(KTSG Online) - Việc chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng, thiếu nguồn vật liệu đắp nền đường đang là nguyên nhân chủ yếu khiến nhiều dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải không thể đạt tiến độ như kỳ vọng.
- Có thể kéo dài thời gian thu phí dự án cao tốc Bắc-Nam phía tây
- Bổ sung hai dự án trọng điểm giao thông quốc gia tại khu vực TPHCM
TTXVN đưa tin, báo cáo về tình hình giải phóng mặt bằng, phục vụ thi công các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết, công tác giải phóng mặt bằng của nhiều dự án đang có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, diện tích còn lại chủ yếu là đất ở nên việc triển khai còn gặp vướng mắc, chưa đạt tiến độ đề ra.
Chẳng hạn, ở tỉnh Đồng Nai, dự án thành phần 1 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu mới bàn giao 24% diện tích mặt bằng; dự án thành phần 2 mới bàn giao 32%. Tỷ lệ mặt bằng bàn giao cho dự án thành phần 3 vành đai 3 TPHCM mới đạt 40%. Tại tỉnh Khánh Hòa, dự án thành phần 1 cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột mới được bàn giao 76% mặt bằng; dự án thành phần 2 được bàn giao 77%.
Dự án Hòa Liên - Túy Loan tại Đà Nẵng mới bàn giao mặt bằng 73%. Tại tỉnh Kiên Giang, mặt bằng bàn giao cho nhà thầu thi công dự án đường Hồ Chí Minh, đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận mới đạt hơn 18%...
Đối với công tác di dời hạ tầng kỹ thuật, một số địa phương còn chậm di dời đường điện cao thế 110kV/220kV/500kV tại cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025 như Hà Tĩnh còn 13 trong tổng số 15 vị trí cần di dời đường điện cao thế; Phú Yên còn 66/82 vị trí, Khánh Hòa còn 19/20 vị trí; Hậu Giang còn 6/7 vị trí.
Ngoài ra, một số hạ tầng kỹ thuật của nhà máy điện mặt trời mái nhà tại tỉnh Khánh Hòa cũng chưa được di dời do gặp vướng mắc liên quan đến các quy định về hợp đồng mua bán điện.
Về tình hình cung ứng vật liệu thi công các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, hiện tại, nguồn vật liệu cung cấp cho các dự án khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ đã cơ bản đáp ứng nhu cầu thi công.
Tuy nhiên, khu vực phía Nam lại đang gặp khó khăn về vấn đề này. Điển hình, trong 3 dự án cao tốc trục Đông - Tây và 2 đường vành đai do 14 địa phương làm cơ quan chủ quản, hiện chỉ mới có một số địa phương đạt khối lượng thi công đáp ứng yêu cầu. Đó là, TPHCM, Hà Nội, Hưng Yên, Long An, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, An Giang.