Chủ Nhật, 1/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Lo ngại kinh tế Mỹ suy thoái khi thất nghiệp bất ngờ tăng

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ bất ngờ tăng lên mức cao nhất trong gần 3 năm trong bối cảnh doanh nghiệp tuyển dụng chậm lại.

Dữ liệu mới nhất làm dấy lên nỗi lo thị trường lao động của Mỹ đang ngày càng xấu đi và có thể đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới đến bờ vưc suy thoái.

Các ứng viên xếp hàng để nộp đơn xin việc tại một hội chợ việc làm ở Sunrise, bang Florida, Mỹ hồi tháng 6-2024. Ảnh: Getty Images

Thị trường việc làm suy yếu hơn dự kiến

Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, công bố hôm 2-8, cho thấy trong tháng Bảy, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 4,3% so với 4,1% trong tháng Sáu. Trước đó, các nhà kinh tế dự báo, thất nghiệp trong tháng trước sẽ suy trì ở mức 4,1%. Thất nghiệp của Mỹ đã tăng 4 tháng liên tục và đang ở mức cao nhất kể từ tháng 9-2021.

Số việc làm phi nông nghiệp chỉ tăng thêm 114.000 việc trong tháng trước. Con số này thấp hơn nhiều so với mức trung bình 215.000 việc làm mỗi tháng được bổ sung trong 12 tháng qua. Các nhà kinh tế trong cuộc khảo sát của Reuters dự báo, số việc làm phi nông nghiệp sẽ tăng thêm 175.000 trong tháng trước.

Phạm vi tăng việc làm tiếp tục thu hẹp, với 49,6% ngành nghề báo cáo số việc làm tăng, giảm từ mức 56,0% trong tháng 6.

Lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tiếp tục dẫn đầu, với số lượng việc làm tăng thêm 55.000. Biên chế ngành xây dựng tăng thêm 25.000 việc làm trong khi ngành giải trí và khách sạn có thêm 23.000 vị trí. Việc làm trong các cơ quan chính quyền tăng 17.000 nhưng việc làm ngành thông tin giảm 20.000.

Trong 12 tháng tính đến tháng Bảy, tiền lương của người động Mỹ tăng 3,6%, mức tăng hàng năm thấp nhất kể từ tháng 5-2021.

Sự suy yếu rõ rệt của thị trường lao động đã được cảnh báo trong các cuộc khảo sát về niềm tin doanh nghiệp và qua sự tăng số lượng người hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tuần trước, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng thêm 14.000 lên 249.000. Đây là số đơn xin trợ cấp cao nhất kể từ tuần đầu tiên của tháng 8-2023 và là tuần thứ 10 liên tiếp số đơn xin trợ cấp cao hơn 220.000.

Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng mạnh lãi suất vào năm 2022 và 2023 đã gây áp lực lớn lên nhu cầu lao động. Sau khi kết thúc cuộc họp chính sách hôm 31-7, Fed thông báo duy trì lãi suất ở biên độ 5,25-5% nhưng báo hiệu sẽ giảm chi phí vay sớm nhất là vào tháng Chín tới.

Brian Bethune, giáo sư kinh tế tại Đại học Boston (Mỹ) cho biết, nếu dữ liệu việc làm công bố sớm hơn, các quan chức Fed có lẽ đã quyết định cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản trong cuộc họp đầu tuần này.

“Hoàn toàn không có lý do chính đáng nào để tiếp tục áp dụng mức thắt chặt tiền tệ hiện nay đối với nền kinh tế”, ông nói.

Các nhà phân tích của ngân hàng Goldman Sachs hiện dự đoán, Fed sẽ thực hiện 3 đợt giảm lãi suất trong những tháng cuối năm thay vì chỉ 2 đợt như dự kiến trước đó. Các nhà kinh tế khác cũng kỳ vọng ngoài đợt giảm lãi suất dự kiến vào tháng Chín, Fed sẽ tiếp tục hạ lãi suất trong tháng 11 và 12.

Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ trong tháng Bảy tăng lên 4,3%, cao nhất trong gần 3 năm. Ảnh: CNBC

Kích hoạt quy tắc cảnh báo suy thoái

Báo cáo việc làm ảm đạm trong tháng trước làm dấy lên mối lo ngại nền kinh tế Mỹ đứng trước rủi ro suy thoái.

Theo quy tắc Sahm, một cuộc suy thoái sẽ diễn ra nếu tỷ lệ thất nghiệp trung bình trong 3 tháng tăng hơn nửa điểm phần trăm (50 điểm cơ bản) so với mức thấp nhất trong 12 tháng. Vì vậy, quy tắc này đã được kích hoạt do dữ liệu việc làm mới nhất đẩy tỷ lệ thất nghiệp trung bình trong 3 tháng của Mỹ tăng 53 điểm cơ bản so với mức thấp nhất trong 1 năm.

Kể từ năm 1953 và ngoại trừ thời điểm hiện tại, quy tắc Sahm đã kích hoạt 11 lần. Mười lần trong số đó, nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.

Nhà kinh tế Bill Adams của Ngân hàng Comerica, nhận định việc kích hoạt quy tắc Sahm và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng sẽ làm tăng thêm lo ngại nền kinh tế sẽ suy yếu hơn dự kiến ​​​​trong nửa cuối năm 2024.

“Đánh giá của chúng tôi về nguy cơ kinh tế Mỹ suy thoái trong 12 tháng tới cao hơn so với trước khi dữ liệu việc làm mới nhất được công bố”, ông nói.

Tuy nhiên, nhà kinh tế Claudia Sahm, cựu quan chức Fed, người đặt ra quy tắc trên, bác bỏ lo ngại suy thoái.  “Tôi không lo ngại rằng, chúng ta đang ở trong thời kỳ suy thoái”, bà nói hôm 2-8 và lưu ý, thu nhập hộ gia đình vẫn tăng trong khi chi tiêu tiêu dùng và đầu tư kinh doanh vẫn ổn định.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn hồi đầu năm, bà nói rằng quy tắc của bà có thể thất bại trong việc dự đoán suy thoái kinh tế trong năm nay. Lý do là vì phần lớn tỷ lệ thất nghiệp tăng trong năm qua không phải do bị làn sóng sa thải mạnh mẽ mà là do sự gia tăng nguồn cung lao động khi lượng dân nhập cư tăng.

Theo Jeffrey Roach, nhà kinh tế trưởng cỉa LPL Financial, dữ liệu của thị trường lao động phản ánh sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế, chứ không nhất thiết là dấu hiệu suy thoái. Tuy nhiên, có những dấu hiệu cảnh báo sớm kinh tế Mỹ sẽ suy yếu hơn nữa.

Trích dẫn dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ, ông lưu ý, số người làm việc bán thời gian vì lý do kinh tế tăng 346.000, lên 4,57 triệu trong tháng Bảy, mức cao nhất kể từ tháng 6-2021.

Hôm 1-8, Viện Quản lý cung ứng (Mỹ) công bố chỉ số nhà quản trị mua hàng sản xuất (PMI) tháng trước giảm xuống 46,8 điểm, thấp nhất trong 8 tháng.

Dữ liệu việc làm ảm đạm cùng với chỉ số PMI suy yếu khiến phố Wall lo lắng về sức khỏe của nền kinh tế. Chốt phiên giao dịch hôm 2-8. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 1,5% trong khi S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt giảm 1,8% và 2,4%.

Đô la Mỹ cũng giảm xuống mức thấp nhất trong 4 tháng với một rổ 6 tiền tệ chủ chốt. Trong khi đó, giá trái phiếu chính phủ Mỹ tăng, đẩy lợi suất giảm xuống. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12 năm ngoái.

 Theo Reuters, CNBC, Business Insider, Fortune

 

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới