Thứ bảy, 9/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Mở lối huy động vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Việc xây dựng một cơ sở hạ tầng tài chính tốt, với hoạt động cho vay dựa trên dữ liệu và phân tích dữ liệu được nhiều chuyên gia kỳ vọng là sẽ giúp tổ chức cho vay mở rộng sản phẩm dịch vụ cho nhiều khách hàng hơn. Đặc biệt, là có thể tiếp cận với nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng nhiều nhóm khó tiếp cận dịch vụ tài chính khác.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ mới được đáp ứng hơn 32% nhu cầu tín dụng. Ảnh minh họa:TL

Khoảng trống tài chính 24 tỉ đô la Mỹ

Nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 85% số lượng doanh nghiệp tại Việt Nam. Nhóm này đóng góp 20% trong tổng doanh thu của toàn bộ doanh nghiệp cả nước, tương ứng 70% GDP. Tuy nhiên, doanh nghiệp nhỏ và vừa lại chỉ mới tiếp cận được các khoản vay với giá trị trên 11,2 tỉ đô la Mỹ, tương ứng 32,18% nhu cầu tín dụng. Nhu cầu vốn còn lại, lên đến gần 24 tỉ đô la Mỹ vẫn chưa được đáp ứng.

Ông Nguyễn Trí Kỷ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Đắk Nông, Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ thiết kế xây dựng Thành Vinh cho biết, nhiều doanh nghiệp “khát” vốn nhưng khó tiếp cận với vốn vay do chưa có quy định cụ thể về định giá tài sản so với thị trường để mở hồ sơ vay. Ngoài ra, việc tiếp cận vốn vay mà không phải thế chấp bất động sản cũng là bài toán khó với phần đông doanh nghiệp trong nhóm này.

Bà Phạm Thị Thanh Huyền, cán bộ quản lý Chương trình phát triển cơ sở hạ tầng tài chính tại Việt Nam và Campuchia của IFC cũng cho rằng, ngoài các nguyên nhân chủ quan từ doanh nghiệp, thị trường tài chính tại Việt Nam thiếu trầm trọng các sản phẩm ngân hàng và dịch vụ tài chính cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.

Văn hóa cho vay ở Việt Nam chủ yếu dựa trên thế chấp bất động sản, chưa chú trọng cho vay dựa trên động sản như khoản phải thu, hàng tồn kho, giấy tờ sở hữu và giấy tờ thương mại cũng là rào cản với không ít doanh nghiệp.

Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay của các tổ chức tín dụng còn do phương pháp chấm điểm tín dụng truyền thống. Thêm vào đó, trong bối cảnh các đơn vị này đẩy mạnh áp dụng các chuẩn mực quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế như hiện nay thì khó càng chồng khó.

“Hiện năng lực chấm điểm tín dụng, quản lý rủi ro và dữ liệu thu thập được không đáp ứng, khiến các tổ chức tín dụng không tự tin giải ngân nếu không có tài sản thế chấp là bất động sản”, bà Huyền nói tại một hội thảo về đổi mới dịch vụ, sản phẩm tài chính - ngân hàng cho doanh nghiệp nhỏ vào tuần qua.

Ông Trần Anh Quý, Trưởng phòng Tín dụng chính sách, Vụ tín dụng các ngành kinh tế thuộc Ngân hàng Nhà nước, cơ quan quản lý đã đưa ra rất nhiều chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng thương mại còn e ngại và từ chối cho vay vì nhóm này được xem là có rủi ro cao.

"Có đơn vị hoạt động tốt nhưng cũng có nhiều nơi hoạt động chưa tốt. Thậm chí, có trường hợp nhân viên ngân hàng tìm mãi không thấy trụ sở của doanh nghiệp ở đâu thì làm sao ngân hàng dám mạnh dạn cho vay", ông Quý nói.

Gỡ khó cho bên vay - cho vay nhờ giải pháp dữ liệu

Nhiều ý kiến cho rằng, những khó khăn trong việc cấp vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể được tháo dỡ nhờ công nghệ, đặc biệt là công nghệ tài chính (fintech). Thực tế, đã có những doanh nghiệp đã đầu tư vào công nghệ để tiếp cận nhóm khách hàng này tốt hơn.

Trong đó, Tập đoàn Sumitomo Mitsui (Nhật Bản) đã đầu tư 1,3 tỉ yên, cỡ 10 triệu đô la Mỹ vào Công ty cổ phần SmartNet Việt Nam để phát triển ứng dụng SmartPay, cung cấp các giải pháp mua ngay và trả sau cho doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng doanh nghiệp siêu nhỏ. Ứng dụng này đã tiếp cận khoảng 667.000 nhà bán lẻ trên 63 tỉnh, thành phố.

Hiệp hội Fintech Singapore cũng thiết lập một mạng lưới rộng khắp với 150.000 đại lý và cửa hàng bán lẻ để cung cấp khoản vay tín chấp trị giá 2 tỉ đô la cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ có tiềm năng tại Việt Nam.

Văn hóa cho vay ở Việt Nam chủ yếu dựa trên thế chấp bất động sản khiến nhỏ và vừa khó tiếp cận vốn tín dụng. Ảnh minh hoạ: TL

Tuy nhiên, nhiều đơn vị đang vướng ở khâu dữ liệu. Ông Vũ Ngọc Bồng Lai, Giám đốc nền tảng quản lý tài chính doanh nghiệp của Techcombank đánh giá, điểm khó khăn nhất là thu thập và xử lý dữ liệu, để tạo được thông tin có giá trị, thấu hiểu bản chất của khách hàng từ những dữ liệu thô ban đầu.

Do các vấn đề về thông tin bất đối xứng cho nên nếu chỉ nhìn vào những dữ liệu truyền thống, các ngân hàng chưa chắc đã có những đánh giá chính xác về tình trạng sức khỏe tài chính của khách hàng, vì những dữ liệu này thường không bao gồm thông tin tài chính chi tiết và toàn diện.

Đồng quan điểm, bà Phạm Thị Thanh Huyền cho biết, nhu cầu của các ngân hàng trong việc tiếp cận dữ liệu khách hàng ngày càng cao và hiện có nhiều bên cung cấp dữ liệu. Tuy nhiên, chất lượng dữ liệu vẫn là vấn đề vì cách thu thập thông tin của mỗi ngân hàng về từng khách hàng lại khác nhau, dẫn đến thông tin không nhất quán.

Để giải quyết khó khăn, nhiều chuyên gia và đại diện doanh nghiệp cho rằng thị trường tín dụng cần một cơ sở hạ tầng tài chính tốt, đủ khả năng giải quyết vấn đề thông tin bất cân xứng.

“Khả năng tiếp cận tín dụng đầy đủ không thể xảy ra một cách độc lập, không có các sản phẩm về dữ liệu và phân tích dữ liệu, sẽ không thể nói về tài chính số”, bà Huyền nói và khẳng định, dữ liệu đóng vai trò quan trọng trong việc tạo thành các báo cáo tài chính và kiểm toán tốt, bên cạnh hệ thống chia sẻ thông tin tín dụng và dữ liệu về doanh nghiệp.

Vì vậy, các cơ quan quản lý có thể xem xét cấp phép, thành lập, công nhận các công ty dịch vụ dữ liệu và phân tích dữ liệu khách hàng hoặc liệt kê trong một danh sách trắng. Với các doanh nghiệp sở hữu cơ sở dữ liệu chuyên sâu, có thể thành lập các công ty con của để cung cấp dịch vụ dữ liệu và phân tích dữ liệu.

Tuy nhiên, đại diện IFC cũng lưu ý vấn đề tuân thủ quy định pháp luật về thu thập và bảo vệ dữ liệu trong bối cảnh nhận thức của người sử dụng dữ liệu cũng chưa cao.

“Hiện Việt Nam chưa có cơ quan đầu mối để tạo ra một cơ sở nền tảng công nghệ chung cho dữ liệu, để các công ty dữ liệu có thể kết nối và truy xuất dữ liệu. Nếu có một nền tảng như vậy, ngân hàng sẽ tiết kiệm được nguồn lực nội bộ trong việc quản lý dữ liệu”, bà Huyền nói.

Tại Singapore, Chính phủ đã xây dựng một nền tảng chung về dữ liệu. Tại đây, các ngân hàng kết nối vào hệ thống để lấy dữ liệu mà không cần mất thời gian vào việc quản lý dữ liệu riêng của từng khách hàng. Điều này giúp các ngân hàng tiết kiệm thời gian và tối ưu hóa quá trình quản lý dữ liệu.

Với Việt Nam, trong bối cảnh nguồn lực còn hạn hẹp, ông Vũ Ngọc Bồng Lai cho rằng, nếu chỉ tạo ra những sản phẩm tài chính kiểu một sản phẩm dành cho tất cả khách hàng thì các tổ chức tín dụng không thể cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay. Việc xây dựng sản phẩm tính dụng phải mang tính chất “may đo”, xuất phát từ đặc tính không có báo cáo tài chính và tính bản địa cao của những doanh nghiệp này.

Thực tế, đã có một số ngân hàng như Techcombank, VIB đã làm điều này. Trong đó, Techcombank đã đầu tư vào công nghệ, khoa học dữ liệu và con người để xây dựng năng lực am hiểu khách hàng đến từng phân khúc, tiểu phân khúc nhằm đưa ra những sản phẩm tín dụng có tính chất ‘may đo’, chuẩn mực cho từng nhóm.

Với VIB, ông Trần Nhất Minh, Phó tổng giám đốc cho biết, ngân hàng đã thiết kế ứng dụng VIB Checkout giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ/cá nhân kinh doanh có thể quản lý tài chính, tối ưu hóa chi phí và nguồn lực qua điện thoại thông minh.

Việc thanh toán các khoản chi phí như tiền thuê địa điểm, tiền hàng, lương cho nhân viên có thể được thực hiện theo hình thức chuyển tiền đơn/theo lô qua ứng dụng. Cùng với đó, tính năng phân quyền giao dịch cũng giúp chủ doanh nghiệp giao quyền xử lý các giao dịch hàng ngày cho nhân sự liên quan.

 

 

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới