Việt Nam. Nhưng trong câu chuyện dài hạn thì vấn đề khác là bảo vệ “uy tín” cho bản thân nói riêng cũng như Việt Nam nói chung, vì các tổ chức quốc tế sẽ có những đánh giá liên quan, từ đó đưa ra bảng xếp hạng. “Nếu Việt Nam thực hành ESG không tốt thì doanh nghiệp Việt Nam cũng bị tụt hạng theo”, bà Hà nói.

Rủi ro danh tiếng vì thế đi kèm chung với rủi ro biến đổi khí hậu được nhắc đến gần đây. Tuy nhiên trong bối cảnh này, các diễn giả cũng cho rằng sự thay đổi hiện nay không chỉ là khó khăn mà còn là cơ hội kinh doanh đối với doanh nghiệp. Đây cũng là cơ hội cải thiện và đem đến những sản phẩm xanh. Tuy nhiên, thị trường cũng cần vượt qua một yếu tố khó khăn nữa là câu chuyện nhận thức của doanh nghiệp.

Bà Hà của Agribank cũng gợi ý thêm, doanh nghiệp hãy triển khai ngay để biến ý tưởng thành hành động, từ vấn đề nhỏ nhất trong câu chuyện hàng ngày cho đến công việc, mục tiêu doanh nghiệp.

Còn bà Shahrazad Aboulossoud, Nhà tư vấn nghiên cứu và đổi mới, chuyên gia về viện trờ tài chính châu Âu, ở góc độ là nhà tài trợ vốn, nói thêm rằng hiện nay các khoản đầu tư cho ESG không chỉ đơn thuần là mục tiêu “thiện nguyện”, mà sẽ xem xét thêm rất kỹ đến hồ sơ công ty, tác động xã hội. Trong khi đó, khả năng tiếp cận vốn từ thế giới không phải là khó khi có nhiều cơ chế đa dạng, kết hợp cả Chính phủ và tư nhân. Tuy nhiên, vấn đề là doanh nghiệp cần phải thay đổi nhanh khi những quy định quốc tế đang “thay đổi hàng ngày”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới