(KTSG Online) - Cổ phiếu ngành điện hạt nhân và uranium, nguyên liệu chính của các lò điện hạt nhân, sẽ tiếp tục gây sóng gió mới sau các cơn sốt cổ phiếu ngành chip và AI (trí thông minh nhân tạo).
Giá uranium "sốt" theo AI
Giá uranium đã tăng khoảng 70% trong năm qua, vượt xa mức tăng của chỉ số cổ phiếu chip chuẩn trong cùng thời gian. Điều này phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư rằng các công ty liên quan đến năng lượng hạt nhân sẽ được hưởng lợi từ nhu cầu điện gia tăng do quá trình sử dụng AI cần xử lý lượng dữ liệu khổng lồ.
Goldman Sachs đang củng cố sự hiện diện trên thị trường khi bắt đầu mở rộng sang giao dịch quyền chọn uranium cho các quỹ đầu tư dựa trên uranium vật chất. Nhiều người tin rằng ngân hàng đầu tư Mỹ hiện có lượng uranium tồn kho trị giá 356 triệu đô la tại hãng con chuyên thương mại ở Anh tính đến cuối năm 2022.
Theo hãng nghiên cứu UxC của Mỹ, giá uranium tinh chế giao tại chỗ đã tăng lên 106 đô la/pound trong tháng 2-2024, mức cao nhất kể từ năm 2007 - năm được gọi là “thời kỳ phục hưng hạt nhân” bởi nhiều nhà máy điện nguyên tử bắt đầu được xây mới. Trong tháng 6-2024, trang OCE nói giá mỗi pound đã giảm xuống còn 78,5 đô la và dự kiến giá sẽ neo cao quanh vùng 95-106 đô la trong quí 1-2025.
Các quỹ phòng hộ và ngân hàng đầu tư đã góp phần đẩy giá uranium tăng cao. CEO Andre Liebenberg của hãng đầu tư Yellow Cake có trụ sở ở London và liên quan đến kinh doanh uranium nói rằng: “Sự đồng thuận chung của ngành vẫn là việc tăng thêm là không thể tránh khỏi khi nhu cầu ngày càng tăng trong bối cảnh nguồn cung sẵn có hạn chế”.
Giá uranium đã rớt đáy kể từ sau sự cố hạt nhân ở Fukushima, Nhật Bản do thảm họa kép, gồm động đất và sóng thần, gây ra năm 2011.
Tuy vậy, sự bùng nổ của AI đã thay đổi tình thế. Khu vực bán dẫn PHLX (SOX), một chỉ số của Sở giao dịch chứng khoán Philadelphia dành cho cổ phiếu ngành chip, tăng vọt với kỳ vọng nhu cầu về chip GenAI (AI tạo sinh). Giá uranium cũng tăng theo SOX. Hiện các nhà đầu tư dường như xem uranium có liên quan đến AI, thay vì chỉ đơn giản là một cổ phiếu năng lượng giống như cổ phiếu ngành dầu khí trước đây.
AI mở lại thời phục hưng của năng lượng hạt nhân
Các nhà đầu tư đang chú ý đến khả năng tiêu thụ điện gia tăng và xu hướng kinh doanh của các hãng Big Tech có nguồn tài chính mạnh mẽ ở Mỹ.
GenAI được đào tạo trên một lượng lớn dữ liệu thông qua các đơn vị xử lý đồ họa (GPU) và phụ thuộc vào các máy chủ có công suất lớn của các trung tâm dữ liệu. Theo ước tính của ngân hàng đầu tư Mỹ Morgan Stanley, nhu cầu điện từ các trung tâm dữ liệu trên toàn thế giới sẽ tăng thêm 318 TWh từ năm 2024 đến năm 2027. Để so sánh, mức tăng đó tương đương với tổng mức tiêu thụ điện hàng năm của Indonesia, hay bằng năng lượng được tạo ra từ 39 lò phản ứng hạt nhân lớn.
Các hãng công nghệ đang tăng cường đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo để đảm bảo nguồn điện cho trung tâm dữ liệu, góp phần giảm phát thải. Nhưng việc sản xuất điện tại các nhà máy điện mặt trời và gió không ổn định như các cơ sở sản xuất điện thông thường. Nhà phân tích Surya Hendry của hãng nghiên cứu Rystad Energy có trụ sở tại Oslo, Na Uy nói rằng: “Nhìn chung, các hãng công nghệ tích cực tìm hiểu về nguồn cung năng lượng. Họ tin rằng nguồn năng lượng hạt nhân ổn định và liên tục hơn so với năng lượng mặt trời”.
Microsoft đã ký hợp đồng mua điện hạt nhân cho các trung tâm dữ liệu của hãng ở miền đông nước Mỹ. Tập đoàn cũng bắt đầu mời các chuyên gia thiết lập kế hoạch kết nối các trung tâm dữ liệu với các lò phản ứng module nhỏ (SMR).
Việc ứng dụng AI rộng rãi và nhu cầu điện tăng vọt đã mở lại thời kỳ phục hưng của năng lượng hạt nhân. Mark Casey, nhà quản lý danh mục đầu tư vốn cổ phần tại hãng dịch vụ tài chính Capital Group của Mỹ nhìn nhận, các hãng công nghệ lớn sẽ là động lực chính cho việc khôi phục lại vai trò của điện hạt nhân.
Liệu sử dụng năng lượng hạt nhân và xây dựng các nhà máy nguyên tử mới có gia tăng như các nhà đầu tư đang mong đợi hay không? Tháng 11-2023, NuScale Power của Mỹ đã công bố quyết định hủy dự án lò phản ứng nhỏ SMR đầu tiên của mình, với lý do chi phí sản xuất điện có thể tăng khoảng 50% so với ước tính ban đầu.
Cung và cầu về uranium có xu hướng thắt chặt do các công ty khai thác mỏ không thể mở rộng sản xuất nhanh chóng, giữa bối cảnh Trung Quốc và nhiều nước dự kiến sẽ tăng cường mua nguyên tố phóng xạ này khi họ xây dựng các nhà máy nguyên tử mới. Nếu dòng tiền đầu tư vào thị trường tạo thêm động lực cho giá uranium gia tăng, các nhà máy điện hạt nhân có thể gặp ảnh hưởng bất lợi do giá năng lượng tăng.
Theo Nikkei Asia, UxC, OCE