Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Hoàn thiện khung pháp lý ‘khơi’ dòng vốn cho tăng trưởng xanh

Đinh Tấn Phong (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Trong bối cảnh xu thế phát triển bền vững và biến đổi khí hậu tác động ngày càng mạnh mẽ, nhu cầu tài chính cho tăng trưởng xanh ở Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên, nguồn lực hiện tại dành cho lĩnh vực này vẫn còn tương đối hạn chế. Một trong những nguyên nhân chủ yếu được chỉ ra là hành lang pháp lý chưa hoàn thiện.

Tổ hợp kinh tế xanh sản xuất muối sạch kết hợp năng lượng sạch tại tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: DNCC

Nhu cầu nguồn vốn lớn

Liên quan đến tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, từ năm 2012, Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2020. Đến ngày 1-10-2021, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục đưa ra “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050”, hướng tới mục tiêu đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Trên bình diện quốc tế, Việt Nam còn có những cam kết về thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững như cam kết của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại hội nghị COP26 về phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050; tham gia Sáng kiến phát thải ròng bằng 0 châu Á (AZEC); Tuyên bố chính trị thiết lập Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP)…

Tuy nhiên, để đáp ứng được các mục tiêu, cam kết về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, nguồn vốn đầu tư là một vấn đề được đặt ra. Cụ thể, theo báo cáo kỹ thuật của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhu cầu tài chính cho các biện pháp giảm phát thải trong từng lĩnh vực theo cam kết môi trường của Việt Nam đến năm 2030 dự kiến khoảng 68,75 tỉ đô la Mỹ. Theo ước tính, nguồn lực trong nước tự cân đối dự báo đạt khoảng 25 tỉ đô la Mỹ, chiếm 36% tổng nhu cầu tài chính.

Bên cạnh đó, theo báo cáo quốc gia về khí hậu và phát triển của Ngân hàng thế giới, ước tính nhu cầu tài chính cho các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu của Việt Nam đến năm 2050 tương đương 6,3-7,2% GDP/năm, tương đương 30,24-39,6 tỉ đô la. Trong đó, nguồn lực tài chính từ ngân sách nhà nước để nâng cao khả năng chống chịu và ứng phó với thiên tai ước đạt 1,8% GDP, nhu cầu huy động từ khu vực ngoài nhà nước ước đạt 4,5-5,4% GDP.

Đồng thời, tính toán của Chương trình phát triển của Liên Hợp quốc (UNDP) còn cho thấy, Việt Nam cần khoảng 330-370 tỉ đô la Mỹ để thực hiện cam kết phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Vướng mắc khuôn khổ pháp lý

Theo báo cáo của Bộ Tài Chính, từ năm 2017 đến nay, thị trường tín dụng xanh tại Việt Nam đã có tốc độ phát triển hơn 20%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế; một số trái phiếu xanh chính quyền địa phương, trái phiếu xanh doanh nghiệp được phát hành thí điểm, đặc biệt phát hành trái phiếu cho các dự án xanh có quy mô lớn như năng lượng tái tạo, vận tải xanh, bất động sản xanh… Trong giai đoạn 2019-2023, các doanh nghiệp Việt Nam đã phát hành khoảng 1,16 tỉ đô la trái phiếu xanh.

Bên cạnh đó, theo Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng cho các dự án xanh cũng tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây. Giai đoạn 2017-2023, dư nợ tín dụng lĩnh vực này tăng trưởng bình quân hơn 22%/năm trên toàn hệ thống. Đến hết quí 1-2024, 47 tổ chức tín dụng cho vay với dư nợ gần 637.000 tỉ đồng, chiếm khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh của Việt Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và với nhu cầu huy động vốn cho chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, phát triển bền vững.

Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh của Việt Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và với nhu cầu huy động vốn cho chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, phát triển bền vững. Ảnh: TL

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là khuôn khổ pháp lý chưa hoàn thiện. Đầu tiên, tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh (danh mục phân loại xanh) chưa được ban hành.

Điều này đã gây nhiều khó khăn, vướng mắc cho thiết kế và thực hiện chính sách hỗ trợ chuyển đổi xanh, thiết kế các gói tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh cũng như hoàn thiện quy trình sản xuất, cải tiến công nghệ.

Hạn chế tiếp theo là phạm vi định nghĩa về trái phiếu xanh tại Việt Nam còn tương đối hẹp. Cụ thể, theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, “trái phiếu doanh nghiệp xanh là trái phiếu doanh nghiệp được phát hành để đầu tư cho dự án thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường, dự án mang lại lợi ích về môi trường theo quy định của pháp luật bảo vệ môi trường”.

Như vậy, quy định về trái phiếu xanh mới chỉ dừng lại ở khía cạnh đáp ứng các tiêu chuẩn các quy định của pháp luật Việt Nam mà chưa đề cập đến tiêu chuẩn trái phiếu xanh quốc tế. Trong khi trên thực tế, trái phiếu xanh tại Việt Nam hiện vẫn đang được phát hành dựa trên một số tiêu chuẩn quốc tế như tiêu chuẩn trái phiếu xanh của ASEAN (AGBS), các Nguyên tắc Trái phiếu xanh của Hiệp hội thị trường vốn Quốc tế (ICMA)...

Một vướng mắc khác, các dự án xanh mặc dù được xem là lĩnh vực được ưu tiên cho vay vốn nhưng tín dụng xanh chưa được xem là một lĩnh vực được hưởng lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định. Do đó, mức lãi suất cho vay trên thực tế đối với các dự án xanh về cơ bản vẫn chưa có sự khác biệt với các khoản vay khác của các tổ chức tín dụng, với mức lãi suất ngắn hạn dao động trong khoảng 6,2- 9,4%/năm, các khoản vay trung dài hạn khoảng 9,4-11,4%/năm.

Trong khi đó, các nguồn vốn cho vay cho các dự án xanh của các tổ chức tín dụng lại chủ yếu là vốn huy động ngắn, trung hạn. Điều này dẫn đến việc huy động vốn của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, trong khi đầu tư cho các dự án xanh đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị trường cao.

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý

Nhằm đảm bảo nhu cầu vốn cho tăng trưởng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, theo người viết bài này, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan đẩy nhanh việc rà soát, hoàn thiện và sớm ban hành tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh.

Bên cạnh đó, sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng, mở rộng định nghĩa về trái phiếu xanh tại Việt Nam ngoài tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam còn phải đáp ứng theo tiêu chuẩn trái phiếu xanh quốc tế. Điều này sẽ tạo điều kiện huy động nguồn lực tài chính quốc tế cho lĩnh vực tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

Một giải pháp tiếp theo là sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 13 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN theo hướng, bổ sung tín dụng xanh là một lĩnh vực được hưởng lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa, nếu có thể đề xuất áp dụng ngay trong năm 2024 nhằm tiết giảm chi phí đầu tư cho các dự án xanh.

(*) Viện Kinh tế - Xã hội thành phố Cần Thơ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới