Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp TPHCM giảm sút

Minh Anh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Theo nhiều chuyên gia, tốc độ tăng trưởng của TPHCM đang chậm lại so với bình quân chung của cả nước. “Sức khỏe” của nhiều doanh nghiệp cũng đáng lo ngại, năng lực cạnh tranh giảm sút.

Mặc dù TPHCM vẫn dẫn đầu cả nước về giá trị tuyệt đối ở nhiều chỉ tiêu nhưng quy mô và kết quả hoạt động của lực lượng doanh nghiệp nói riêng, các kết quả kinh tế nói chung đang đi xuống một cách tương đối so với bình quân chung của cả nước. 

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM chia sẻ tại diễn đàn. Ảnh: Minh Anh

Tại diễn đàn Năng lực cạnh tranh doanh nghiệp cấp tỉnh 2024 do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp với Viện Sáng kiến Việt Nam và Trường Đạo học Nguyễn Tất Thành tổ chức ngày 9-7, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết một số địa phương khác đang có sự bứt tốc xét về tổng thể và đã có những địa phương vượt qua TPHCM.

Thêm vào đó, so với các đô thị trung tâm trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á, khả năng cạnh tranh của lực lượng doanh nghiệp thành phố, nhất là các doanh nghiệp dẫn đầu là khá khiêm tốn. Lực lượng doanh nghiệp thành phố, kinh tế TPHCM vẫn chưa thể thu hẹp khoảng cách với các đô thị đi trước trong khu vực.

Đồng quan điểm, TS Huỳnh Thế Du, Giảng viên Đại học Indiana (Mỹ), thành viên Viện sáng kiến Việt Nam nhận định, TPHCM vẫn là nơi lý tưởng cho các doanh nghiệp đặt trụ sở và hoạt động kinh doanh ở Việt Nam. Tuy nhiên, số liệu thống kê cho thấy, tốc độ tăng trưởng của TPHCM đang chậm lại so với bình quân chung của cả nước. “Sức khỏe” của lực lượng doanh nghiệp cũng đáng lo ngại.

Cụ thể, thành phố chỉ có duy nhất một doanh nghiệp góp mặt trong 10 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất cả nước vào năm 2022. Đáng chú ý, không có doanh nghiệp nào trong 10 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam theo xếp hạng của Công ty CP báo cáo Đánh giá Việt Nam (VNR500).

Trong danh sách Fortune 500 công bố vào tháng 6-2024, Việt Nam có 70 doanh nghiệp với 30 ở Hà Nội và 25 ở TPHCM, 10 doanh nghiệp lớn nhất trong Fortune 500 thì Hà Nội có 6 và TPHCM có 2.

Giá trị vốn hóa thị trường của các công ty niêm yết có xu hướng đi xuống rõ rệt. Đầu năm 2010 chiếm khoảng 50%, cuối năm 2022 còn chưa đến 1/3. Trong khi đó, Hà Nội lại có xu hướng ngược lại. Ngoài ra, các chỉ số về năng suất lao động và thu nhập bình quân đầu người của TPHCM giảm so với các thành phố trong khu vực.

Theo TS Huỳnh Thế Du, nguyên nhân khiến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp TPHCM giảm sút đến từ nhiều yếu tố. Trong đó, chiến lược hoạt động của chính lực lượng doanh nghiệp chưa rõ ràng và hoạt động còn chưa hiệu quả, trình độ phát triển cụm ngành còn khá khiêm tốn, thiếu vắng sự liên kết, tương hỗ, môi trường kinh doanh dù được cải thiện nhưng vẫn còn cách xa kỳ vọng của doanh nghiệp…

Các diễn giải tại Diễn đàn Năng lực cạnh tranh doanh nghiệp cấp tỉnh 2024 diễn ra ngày 9-7. Ảnh: Minh Anh

Ở góc độ doanh nghiệp, theo ông David Tân Nguyễn, Chủ tịch BrainGroup, Giám đốc Chiến lược BrainMark Vietnam, nhiều doanh nghiệp còn thiếu sự đổi mới, sáng tạo, thiếu những tìm hiểu về xu hướng của thị trường một cách nhanh chóng và kịp thời. Đáng chú ý, một số lãnh đạo còn lúng túng khi được hỏi về "sức khoẻ" của doanh nghiệp.

Trong khi đó, ông Nguyễn Khoa Mỹ, đại diện The Reputation Agency nhận định, doanh nghiệp chưa tận dụng hết được tài sản vô hình là sức mạnh từ thương hiệu và danh tiếng. Ông cho rằng, doanh nghiệp cần tập trung vào bốn xu thế về quản trị tài sản vô hình. Đó là, phát triển bền vững môi trường, xã hội, quản trị (ESG); lãnh đạo có trách nhiệm; uy tín của doanh nghiệp; năng lực “truyền thông” về những điều mà doanh nghiệp đã, đang và sẽ làm.

Một số doanh nghiệp khác cho rằng, để nâng cao năng lực của doanh nghiệp, cần có một môi trường cạnh tranh thực sự công bằng, không có lợi ích nhóm.

Chia sẻ bên lề diễn đàn, ông Đinh Hồng Kỳ, Chủ tịch Công ty SECOIN kiến nghị, TPHCM cần chú trọng hơn nữa phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông kết nối các trung tâm kinh tế và cửa ngõ liên thông với các tỉnh thành trong khu vực; cải thiện chất lượng giáo dục đại học gắn với phát triển nguồn nhân lực, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tuyển dụng. Quan trọng hơn, thành phố cần dành nguồn ngân sách hợp lý để xây dựng hạ tầng xanh, hạ tầng số, nhất là dữ liệu số dùng chung cho các doanh nghiệp.

Tương tự, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TPHCM cho biết, chi phí logistics cao là một trong những vấn đề lớn làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp mặc dù TPHCM có lợi thế về địa lý và hạ tầng giao thông. Vì vậy, chính quyền thành phố cần cải thiện hạ tầng logistics và cải cách hành chính để hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn. Về chính sách, việc ban hành chính sách cần có sự tham gia ý kiến từ doanh nghiệp để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới