Thứ năm, 2/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thị trường mới nổi mất sức hấp dẫn

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Khu vực thị trường mới nổi đang đánh mất sức hút đối với nhà đầu tư toàn cầu, đặc biệt là các văn phòng gia đình, nơi quản lý tài sản của các cá nhân siêu giàu trên thế giới. Hiệu suất cổ phiếu kém, rủi ro địa chính trị và biến động tỷ giá hối đoái ở khu vực này khiến nhà đầu tư đổ xô rót vốn vào các cổ phiếu vốn hóa lớn ở Mỹ.

Khu vực thị trường mới nổi, với trọng tâm là khối BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), không còn hấp dẫn để đầu tư như trước đây. Ảnh: Morning Star

Cổ phiếu ở thị trường mới nổi kém hiệu quả

Sự thay đổi xu hướng đầu tư thể hiện rõ tại Diễn đàn quỹ đầu tư quốc tế thường niên (FFI) ở Monaco hồi tháng trước. Đây là một sự kiện quy tụ các quỹ quản lý tài sản hàng đầu thế giới. Tại các diễn đàn FFI trước đây, các nhà quản lý tài sản lắng nghe các hội thảo nêu bật sức hấp dẫn của các khoản đầu tư ESG (môi trường, xã hội và quản trị) và các thị trường mới nổi. Tuy nhiên, tại diễn đàn FFI  năm nay, những chủ đề từng thịnh hành đó được thay thế bằng địa chính trị và trí tuệ nhân tạo (AI).

“Phần lớn các văn phòng gia đình không còn yêu thích thị trường mới nổi do hoạt động kém hiệu quả của cổ phiếu ở khu vực này, dẫn đầu là chứng khoán Trung Quốc, kể từ năm 2021”, Edmund Shing, giám đốc đầu tư toàn cầu của BNP Paribas Wealth Management, công ty quản lý tài sản của ngân hàng BNP Paribas giải thích trong bài phát biểu tại diễn đàn FFI.

Hiệu suất vượt trội của các cổ phiếu vốn hóa lớn ở Mỹ cũng góp phần khiến các nhà quản lý danh mục đầu tư thay đổi cách phân bổ vốn. Rủi ro địa chính trị gia tăng liên quan đến Trung Quốc và biến động tỷ giá quá mạnh ở các thị trường mới nổi như Thổ Nhĩ Kỳ càng khiến họ thận trọng với tài sản ở các nước này.

Đồng thời, tỷ trọng phân bổ vốn của các quỹ theo dõi chỉ số chứng khoán cũng trải qua quá trình tái cân bằng tương tự. Mức độ tiếp xúc của họ với các nền kinh tế đang phát triển giảm do thị trường hoạt động kém hiệu quả. Trong khi sự vượt trội của thị trường chứng khoán Mỹ thúc đẩy họ tăng cường mức độ tiếp xúc với các chủ đề đầu tư ở Bắc Mỹ, chẳng hạn nhóm cổ phiếu công nghệ lớn hay còn gọi là “bộ bảy kỳ diệu” (Magnificent Seven), gồm gồm Aphabet, Amazon, Apple, Meta Platforms, Microsoft, Nvidia và Tesla.

Sự thay đổi đó phản ánh phần nào quan điểm của một số nhà quản lý tài sản về một thế giới được chia thành hai khối. Một khối dân chủ và có thể đầu tư, khối còn lại khó hiểu hơn và triển vọng không rõ ràng.

“Các thị trường mới nổi khó phân tích và khó hiểu hơn do động lực của chúng chủ yếu là địa chính trị, ngoại hối và vĩ mô”, Edmund Shing lưu ý tại sự kiện FFI.

Ông chỉ ra, Mỹ là một thị trường lớn, có tính thanh khoản cao, sử dụng cùng một loại tiền tệ (đô la Mỹ). Ngược lại, khu vực thị trường mới nổi là tập hợp các thị trường có tính thanh khoản thấp hơn, với động lực tăng trưởng khác nhau theo từng quốc gia cụ thể và một rổ tiền tệ dễ biến động.

Trong thập niên qua, hiệu suất của chỉ số theo dõi chứng khoán khu vực thị trường mới nổi (đường màu xanh đậm) kém hơn nhiều so với chỉ số theo dõi thị trường chứng khoán toàn cầu (đường màu đỏ) và chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ (đường xanh nhạt). Ảnh: Financial Times

Thời hoàng kim của khối BRICS đã qua?

Tâm lý đầu tư đang thay đổi có thể nhìn thấy qua cuộc khảo sát Global Asset Tracker (GAT) hàng năm dành cho các giám đốc đầu tư (CIO) trên toàn cầu. Professional Wealth Management, một ấn phẩm của Financial Times thực hiện cuộc khảo sát này.

Theo đó, trong năm 2023, 78% CIO đánh giá tài sản ở thị trường mới nổi “hấp dẫn” hoặc “hấp dẫn nhất”. Nhưng đến năm 2024, tỷ lệ đó giảm xuống còn 38%. Chứng khoán Mỹ hiện là chủ đề đầu tư theo khu vực hàng đầu. Các CIO tham gia cuộc khảo sát GAT mới nhất đại diện cho 54 ngân hàng cá nhân, quản lý tổng tài sản của khách hàng hơn 22.000 tỉ đô la Mỹ.

Tương tự, sự quan tâm đến tài sản ở thị trường mới nổi cũng suy giảm tương tự ở các văn phòng đầu tư gia đình, chuyên quản lý tiền cho các gia tộc giàu có.

cho biết, lý do là khu vực thị trường mới nổi hoạt động kém hiệu quả so với các thị trường phát triển trong thập niên qua.

“Các thị trường mới nổi về cơ bản là ‘nạn nhân’ của quá trình đảo ngược toàn cầu hóa của dòng vốn đầu tư. Các yếu tố rủi ro liên quan đến địa  chính trị, sự phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc, biến động thị trường đều đồng loạt gia tăng ở khu vực thị trường mới nổi”, Didier Duret, người đứng đầu bộ phận đầu tư tại Omega Wealth Management (Thụy Sĩ) lập luận.

Ông nhớ lại “những ngày hoàng kim”, khi nhà đầu tư kỳ cựu Mark Mobius, người từng quản lý gần 50 tỉ đô la Mỹ tài sản ở thị trường mới nổi cho quỹ Franklin Templeton đi khắp châu Á để thăm các nhà máy đang phát triển. Ông thu hút sự chú ý tại các diễn đàn IIF khi chia sẻ những hiểu biết sâu sắc về thị trường mới nổi.

Nhưng kỷ nguyên tốt đẹp đó của thị trường mới nổi phụ thuộc vào chủ đề đầu tư BRICS, khối 5 nền kinh tế đang phát triển lớn gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. “Thời hoàng kim của BRICS, khi việc phân bổ được vào khối kinh tế này được xem là mang tính chiến lược, đã qua”, Duret nói.

Ấn Độ là điểm sáng

Dù vậy, một số ngân hàng quản lý tài sản cá nhân và công ty đầu tư tìm thấy những ngoại lệ đối với lập luận ủng hộ rút vốn khỏi thị trường mới nổi. Ngân hàng BNP Paribas khuyến nghị đầu tư vào các tài sản ở Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Ngân hàng này cũng ưa thích trái phiếu chính phủ ở thị trường mới nổi vì lợi suất cao và có triển vọng tốt hơn so với với trái phiếu doanh nghiệp và chính phủ của Mỹ và châu Âu.

Trong khi đó, một số văn phòng gia đình đang tập trung vào các công ty cụ thể được hưởng lợi từ AI ở thị trường mới nổi gồm các công ty hoạt động trong lĩnh vực bán dẫn ở Đài Loan và Malaysia. Theo Didier Duret, họ cũng quan đến đến các công ty ở Ấn Độ và Việt Nam, hai nước đang được hưởng lợi từ việc sắp xếp lại chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đối với một số nhà đầu tư, Ấn Độ là điểm sáng của thị trường mới nổi. “Ấn Độ ngày càng được coi là điểm đến đầu tư lớn tiếp theo khi nước này đương nhiên hưởng lợi từ cách tiếp cận ‘giảm rủi ro’ của phương Tây đối với Trung Quốc”, César Pérez Ruiz, người đứng đầu bộ phận đầu của tại Pictet Wealth Management (Thụy Sĩ) nhận xét.

Các quốc gia Đông Nam Á cũng đang đón nhận hoạt động sản xuất dịch khỏi Trung Quốc do sự cạnh tranh địa chính trị của phương Tây với Bắc Kinh.

Tuy nhiên, liệu các nhà quản lý danh mục đầu tư và tài sản có hành động hợp lý khi đánh giá thấp các thị trường đang phát triển hay không vẫn còn là vấn đề còn tranh luận.

Theo Chris Redmond, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Công ty tư vấn quản lý tài sản WTW (Anh), tài sản ở thị trường mới nổi đang ở mức trung bình 10-15% trong danh mục đầu tư của các quỹ quản lý tài sản. Tỷ lệ này thấp hơn mức khuyến nghị phẩn bổ vốn trung bình tính theo tỷ trọng GDP của khu vực thị trường mới nổi so với toàn cầu.

 Theo Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới