(KTSG Online) - Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) hạ dự báo nhu cầu toàn cầu trong năm nay và năm 2025 do nhu cầu suy yếu ở Trung Quốc. Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cảnh báo, nếu OPEC cùng các đồng minh duy trì mức sản lượng như hiện nay thì thế giới vẫn có thể thừa dầu vào năm sau.
Báo cáo thị trường hàng tháng của OPEC hôm 12-8 dự báo, mức tăng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm nay sẽ đạt 2,11 triệu thùng/ngày, lên 104,3 triệu thùng/ngày. Con số này thấp hơn 135.000 thùng/ngày so với dự báo mà tổ chức này đưa ra tháng trước. OPEC cũng hạ dự báo mức tăng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2025 từ 1,85 triệu thùng, xuống còn 1,78 triệu thùng / ngày.
Theo OPEC, việc điều chỉnh dự báo phản ánh số liệu về nhu cầu thực tế trong quí 1 và quí 2-2024 cũng như tăng trưởng nhu cầu dầu kém kỳ vọng của Trung Quốc trong năm nay.
OPEC cho biết, nhu cầu dầu ở Trung Quốc bị kìm hãm do tăng kinh tế khó khăn trong bối cảnh khủng hoảng bất động sản kéo dài. Bên cạnh đó, tổ chức này cũng lưu ý, tốc độ thâm nhập của xe tải chạy bằng khí đốt hóa lỏng LNG và xe điện tăng nhanh ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể làm suy yếu nhu cầu dầu diesel và xăng.
Theo OPEC, mức tăng trưởng nhu cầu dầu năm nay vẫn cao hơn mức tăng trung bình trong lịch sử 1,4 triệu thùng/ngày trước đại dịch Covid-19.
Liên minh OPEC+, bao gồm OPEC và các đồng minh do Nga dẫn đầu, đã thực hiện một loạt đợt cắt giảm sản lượng kể từ cuối năm 2022 để hỗ trợ thị trường. Theo kế hoạch, tháng 10 tới, OPEC + sẽ xem xét đảo ngược dần mức cắt giảm 2,2 triệu thùng/ngày theo một thỏa thuận tự nguyện được thực hiện hồi đầu năm. Tuy nhiên, liên minh này lưu ý, kế hoạch có thể tạm dừng hoặc thay đổi bằng cách tăng mức cắt giảm nếu cần.
OPEC cho biết, sản lượng dầu thực tế của OPEC+ trong tháng 7 là 40,9 triệu thùng/ngày, tăng 117.000 thùng so với tháng 6. OPEC dự báo, nhu cầu đối với dầu thô của OPEC+ sẽ ở mức 43,8 triệu thùng/ngày trong trong quí 4. Về lý thuyết, với nhu cầu này, liên minh có thể tăng sản lượng.
IEA, tổ chức đại diện cho các nước công nghiệp phát triển, không lạc quan như OPEC. Trong báo cáo hôm 13-8, tổ chức có trụ sở tại Paris nhận định, nhu cầu dầu toàn cầu chỉ tăng thêm chưa tới 1 triệu thùng/ngày trong năm 2024 lẫn năm 2025.
IEA cho biết, trong quí 2, nhu cầu dầu toàn cầu chỉ tăng thêm 870.000 thùng/ngày do nhu cầu suy yếu ở Trung Quốc, nơi chứng kiến mức tiêu thụ dầu giảm tháng thứ 3 liên tiếp trong tháng Sáu.
Theo IEA, tăng trưởng kinh tế chậm hơn và sự chuyển hướng sang xe điện ở Trung Quốc đã làm thay đổi bức tranh nhu cầu dầu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vốn trong nhiều năm thúc đẩy tiêu thụ dầu toàn cầu.
IEA lưu ý, nhu cầu dầu đang tăng nhưng không theo kịp tốc độ tăng trưởng của nguồn cung. Tổ chức này cảnh báo, thế giới sẽ thừa dầu nếu OPEC+ tăng sản xuất dầu trong thời gian tới. Thậm chí, nếu OPEC duy trì mức sản lượng như hiện nay, nguồn cung dầu trên thị trường toàn cầu có thể dư thừa 920.000 thùng/ngày vào năm sau do nguồn cung tăng mạnh từ Mỹ US, Guyana và Brazil.
“Dù tốc độ tăng trưởng nhu cầu dầu của Trung Quốc chậm lại rõ rệt, OPEC+ vẫn chưa hủy bỏ kế hoạch đảo ngược dần thỏa thuận cắt giảm sản lượng tự nguyện bắt đầu từ quí 4”, báo cáo của IEA cho biết.
Tuần trước, giá dầu Brent kỳ hạn ở thị trường London chạm mức giá thấp nhất trong năm nay, gần 75 đô la Mỹ/thùng do các lo ngại về nhu cầu của Trung Quốc và nguy cơ xảy ra suy thoái kinh tế ở Mỹ. Tuy nhiên, giá dầu Brent nhanh chóng phục hồi lên mức 82 đô la/thùng khi căng thẳng dâng cao giữa Iran và Israel tăng cao sau vụ ám sát một thủ lĩnh chính trị của tổ chức vũ trang Hồi giáo Hamas ở Tehran (Iran).
Giới phân tích cho rằng, nếu kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm hơn nữa, tăng trưởng nhu cầu dầu sẽ không khả quan. Điều đó có nghĩa là OPEC+ phải trì hoãn kế hoạch bơm thêm dầu, hoặc chấp nhận giảm giá bán do nguồn cung tăng vượt cầu.
“Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đối mặt rủi ro suy thoái, OPEC+ có lẽ sẽ không xúc tiến kế hoạch tăng sản lượng vào tháng 10 tới”, Gary Ross, CEO của Công ty đầu tư Black Gold Investors nhận định.
Theo Bloomberg, Financial Times, Reuters