Thứ Tư, 31/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Tuân thủ pháp luật trong đầu tư ra nước ngoài – dễ mà khó!

Nguyễn Thị Kim Thanh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Thương nhân Việt ngày càng mạnh dạn vươn ra thị trường quốc tế, sử dụng “đầu tư ra nước ngoài” như một chiến lược phát triển bứt phá. Để thành công trong “sân chơi” mới đầy tiềm năng nhưng cũng ẩn chứa nhiều thách thức thì tuân thủ pháp luật là “luật chơi” then chốt.

Tập đoàn sữa TH đang đầu tư ra nước ngoài khá lớn. Ảnh minh họa: TH

“Bài toán” tuân thủ pháp luật

Ngày nay, sự hiện diện của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài không còn xa lạ với nền kinh tế Việt Nam so với những năm đầu của thế kỷ 21. Ở chiều ngược lại, ý niệm về “đầu tư ra nước ngoài” cũng dần trở nên phổ biến, gần gũi và được giới kinh doanh quan tâm. Việc một doanh nghiệp Việt Nam có hiện diện thương mại ở một quốc gia hay vùng lãnh thổ nước ngoài không còn xa lạ.

Có nhiều lý do khiến thương nhân Việt quyết định đầu tư ra nước ngoài, trong đó có thể kể đến các yếu tố phổ quát như về thương mại bao gồm thị trường, tiềm năng phát triển, nguồn nguyên vật liệu, nhân công…, về địa chính trị bao gồm vị trí địa lý, quan điểm quản lý và pháp luật.

Yếu tố pháp luật đóng vai trò chi phối và tác động mạnh đến quyết định đầu tư ra nước ngoài. Do vậy, tuân thủ pháp luật là một vấn đề quan trọng trong hoạt động đầu tư.

Liên quan đến hoạt động đầu tư ở nước ngoài, pháp luật phản ánh và hiện diện trong các vấn đề như:

i. Chính sách đầu tư, như: khuyến khích đầu tư (chẳng hạn, ưu đãi về thuế, phí, đất đai, đơn giản hóa thủ tục hành chính… để thu hút đầu tư nước ngoài) hay hạn chế đầu tư (chẳng hạn, một số quốc gia có thể áp dụng các biện pháp hạn chế đầu tư nước ngoài vào một số ngành nghề hoặc lĩnh vực nhất định như ngành truyền thông, khai thác tài nguyên thiên nhiên… để bảo vệ an ninh, lợi ích quốc gia hoặc phát triển các ngành công nghiệp nội địa), tạo điều kiện hay cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư nước ngoài.

ii. Thủ tục hành chính – pháp lý phải thực hiện với Nhà nước Việt Nam và nước ngoài.

iii. Bảo hộ đầu tư liên quan đến quyền kinh doanh và quyền sở hữu đối với tài sản đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài tại quốc gia nơi thực hiện các hoạt động đầu tư.

Khi đầu tư ra nước ngoài, thương nhân và doanh nghiệp Việt Nam trước hết phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. Đây là điều kiện tiên quyết để được pháp luật và Chính phủ Việt Nam bảo vệ trong một số tình huống pháp lý có thể phát sinh trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Về cơ bản, thương nhân Việt cần thực hiện ít nhất hai thủ tục quan trọng gồm đề nghị cấp phép đầu tư ra nước ngoài theo các quy định của Luật Đầu tư (thuộc thẩm quyền cấp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và cấp phép cho các giao dịch ngoại hối bao gồm mở tài khoản vốn đầu tư chuyển vốn đầu tư, đăng ký sử dụng ngoại tệ theo các quy định về quản lý ngoại hối (thuộc thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước).

Bên cạnh đó, để thành công trên sân chơi thế giới, một điều sống còn nữa là doanh nghiệp phải hiểu và tuân thủ đúng luật chơi của sân chơi ấy, tức pháp luật quốc tế và pháp luật của quốc gia nơi đầu tư. Điều này bao gồm tuân thủ pháp luật của nước đầu tư, các điều ước quốc tế song phương, đa phương giữa Việt Nam và nước đó, và các điều ước quốc tế mà cả hai nước là thành viên. Một lỗi thường gặp là doanh nghiệp chỉ tập trung nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật của quốc gia nơi dự định thực hiện đầu tư, mà “quên” đi các nguồn pháp luật còn lại.

Hoạt động đầu tư ra nước ngoài có tính chất phức tạp và đa chiều. Vì vậy, thương nhân Việt phải có cách thức, nguồn lực tương xứng và phù hợp để đảm bảo tuân thủ pháp luật một cách hiệu quả.

Một số gợi ý giải bài toán “tuân thủ pháp luật”

Để tuân thủ pháp luật trong kế hoạch đầu tư ra nước ngoài, doanh nghiệp thường trải qua các bước sau: (1) Lập kế hoạch chi tiết; (2) Tìm hiểu, thu thập, đánh giá các quy định pháp luật có liên quan đến hoạt động đầu tư; (3) Điều chỉnh và thông qua kế hoạch hoàn chỉnh; (4) Triển khai thực hiện kế hoạch, bao gồm các hoạt động tuân thủ pháp lý và hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Bước 2 có thể được thực hiện theo nhiều cách, tùy thuộc vào cơ cấu tổ chức và văn hóa doanh nghiệp. Thông thường, công việc này sẽ được giao cho phòng/ban pháp chế hoặc bộ phận chuyên trách về pháp lý của doanh nghiệp. Do bài toán liên quan đến nguồn luật điều chỉnh hoạt động đầu tư ở nước ngoài khá đa dạng và phức tạp, nhân viên pháp lý có thể gặp khó khăn và bị “chìm” trong “ma trận luật”. Trong khi đó, kết quả của bước 2 là tiền đề quan trọng để điều chỉnh và hoàn thiện kế hoạch ở bước 3. Do vậy, nếu không thực hiện tốt bước này, doanh nghiệp sẽ phải tốn thêm nhiều thời gian và chi phí để sửa đổi kế hoạch, dẫn đến mất đi cơ hội kinh doanh.

Một cách thức khác là thuê dịch vụ tư vấn pháp lý độc lập bên ngoài. Doanh nghiệp phê duyệt một khoản ngân sách cho dịch vụ này và giao cho phòng/ban pháp chế cùng với ban lãnh đạo làm việc trực tiếp với đơn vị tư vấn. Bởi vì pháp luật nước ngoài thường phức tạp và có nhiều khác biệt so với pháp luật Việt Nam nên việc thuê và sử dụng dịch vụ này nên kết hợp tham vấn ý kiến chuyên môn của các công ty tư vấn pháp luật, luật sư tại Việt Nam và luật sư nước/vùng lãnh thổ nơi dự định đầu tư. Nếu chỉ sử dụng dịch vụ tư vấn của luật sư nước ngoài thì doanh nghiệp cần có nền tảng hiểu và áp dụng pháp luật tốt.

Doanh nghiệp cũng có thể tự tìm hiểu thông tin tại trang web chính phủ và các cơ quan thuộc chính phủ các nước về đầu tư, kinh doanh. Điều này giúp doanh nghiệp tự trang bị nền tảng kiến thức cho mình, hỗ trợ tốt cho việc lập kế hoạch và ngay cả quá trình sử dụng dịch vụ tư vấn độc lập.

Trong nhiều cách giải bài toán “tuân thủ pháp luật”, có thể sẽ cần triển khai đồng thời nhiều cách và trong mọi trường hợp chỉ khi tối ưu hóa, kết hợp cả nội lực (nguồn nhân lực của doanh nghiệp) và ngoại lực (dịch vụ tư vấn pháp lý bên ngoài) thì mới mang lại hiệu quả tốt nhất.

Một số “chông gai” trong quá trình tuân thủ pháp luật khi đầu tư ở nước ngoài

Với những ngành nghề kinh doanh mới, Việt Nam chưa có các quy định hoặc chưa được ưu tiên phát triển thì việc tìm đến “miền đất hứa”, nơi đã có các quy định cụ thể để thực hiện hoặc khuyến khích đầu tư, là một lựa chọn được truyền miệng trong giới kinh doanh. Tuy nhiên, đối với những ngành nghề kinh doanh mới mà pháp luật Việt Nam chưa có các quy định điều chỉnh thì nhà đầu tư phải tự gánh chịu mọi rủi ro và hậu quả pháp lý nếu quyết định đầu tư ở nước ngoài vào những lĩnh vực ấy. Đồng thời, nếu pháp luật nước nơi thực hiện đầu tư yêu cầu nhà đầu tư phải cung cấp “giấy phép đầu tư ra nước ngoài do Việt Nam cấp” hoặc các giấy tờ có tính chất tương tự do Nhà nước Việt Nam cấp thì cũng khó có thể đáp ứng được.

Các dịch vụ tư vấn pháp lý ở nước ngoài chủ yếu được thực hiện trực tuyến do khoảng cách địa lý, điều này gây ra một số khó khăn và trở ngại làm giảm hiệu quả và kết quả không như mong đợi so với cách thức làm việc, tương tác trực tiếp truyền thống. Do đó, việc lựa chọn dịch vụ chất lượng là một thử thách, đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư tìm kiếm, lựa chọn kỹ lưỡng theo những tiêu chí đáng tin cậy. Khó khăn trên có thể được giảm bớt nếu doanh nghiệp lựa chọn đơn vị tư vấn có hiện diện ở cả Việt Nam và nước đầu tư, hoặc tìm kiếm đơn vị trung gian có đủ chuyên môn làm đầu mối giữa doanh nghiệp và đơn vị tư vấn nước ngoài. Hiện nay, một số công ty luật Việt Nam đã và đang triển khai dịch vụ trung gian như trên thông qua mạng lưới các luật sư và các công ty luật đáng tin cậy, được xác thực tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Để thu xếp dòng vốn đầu tư, doanh nghiệp cần nắm rõ các quy định về quản lý ngoại hối của Việt Nam, bao gồm cả hai chiều: chuyển tiền đi và thu tiền về. Thủ tục đề nghị cấp các giấy phép chuyển tiền ra nước ngoài và chuyển tiền từ nước ngoài về Việt Nam sẽ khá phức tạp và tốn thời gian thực hiện. Điều này có thể gây trở ngại, không đáp ứng được thời gian mong đợi hay theo kế hoạch kinh doanh tổng thể. Vì vậy, doanh nghiệp cần chuẩn bị kỹ lưỡng và có chiến lược rõ ràng để giảm thiểu tác động của vấn đề này.

Tóm lại, khi đầu tư ra nước ngoài, doanh nghiệp cần kết hợp tối ưu hóa cả nội lực và ngoại lực để đạt được hiệu quả tốt nhất. Việc chuẩn bị kỹ lưỡng, nắm vững các quy định pháp luật và lựa chọn đối tác tư vấn tin cậy sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro và tận dụng tối đa cơ hội kinh doanh trên thị trường quốc tế.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới