Thứ sáu, 3/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Indonesia mua thêm 320.000 tấn gạo, có thể nhập 4,3 triệu tấn cả năm

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Lượng gạo Indonesia nhập khẩu gạo trong năm nay có thể tăng lên 4,3 triệu tấn do cơ quan quản lý lo ngại nguồn cung nội địa không đạt kỳ vọng vì thời tiết khô hạn.

Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) vừa thông báo mở thầu mua 320.000 tấn gạo trắng 5% tấm. Thời hạn cuối để nhận chào giá cho gói thầu là ngày 31-7. Bulog đặt mục tiêu mua gạo từ Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Campuchia và Pakistan với thời gian giao từ tháng 8 đến tháng 9-2024.

Công nhân bốc dỡ gạo nhập khẩu từ Thái Lan tại cảng Ujung Baru ở thành phố Medan, Indonesia. Ảnh: Antara

Tại cuộc họp báo hôm 22-7, ông Sarwo Edhy, Tổng Thư ký Cơ quan lương quốc gia Indonesia (NFA) cho biết, Indonesia có thể nhập khẩu tới 4,3 triệu tấn gạo trong năm nay nếu sản lượng của vụ lúa hiện tại không đạt kỳ vọng do hạn hán, lũ lụt hoặc sâu bệnh. Con số này cao hơn kế hoạch nhập khẩu 3,6 triệu tấn gạo đặt ra từ hồi đầu năm.

Theo NFA, trong 5 tháng đầu năm 2024, Indonesia đã mua 2,22 triệu tấn gạo từ nước ngoài. Việt Nam, Thái Lan, Myanmar và Pakistan là những nhà cung cấp gạo chính cho Indonesia trong nửa đầu năm. Ước tính, sản lượng gạo sản xuất ở đất nước đông dân nhất Đông Nam Á trong 8 tháng đầu năm sẽ thấp hơn 9,52% so với cùng kỳ năm 2023.

Trước đó, hôm 17-7, phát biểu bên lề một hội nghị về ninh lương thực ở thủ đô Jakarta, ông Edhy cũng cho biết, Indonesia dự kiến mua thêm 2,1 triệu tấn gạo trong nửa cuối năm nay.

“Tất nhiên, kế hoạch nhập khẩu sẽ thay đổi tùy vào tình hình sản lượng gạo trong nước. Nếu sản xuất gạo trong nước có thể đáp ứng đủ nhu cầu thì chúng ta không cần nhập khẩu thêm”, ông lưu ý.

Là lương thực thiết yếu đối với hầu hết 270 triệu người dân ở Indonesia, giá gạo nội địa vào tháng trước cao hơn gần 12% so với cách đây một năm vì năng suất suy giảm do thời tiết bất lợi.

Hiện nay, vấn đề lớn nhất đối với vụ lúa hiện tại của Indonesia là thời tiết khô hạn. Cơ quan khí tượng, khí hậu và địa vật lý Indonesia (BMKG) dự báo, làn sóng nhiệt và mùa khô sẽ diễn ra từ tháng 7 đến tháng 10, có khả năng cao dẫn đến hạn hán. Gần đây, chính phủ Indonesia đã triển khai chương trình phân phối hàng chục ngàn máy bơm đến các vùng trồng lúa trên cả nước để khai thác nguồn nước ngầm và nước từ sông ngòi.

Cùng ngày, hãng tin Reuters dẫn lời các thương nhân châu Âu cho biết, Bulog vừa mở thầu quốc tế để mua 320.000 tấn gạo trắng 5% được xay từ lúa không quá 6 tháng kể từ sau khi thu hoạch từ niên vụ 2024 (từ tháng 8-2023 đến tháng 9-2024)

Thời hạn cuối để nhận chào giá cho gói thầu là ngày 31-7. Bulog đặt mục tiêu mua gạo từ Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Campuchia và Pakistan với thời gian giao từ tháng 8 đến tháng 9-2024. Kết quả trúng thầu sẽ được thông báo vào đầu tháng 8.

Các nguồn tin thị trường nói với S&P Global Commodity Insights rằng, động thái này có thể giúp ổn định giá gạo ở Việt Nam và Thái Lan trong ngắn hạn. Theo dữ liệu của S&P Global, hôm 22-7, giá FOB (giá bán từ cảng của người bán) của gạo trắng 5% tấm Thái Lan là 561 đô la Mỹ/tấn, thấp nhất trong sáu tháng. Trong khi đó, giá FOB của gạo trắng 5% tấm Việt Nam là 534 đô la Mỹ/tấn, gần mức thấp nhất trong một năm.

Bulog đã mua khoảng 210.000 tấn gạo trong phiên đấu thầu quốc tế gần đây nhất được báo cáo vào ngày 22-5. Phần lớn lượng gạo mua đến từ Việt Nam, Campuchia và Myanmar.

Một nguồn tin ở Việt Nam cho biết, dù có hơi muộn nhưng quyết định mở thầu của Bulog có thể giúp ổn định giá gạo trắng. Tuy nhiên, giá khó tăng cao.

Một thương nhân ở Singapore nhận định, rất khó để dự đoán thị trường gạo Việt Nam khi một số nhà xuất khẩu hướng đến lợi nhuận trong khi những nhà xuất khẩu ưu tiên đảm bảo thực hiện hợp đồng đã ký kết. Thương nhân này nói thêm rằng, dù giá gạo Việt Nam có thể tăng trong ngắn hạn nhưng xu hướng chung sẽ giảm.

Tại Thái Lan, giá gạo nội địa dự kiến ​​sẽ ổn định nhưng không tăng đáng kể do chưa có thông tin chi tiết về gói thầu của Indonesia. Một thương nhân tại Thái Lan cho biết, dù giá gạo nội địa sẽ ổn định sau phiên đấu thầu Bulog nhưng khó có khả năng tăng mạnh. Người này giải thích, mức độ chia nhỏ của gói thầu từ Indonesia chưa được xác định và chưa rõ nước nào sẽ trúng thầu.

Theo S&P Global, Antara News, Reuters

 

 

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới