Thứ Tư, 28/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

‘Bệnh’ chờ chủ trương, chờ xin ý kiến!

Kinh tế Sài Gòn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Tại buổi làm việc với TPHCM về kết quả kinh tế, xã hội và thực hiện Nghị quyết 98 vào sáng ngày 10-8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tỏ ra nghiêm khắc với tình trạng việc các bộ, ngành thay vì phải chủ động tìm cách tháo gỡ vướng mắc để hoàn thành các công việc được giao thì lại thụ động chờ chủ trương giải quyết của cấp trên. Ông nói rằng nếu lần nào họp cũng nhắc chủ trương thì sẽ hết nhiệm kỳ.

Ý kiến trên của Thủ tướng nêu ra tại cuộc họp là nói trực tiếp với đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường do chưa hoàn thành những nhiệm vụ được giao liên quan đến dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, như đánh giá về vấn đề môi trường; hướng dẫn, kiểm tra việc giao đất, giao mặt biển, chuyển đổi mục đích sử dụng đất…

Tuy nhiên, tình trạng thụ động “chờ” chủ trương hay hướng dẫn ở các cấp, các ngành, khiến cho việc giải quyết thủ tục pháp lý cho người dân và doanh nghiệp bị đình trệ, không phải hiếm mà diễn ra khá phổ biến. Mới đây nhất là việc hồ sơ xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất của nhiều người dân ở TPHCM đã bị treo lại, do cơ quan thuế ngưng phát hành thông báo thuế cho người dân để chờ xin ý kiến về cách xác định giá đất sau khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ 1-8 vừa qua.

Việc các cơ quan thừa hành gặp lúng túng khi luật lệ có thay đổi là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ các ngành chuyên môn, mà trong trường hợp này là ngành thuế, hoàn toàn có thể lường trước được những điểm có thể gây lúng túng khi áp dụng luật mới để chủ động đưa ra những hướng dẫn từ trước, thay vì thụ động chờ cho đến sau khi luật có hiệu lực rồi treo hồ sơ của người dân và doanh nghiệp lại để chờ xin ý kiến.

Điều đáng nói là sự thụ động của các cấp, các ngành trong việc giải quyết các nhu cầu về pháp lý của người dân và doanh nghiệp diễn ra cả ở những giai đoạn luật lệ có sự thay đổi. Chính sự thụ động này, chứ không phải do quy định của luật, đã gây ra nhiều ách tắc kéo dài và gây thiệt hại cho doanh nghiệp, chẳng hạn như vấn đề pháp lý liên quan đến các dự án phát triển bất động sản trong mấy năm vừa qua. Chỉ khi Chính phủ quyết liệt vào cuộc, qua việc thành lập các tổ công tác để trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hàng trăm dự án chỉ trong thời gian ngắn đã được giải tỏa “vướng mắc pháp lý” mà không cần phải chờ đến khi Luật Đất đai và các luật có liên quan được sửa đổi.

Ngoài ra, hệ quả của việc “chờ xin chủ trương”, “chờ xin ý kiến cấp trên”… còn cho thấy một hiện trạng đáng ngại khác về môi trường thực thi pháp luật ở Việt Nam. Về nguyên tắc, luật là văn bản có giá trị pháp lý cao nhất để điều chỉnh các lĩnh vực hoạt động có liên quan, nhưng trên thực tế việc thực thi các quy định của luật có thể dễ dàng bị gián đoạn, thậm chí bị vô hiệu hóa chỉ vì ý kiến hay chỉ đạo của một quan chức nào đó, hoặc do một công văn mà có khi chỉ là văn bản trao đổi nghiệp vụ trong nội bộ, hoàn toàn không phải là văn bản quy phạm pháp luật.

Trở lại cuộc họp của Thủ tướng Phạm Minh Chính với TPHCM, yêu cầu của ông đặt ra là: “Thủ tướng đã chỉ đạo, giao việc, chuyên gia có ý kiến. Việc của anh là phải làm, vướng đâu gỡ đó, phải có đầu ra, giải pháp”. Mặc dù đây là yêu cầu trực tiếp của Thủ tướng với đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhưng cũng có thể hiểu là thông điệp cho các bộ, ngành và địa phương khác, vì việc khó khăn gì cũng thụ động chờ chủ trương, chờ xin ý kiến thì hết nhiệm kỳ cũng chưa chắc giải quyết xong.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới