(KTSG Online) - Ngành công nghiệp dược Việt Nam hiện mới đạt mức độ 3 (theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới) và đang phấn đấu lên mức độ 4. Bên cạnh đó Chính phủ cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2045 ngành dược sẽ đóng góp 20 tỉ đô la Mỹ vào GDP quốc gia. Để đạt được các mục tiêu này, cả ở góc độ chính sách và nỗ lực của các doanh nghiệp, còn nhiều việc phải làm.
Nhiều chính sách thúc đẩy phát triển
Quyết định 1165/QĐ-TTg do Thủ tướng ban hành năm 2023 đặt ra mục tiêu đến 2030, thuốc sản xuất trong nước đáp ứng khoảng 80% nhu cầu sử dụng và 70% giá cả thị trường toàn cầu; chủ động sản xuất được các thuốc chuyên khoa, đặc trị, thuốc mới, thuốc biệt dược gốc, vaccine, sinh phẩm và nguyên liệu làm thuốc; có biệt dược gốc từ nguồn dược liệu trong nước được nghiên cứu, sản xuất... phấn đấu tổng giá trị ngành công nghiệp dược đóng góp vào GDP trên 20 tỉ đô la Mỹ vào năm 2045.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, ngày 23-7-2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 705/QĐ/TTg thành lập Ban chỉ đạo quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chính phủ cũng đang trình Quốc Hội dự thảo sửa đổi Luật Dược 105/2016 để xem xét thông qua trong kỳ họp cuối năm 2024, trong đó nhiều chủ trương, chính sách phát triển ngành dược trong thời gian tới của Chính phủ sẽ được luật hóa.
Trao đổi với KTSG Online, PGS.TS Lê Văn Truyền, chuyên gia cao cấp dược học, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, những quyết định và dự thảo luật nêu trên đã tạo ra những cơ hội lớn cho việc phát triển ngành dược Việt Nam từ nay đến giữa kỷ XXI.
Cũng nói về nội dung trên, tại tọa đàm "Công nghiệp Dược Việt Nam và hành trình tham gia toàn cầu hoá" do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn phối hợp với Newtechco Group tổ chức mới đây, ông Tạ Mạnh Hùng, Phó cục trưởng Cục quản lý dược, Bộ Y tế cho biết: “Để cụ thể hóa các chính sách của Chính phủ tại quyết định 1165 cũng như tại chương trình 376 năm 2021 về phát triển công nghiệp dược và dược liệu trong nước giai đoạn đến 2030 và tầm nhìn đến 2045, Chính phủ đang trình Quốc hội sửa đổi Luật dược năm 2016. Trong đó có chính sách ưu tiên các nguồn lực phát triển ngành công nghiệp dược. Ưu đãi thu hút đầu tư nước ngoài để có thể sản xuất các thuốc phát minh, thuốc công nghệ cao, phát triển nguồn dược liệu trong nước”.
Theo kế hoạch luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Dược 2016 dự kiến phê duyệt vào kỳ họp Quốc hội diễn ra vào tháng 10 tới. Trong đó có bổ sung thêm các nội dung về ưu đãi đầu tư cũng như các chính sách về mua sắm thuốc công nghệ cao, các thuốc chuyển giao công nghệ, thuốc sản xuất từ các nguồn nguyên liệu trong nước. Ưu tiên chính sách cấp giấy đăng ký lưu hành đối với những thuốc Việt Nam tập trung đầu tư, ưu đãi tín dụng, ưu đãi về mua sắm, ưu đãi về cập nhập bổ sung vào danh mục thuốc được bảo hiểm chi trả.
Nói thêm về chính sách phát triển ngành dược, ông Hùng cho biết, Bộ Y tế cũng đang phối hợp với địa phương để xây dựng khu công nghiệp dược tập trung theo quyết định 376 của Thủ tướng Chính phủ là 1 khu tại miền Bắc và 1 khu tại miền Nam hoặc miền Trung. Bộ Y tế cũng đang phối hợp với các ban ngành để xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dược.
“Thời gian vừa qua Bộ Y tế đã rất tích cực để cụ thể hóa các chủ trương của Chính phủ và nhà nước để phát triển công nghiệp dược trở thành mũi nhọn trong thời gian tới,” ông Hùng nhấn mạnh.
Doanh nghiệp cần làm gì để nắm bắt cơ hội
Cũng tại tọa đàm nêu trên, đại diện cộng đồng các nhà sản xuất và phân phối dược phẩm tại Việt Nam, bà Trần Thị Thư, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Dược Việt Nam cho biết, hiện thuốc sản xuất tại Việt Nam mới đáp ứng được 50% nhu cầu sử dụng thuốc trong nước. Để đạt mục tiêu mà Quyết định 1165/QĐ-TTg đề ra thì các doanh nghiệp dược phải tập trung nguồn lực nâng cao năng lực sản xuất thuốc cho thị trường trong nước cả về chất lượng và số lượng. Cần nâng cao năng lực cạnh tranh để tăng thị phần thuốc trong nước và xuất khẩu.
“Các doanh nghiệp cần tập trung xây dựng chiến lược phát triển trên cơ sở chiến lược và chính sách hỗ trợ của Chính phủ, ngành, địa phương. Doanh nghiệp căn cứ theo thế mạnh, nguồn lực, mục tiêu của mình để xây dựng chiến lược trung hạn – dài hạn, cơ cấu lại danh mục đầu tư, danh mục sản phẩm phù hợp theo thị trường mà doanh nghiệp hướng tới,” bà Thư nói.
Với doanh nghiệp thành lập mới, theo bà Thư, cần hướng tới thị trường thuốc đặc trị, thuốc mới, thuốc biệt dược gốc, vaccine, sinh phẩm và nguyên liệu làm thuốc (nhưng cần tham vấn kỹ, tránh tình trạng đầu tư tràn lan không hiệu quả như trước đây). Bên cạnh đó, tập trung nguồn lực cho chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, tăng cường quản trị doanh nghiệp bằng công nghệ số, phát triển kinh tế xanh, bền vững.
Góp ý việc doanh nghiệp cần chuẩn bị gì để thúc đẩy phát triển ngành dược, ông Truyền cho rằng các doanh nghiệp dược trong nước cần nâng cao năng lực tuân thủ hệ thống quy chế dược ngày càng chặt chẽ của các cơ quan quản lý dược tiên tiến trên thế giới như US FDA, EMA, PMDA, PIC/S…
Trước thực trạng hiện nay phần lớn các nhà máy thuốc doanh nghiệp Việt đầu tư sản xuất thuốc hóa dược, ông Truyền cho rằng nếu các doanh nghiệp trong tương lai không sản xuất thuốc sinh học và sinh học tương tự, thì thị phần thuốc hóa dược sẽ nhỏ dần, cạnh tranh rất khốc liệt, không có lợi nhuận để tái đầu tư. Nếu muốn chuyển đổi, muốn đầu tư nhà máy dược sinh học để đáp ứng nhu cầu của thị trường và xu hướng của thế giới, thì doanh nghiệp dược nội địa ngoài việc cần chuẩn bị nguồn lực tài chính lớn còn phải chuẩn bị đội ngũ nhân lực về công nghệ sinh học, không phải công nghệ hoá học.