Thứ bảy, 11/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Xử lý vướng mắc tại một số dự án BOT giao thông

Trúc Đào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Những nội dung cần lưu ý để xử lý vướng mắc tại một số dự án BOT giao thông như đơn vị chức năng phối hợp với các địa phương có dự án BOT rà soát, đánh giá kỹ những vướng mắc của các dự án; kiểm tra các quy định của hợp đồng BOT để xác định cụ thể trách nhiệm chủ quan, khách quan của các chủ thể liên quan. Bên cạnh đó là đánh giá kỹ tác động của các cơ chế, giải pháp đề xuất, đảm bảo không trục lợi chính sách, gây thất thoát, lãng phí.

Đơn vị chức năng phối hợp với các địa phương có dự án BOT rà soát, đánh giá kỹ những vướng mắc của các dự án. Ảnh minh họa: Minh Hoàng

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo số 270 kết luận của Thường trực Chính phủ về đề án xử lý vướng mắc tại một số dự án BOT giao thông, TTXVN đưa tin.

Theo Thường trực Chính phủ, những khó khăn đối với một số dự án BOT giao thông đã phát sinh và kéo dài trong nhiều năm, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo đến Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan, đơn vị sớm có giải pháp xử lý. Chẳng hạn tại chỉ thị số 27-CT/TW ngày 25-5-2023, Bộ Chính trị yêu cầu có phương án giải quyết dứt điểm những tồn tại kéo dài các dự án, trong đó, có dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT. 

Việc xử lý vướng mắc sẽ khơi thông nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo phương thức PPP, cải thiện môi trường đầu tư. Theo đó, Bộ Giao thông vận tải có nhiệm vụ tiếp thu đầy đủ ý kiến của Thường trực Chính phủ; rà soát ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại thông báo số 190 ngày 3-5-2024 của Văn phòng Chính phủ để cập nhật, hoàn thiện Đề án.

Trong đó, một số nội dung cần lưu ý như đơn vị chức năng phối hợp với các địa phương có dự án BOT đang đề xuất xử lý để rà soát, đánh giá kỹ những vướng mắc của các dự án; bổ sung đầy đủ thông tin đối với các dự án cần xử lý do địa phương là cơ quan có thẩm quyền; rà soát các quy định của hợp đồng BOT để xác định cụ thể trách nhiệm chủ quan, khách quan của các chủ thể liên quan.

Bộ Giao thông vận tải và các địa phương nghiên cứu, chỉ đề xuất cấp có thẩm quyền bố trí ngân sách nhà nước để xử lý khi các giải pháp khác không khả thi. Trường hợp cần thiết phải trình Quốc hội ban hành nghị quyết thì bộ xem xét các dự án đã hoàn thành nhưng không đặt được trạm thu phí, ưu tiên đề xuất về cơ chế, chính sách để đa dạng hóa nguồn lực, giảm sử dụng vốn nhà nước khi xử lý.

Bên cạnh đó là xác định rõ thời hạn áp dụng, số lượng, danh mục dự án cụ thể; tập trung danh mục các dự án đã được xác định; đánh giá kỹ tác động của các cơ chế, giải pháp đề xuất, đảm bảo không để lợi dụng, trục lợi chính sách, gây thất thoát, lãng phí.

Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Ngân hàng Nhà nước làm việc với các nhà đầu tư, tổ chức cung cấp tín dụng theo nguyên tắc bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT.

Về lâu dài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải trong quá trình sửa đổi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, nghiên cứu có giải pháp phù hợp để xử lý các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư tiềm ẩn phát sinh khó khăn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới