(KTSG) - Tiền lương, trợ cấp tăng chắc chắn là niềm vui của hàng chục triệu người nhưng chất lượng cuộc sống có tăng hay không còn phụ thuộc vào giá cả được kiểm soát ra sao và mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân bao giờ được điều chỉnh!
- Người dân Mỹ siết chặt chi tiêu do lạm phát dai dẳng, lương tăng chậm
- Việc thương lượng tăng lương tối thiểu vùng sẽ tổ chức vào quí 4-2023
Vì sao “đột ngột” tăng lương?
Việc tăng lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp từ ngày 1-7-2024 được đề cập lần đầu tiên trong cuộc họp báo định kỳ của Bộ Nội vụ vào ngày 20-6-2024. Nói thông tin này khá đột ngột bởi trước đó, nhiều người đinh ninh rằng, từ ngày 1-7-2024 sẽ áp dụng trả lương theo vị trí việc làm, chức vụ và chức danh của cán bộ lãnh đạo như tinh thần của Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 của trung ương về cải cách chính sách tiền lương và Nghị quyết 104/2023/QH15 của Quốc hội về dự toán ngân sách năm 2024.
Trong báo cáo ngày 21-6-2024 gửi Quốc hội về nội dung cải cách tiền lương, Chính phủ cho biết có một số vướng mắc khi thực hiện đầy đủ, đồng bộ các nội dung cải cách tiền lương khu vực công theo Nghị quyết 27-NQ/TW. Ví dụ, việc bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương để xây dựng các mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong các bảng lương mới phát sinh ba bất cập: (1) tương quan tiền lương mới chưa hợp lý giữa các đối tượng hưởng lương; (2) phải sửa đổi rất nhiều quy định của Đảng và của pháp luật về các chính sách, chế độ gắn với mức lương cơ sở như hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, chế độ nhuận bút, khen thưởng, hỗ trợ học sinh, sinh viên, người dân tộc…, hay các chính sách hỗ trợ, trợ cấp, thu hút… gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; (3) phát sinh chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ hưu trước và từ ngày 1-7-2024.
Để đợt tăng lương này thực sự có ý nghĩa ở khía cạnh góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thì phải kiểm soát giá cả thật tốt và đặc biệt là phải cấp bách nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế thu nhập cá nhân.
Liên quan đến các chế độ phụ cấp mới, theo Nghị quyết 27-NQ/TW, quỹ phụ cấp giảm 24%, chỉ bằng 43% quỹ lương cơ bản thay vì 67% như hiện tại. Đồng thời, bỏ phụ cấp thâm niên nghề với cán bộ, công chức, viên chức một số chuyên ngành và phải sắp xếp lại nhiều chế độ phụ cấp hiện nay thành một chế độ phụ cấp mới.
Những yếu tố này khiến những người không còn được hưởng phụ cấp thâm niên nghề sẽ “tâm tư”. Sẽ có trường hợp có nhiều năm công tác (đang hưởng phụ cấp thâm niên nghề ở mức cao), đang công tác ở vùng khó khăn (mức phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thu hút 70%...) khi thực hiện chế độ tiền lương mới thì tiền phụ cấp thấp hơn mức hiện hưởng rất nhiều.
Đáng chú ý, theo Nghị quyết 27-NQ/TW, xây dựng, hoàn thiện vị trí việc làm là giải pháp căn bản mang tính tiền đề để thực hiện cải cách tiền lương. Tuy nhiên, đây là vấn đề rất khó và phức tạp.
Chính phủ cho biết, đến nay cơ bản các bộ, ngành, địa phương đã phê duyệt Đề án vị trí việc làm nhưng còn nặng về hình thức, chưa bảo đảm chất lượng. Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế cũng chưa trình Bộ Chính trị thông qua hệ thống danh mục vị trí việc làm trong hệ thống chính trị. Điều này dẫn đến khó khăn và chưa bảo đảm đủ điều kiện để thực hiện trả lương mới theo vị trí việc làm.
Bên cạnh đó, việc sắp xếp và thực hiện chế độ tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập để giảm đối tượng hưởng lương từ ngân sách đạt kết quả thấp. Tính đến ngày 31-12- 2023, số đơn vị sự nghiệp tự chủ bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư chiếm 1%; tự bảo đảm chi thường xuyên chiếm 6,1%; tự bảo đảm một phần chi thường xuyên chiếm 19,6%; còn lại 73,3% do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ.
Những bất cập này khiến cho việc thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW từ ngày 1-7-2024 trở nên khó khả thi. Sau nhiều lần họp Ban Chỉ đạo cải cách tiền lương và Thường trực Chính phủ, các ban, bộ, ngành liên quan; trên cơ sở Kết luận của Bộ Chính trị tại cuộc họp ngày 19-6-2024, Chính phủ đề xuất giải pháp tăng tiền lương, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1-7-2024.
Theo Chính phủ, đây là giải pháp khả thi nhất, tốt nhất trong bối cảnh chưa có đủ điều kiện bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay và có tác động tích cực đến nhiều nhóm đối tượng trong xã hội, tạo hiệu ứng tốt và rất lớn trong xã hội.
Đề xuất của Chính phủ đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 vừa qua. Nhiều đại biểu Quốc hội nhất trí rằng, trong khi chưa thực hiện được các bảng lương và phụ cấp mới của khu vực công theo Nghị quyết 27-NQ/TW thì tăng lương cơ sở, lương hưu, tăng các mức trợ cấp là cần thiết.
Phía khác của niềm vui
Như vậy, từ ngày 1-7-2024, lương cơ sở sẽ tăng 30% từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng. Lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hiện hưởng tăng 15%. Trợ cấp ưu đãi người có công tăng 35,7% từ 2,055 triệu đồng/tháng lên 2,789 triệu đồng/tháng; chuẩn trợ giúp xã hội tăng 38,9% từ 360.000 đồng/tháng lên 500.000 đồng/tháng.
Với những người đang hưởng lương hưu trước năm 1995, sau khi điều chỉnh nếu mức hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng/tháng thì sẽ được tăng thêm 300.000 đồng/tháng; người có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/tháng đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh bằng 3,5 triệu đồng/tháng. Điều này nhằm thu hẹp khoảng cách tiền lương giữa những người nghỉ hưu trước và sau năm 1995, do trước năm 1995 chưa thực hiện cải cách tiền lương.
Theo đánh giá của nhiều đại biểu Quốc hội, lương cơ sở điều chỉnh từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng là mức tăng đáng ghi nhận, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống cho người hưởng lương, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc.
Bên cạnh đó, các đối tượng nghỉ hưu, hưởng trợ cấp, chế độ, chính sách gắn với mức lương cơ sở đều được điều chỉnh tăng tương ứng với mức tăng lương của công chức, viên chức. Điều này bảo đảm được tương quan cân đối hài hòa, công bằng, bình đẳng giữa các đối tượng hưởng lương, trợ cấp và chính sách liên quan đến mức lương cơ sở, tạo được sự đồng thuận lớn trong xã hội.
Và cũng từ 1-7-2024, lương tối thiểu vùng tăng 6%.
Hàng chục triệu người đang sống trong niềm vui tăng lương, dù nhiều hay ít. Vậy nhưng chất lượng cuộc sống của họ có được cải thiện đáng kể hay không thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Đầu tiên là giá cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng. Những người đi chợ hàng ngày đều biết rằng trước khi tăng lương, giá đã tăng trước một đoạn. “Tôi ngạc nhiên vì có những mặt hàng tiêu dùng giá tăng rất nhiều lần, thậm chí gấp đôi”, ông Tạ Văn Hạ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, nói trước Quốc hội hôm bàn về cải cách tiền lương. Cũng theo ông, nay lương tăng, giá chắc chắn tiếp tục tăng. Nếu không kiểm soát được, rất có thể, đồng lương tăng một chút nhưng giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng còn tăng nhanh hơn, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân.
Yếu tố thứ hai là thuế thu nhập cá nhân. Mức giảm trừ gia cảnh với người nộp thuế thu nhập cá nhân là 11 triệu đồng/người/tháng và mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/người/tháng hiện nay quá lạc hậu. Kể từ thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần đây nhất (năm 2020) đến nay, rất nhiều hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đều tăng giá và nay khó tránh khỏi tình trạng “tát nước theo mưa” khi lương tăng. Trong bối cảnh đó, nếu cứ duy trì mức tối thiểu chịu thuế và mức giảm trừ gia cảnh như cũ thì phần tăng lương của Nhà nước sẽ chuyển thành tăng nghĩa vụ đóng góp vào thuế.
Vì thế, để đợt tăng lương này thực sự có ý nghĩa ở khía cạnh góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thì phải kiểm soát giá cả thật tốt và đặc biệt là phải cấp bách nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế. Việc sửa đổi toàn diện Luật Thuế thu nhập cá nhân có thể giữ như kế hoạch, tức là trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 10-2025 và thông qua tại kỳ họp tháng 5-2026. Tuy nhiên, điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh là việc cần phải làm ngay, có thể bằng Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội như lần điều chỉnh vào năm 2020.
Trên cơ sở những bất cập được nhận diện khi thực hiện đầy đủ, đồng bộ các nội dung cải cách tiền lương khu vực công theo Nghị quyết 27-NQ/TW, Ủy ban Xã hội của Quốc hội thống nhất với quan điểm cần thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách liên quan theo lộ trình phù hợp, từng bước, thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, phù hợp với khả năng chi trả của ngân sách nhà nước.
Đồng thời, Ủy ban Xã hội yêu cầu Chính phủ tiếp tục nghiên cứu tổng thể, toàn diện, đề xuất cấp có thẩm quyền cho chủ trương hoàn thiện các bảng lương, các chế độ phụ cấp, chế độ nâng lương, chế độ tiền thưởng, nguồn lực thực hiện, cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập để bảo đảm cải cách chính sách tiền lương thực sự là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Trong ngày 30-6-2024, Chính phủ đã ban hành ba nghị định hướng dẫn thực hiện cải cách tiền lương, gồm: Nghị định 73/2024/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; Nghị định 74/2024/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động; Nghị định 75/2024/NĐ-CP điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng. Cả ba văn bản đều có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2024.
Theo Nghị định 74/2024/NĐ-CP, lương tháng của người lao động trong doanh nghiệp tăng 6%, thêm 200.000-280.000 đồng tùy từng vùng. Cụ thể, lương tối thiểu tháng vùng 1 nâng lên thành 4,96 triệu đồng; vùng 2 là 4,41 triệu đồng; vùng 3 là 3,86 triệu đồng; vùng 4 là 3,45 triệu đồng. Lương tối thiểu giờ tăng tương ứng 6%, dao động từ 16.600-23.800 đồng/giờ.
Lương, trợ cấp tăng, tin tốt. Lâu lắm mới có một lần tăng kha khá. Là an ủi với quá nhiều người lâu nay chủ yếu sống nhờ vào mức lương tối thiểu. Nhưng để tăng chất lượng sống thì chắc còn dài lắm. Chiếu theo tiêu chí chất lượng sống của Tổ chức y tế thế giới WHO/ và Liên hiệp quốc thì cần xử lý ít nhất… 100 vấn đề ? Trước mắt, chỉ cần tập trung vào 5 vấn đề chính: Việc làm/ Thu nhập/ Ăn ở/ Giáo dục/ Sức khỏe. Muốn vậy, phải trông chờ vào một hệ thống an sinh xã hội chu đáo và bền vững.