Thứ Ba, 1/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Kinh doanh thuốc online: Mua bán đơn giản, hiểm họa lớn

Minh Thảo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Hiện trên các nền tảng mạng xã hội, nhiều loại thuốc, đặc biệt là thuốc nằm trong danh mục bắt buộc phải kê đơn đang được mua bán công khai, dễ dàng mà không cần bất kỳ đơn thuốc nào. Theo các chuyên gia y tế, việc mua bán thuốc online đang rất đơn giản nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ lớn cho sức khoẻ người tiêu dùng.

Thuốc kê đơn được rao bán online tràn lan

Trong thời đại công nghệ ngày nay, việc mua bán thuốc online để chữa bệnh ngày càng phổ biến. Chỉ cần gõ từ khóa “mua thuốc online” trên các công cụ tìm kiếm, hàng loạt hội nhóm buôn bán thuốc xuất hiện. Cùng với đó là những bài đăng rao bán đủ các loại thuốc điều trị bệnh thông thường như chống viêm, giảm đau, hạ sốt, trị ho đến thuốc đặc trị bệnh lý phức tạp như ung thư, cơ xương khớp, tim mạch, nội tiết – chuyển hóa, trầm cảm…

Người dân dễ dàng tìm mua thuốc Modafinil trên mạng xã hội dù đây là loại thuốc kê theo đơn bác sĩ. Ảnh: Minh Thảo

Các loại thuốc được bán với đủ mức giá từ vài chục nghìn đồng/hộp đến thuốc đắt tiền lên đến hàng triệu đồng. Khi thấy một tài khoản Facebook có tên H.S đang rao bán đủ các loại thuốc, người viết đã liên hệ mua Befenxim 50mg – một loại thuốc kháng sinh chuyên điều trị các nhiễm khuẩn vừa và nhẹ đường hô hấp trên, hô hấp dưới; điều trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu thể nhẹ và vừa có biến chứng. Dù đây là loại thuốc kê đơn nhưng chỉ cần nói tên thuốc, khách hàng đã dễ dàng mua được. Người bán không hỏi về đơn thuốc của bác sĩ, không cần tư vấn nhiều, thậm chí muốn mua số lượng bao nhiêu cũng có.

Trao đổi với KTSG Online về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm cao áp Oxy Việt Nga thuộc Bộ Quốc Phòng cho biết, thuốc không kê đơn là thuốc khi cấp phát, bán và sử dụng không cần đơn thuốc. Trong khi đó, thuốc kê đơn là thuốc được bác sĩ chỉ định sau quá trình thăm khám, dựa vào bệnh lý, tình trạng cụ thể để đưa ra đơn thuốc phù hợp với người bệnh.

Trường hợp sử dụng không theo đúng chỉ định của người kê đơn thì có thể nguy hiểm tới tính mạng, sức khỏe người bệnh. Vì vậy, khi cấp phát hay bán lẻ, sử dụng cho bệnh nhân ngoại trú phải kèm theo đơn thuốc.

Theo bác sĩ Hoàng, ngoài việc người mua thuốc không hiểu hết tác hại của việc dùng thuốc kê đơn, hiện cũng có nhiều người bán thuốc tùy tiện. Dù không phải nhân viên y tế nhưng chỉ cần nghe người bệnh mô tả về triệu chứng là có thể bán các loại thuốc mà không tuân thủ đúng quy định về kê đơn của Bộ Y tế.

“Đơn cử là việc uống thuốc giảm đau có thể giúp người bệnh giảm triệu chứng. Tuy nhiên, bệnh vẫn tiến triển và có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng do chậm trễ trong điều trị như viêm tụy cấp, viêm ruột thừa… Ngoài ra, nhiều loại thuốc có thể gây dị ứng, sốc phản vệ, suy gan, suy thận… nếu không có sự giám sát của bác sĩ khi sử dụng”, bác sĩ Hoàng nói. Ngoài ra, các loại thuốc dùng lâu có thể gây ra nguy cơ loãng xương, tăng huyết áp, đặc biệt nguy hiểm là các loại thuốc có chứa Corticoid dùng trong điều trị đau nhức.

Để hình thức kinh doanh này phát huy hiệu quả nhưng vẫn bảo đảm an toàn cho người bệnh, bác sĩ Hoàng cho rằng, cần có những quy định chi tiết hơn về việc kê đơn điện tử và liên thông giữa các cơ sở y tế với nhà thuốc. Theo đó, người bán phải yêu cầu người mua thuốc cung cấp đơn (với thuốc kê đơn) dưới dạng bản cứng hay hình ảnh. Sau đó, họ phải lưu lại, cung cấp lên hệ thống để các cơ quan chức năng giám sát, kiểm tra.

Ngoài ra, việc vận chuyển thuốc khi mua bán online cũng cần có quy định rõ về các thông số như nhiệt độ, độ ẩm, thời gian vận chuyển… Cơ quan chức năng cũng cần có các chế tài nghiêm khắc. Đây là vấn đề then chốt để điều chỉnh hành vi vi phạm của các cá nhân, nhà thuốc trong việc bán thuốc online.

Về việc quản lý kinh doanh thuốc online, Tiến sĩ Tạ Thanh Sơn, chuyên gia về dược học, từng nghiên cứu lĩnh vực dược tại Đại học Marburg (Đức) cho biết, ở nước Mỹ và Anh có các quy định nghiêm ngặt về bán thuốc trực tuyến. Các nhà thuốc phải được cấp phép và tuân thủ các tiêu chuẩn về an toàn và chất lượng. FDA (Mỹ) và GPhC (Anh) đều có hệ thống giám sát và kiểm tra định kỳ để đảm bảo sự tuân thủ.

Đối với Úc và Canada, các nước này yêu cầu nhà thuốc trực tuyến phải cung cấp những chứng chỉ về chất lượng và nguồn gốc thuốc từ các cơ quan có thẩm quyền. Họ cũng áp dụng cơ chế hậu kiểm để kiểm tra ngẫu nhiên chất lượng thuốc bán trên mạng.

“Ở nước ngoài, các chính sách được thực hiện tốt nhưng tại Việt Nam, khi triển khai vẫn có thể gặp phải một số trở ngại. Do đó, những chính sách về việc bán thuốc online tại nước ta cần được thiết kế chi tiết hơn. Cụ thể là thông tin về nguồn gốc, chất lượng, tình trạng lưu hành, bảo mật thông tin người tiêu dùng, cơ chế hậu kiểm để kiểm tra ngẫu nhiên chất lượng thuốc bán online…”, ông Sơn chia sẻ thêm.

Không dễ quản lý bán thuốc online

Trước tình trạng kinh doanh thuốc online tràn lan như hiện nay, trả lời KTSG Online, bà Lê Thiện Quỳnh Như, Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM cho biết, việc kinh doanh dược thuốc theo phương thức thương mại điện tử vẫn chưa được pháp luật công nhận. Kinh doanh thuốc qua mạng xã hội hoặc livestream cũng là hành vi vi phạm pháp luật bởi không đảm bảo các yêu cầu về điều kiện cơ sở vật chất của cơ sở kinh doanh. Ngoài ra, hình thức kinh doanh này cũng không đảm bảo chất lượng thuốc, khả năng trích xuất nguồn gốc sản phẩm nhanh chóng và minh bạch trong công tác quản lý.

Về xử phạt, trong năm 2023 vừa qua, Thanh tra Sở Y tế TPHCM đã kiểm tra và chỉ xử phạt 2 cơ sở có vi phạm trong việc bán thuốc trên sàn thương mại điện tử và mạng xã hội, trong đó 1 vụ việc chuyển công an thành phố.

Bà Như cho biết, quá trình thanh, kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm kinh doanh, quảng cáo thuốc qua mạng xã hội (Facebook, Zalo…) vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Thứ nhất là đơn vị gặp khó khăn trong việc xác định người thực hiện hành vi vi phạm liên quan đến quảng cáo.

Thứ hai, địa chỉ kinh doanh là địa điểm ảo, không có thật. Hình thức giao dịch mua bán qua điện thoại, địa điểm giao nhận không cố định, không phải là cơ sở kinh doanh thuốc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép.

Thứ ba là “ngành y tế thành phố chưa có đủ phương tiện, công cụ để lưu trữ chứng cứ trong việc thực hiện xử lý vi phạm quảng cáo. Không những vậy, khi được mời lên làm việc về việc quảng cáo sản phẩm, các cá nhân, tổ chức đã tháo gỡ sản phẩm, chặn truy cập trang thông tin điện tử trước khi lên làm việc hoặc không hợp tác, không lên làm việc theo giấy mời”, bà Như thông tin.

Thứ tư là nhiều đối tượng quảng cáo dược phẩm, thực phẩm chức năng giả hoặc kém chất lượng trên các trang mạng xã hội, trang điện tử có tên miền từ nước ngoài, quảng cáo sai sự thật. Điều này gây nhầm lẫn, đánh lừa người tiêu dùng và làm cho cơ quan quản lý không xác định được chủ thể quảng cáo, không có cơ sở để xử lý vi phạm.

Để quản lý việc kinh doanh thuốc qua mạng, bà Như cho biết Sở Y tế TPHCM đã thành lập tổ công tác đặc biệt để theo dõi, kiểm soát việc quảng cáo trong lĩnh vực y tế trên các kênh thông tin điện tử. Ngành y tế thành phố cũng sẽ tăng cường công tác truyền thông về quản lý kinh doanh thuốc, cũng như hậu quả của việc tự ý dùng thuốc và mua thuốc qua mạng.

Ngoài ra, Sở Y tế cũng sẽ kiến nghị các cơ quan liên quan xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành trong quản lý hoạt động kinh doanh thuốc qua nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là các tổ chức, cá nhân không được cấp phép.

Đề xuất cấm bán thuốc trên mạng xã hội

Vào ngày 18-6 vừa qua, Bộ Y tế đã có tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Dự thảo luật lần này bổ sung quy định kinh doanh các thuốc, nguyên liệu làm thuốc phải thực hiện trên sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng, website thương mại điện tử bán hàng. Dự thảo luật nêu rõ “không được kinh doanh dược trên mạng xã hội và các hình thức kinh doanh điện tử khác”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới