Thứ Năm, 22/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

F&B đang trong giai đoạn ‘đại thanh lọc’

Minh Anh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tính tới giữa năm 2024, có ít nhất 30.000 cửa hàng F&B trên toàn quốc đã đóng cửa trong khi số lượng mở mới có phần hạn chế. Mức chi cho việc “đi cà phê” cũng giảm mạnh, với tần suất giảm đáng kể.

Doanh thu của các doanh nghiệp F&B đã chứng kiến sự biến động mạnh trong nửa đầu năm. Ảnh: TL

Báo cáo Thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024 do iPOS.vn công bố ngày 21-8 cho thấy, ngành F&B đang đối mặt với nhiều khó khăn, chật vật để trụ vững.

Cụ thể, tính tới hết tháng 6-2024, cả nước ghi nhận khoảng 304.700 cửa hàng, giảm 3,9% so với số liệu từ năm 2023. Có ít nhất 30.000 cửa hàng trên toàn quốc đã đóng cửa, trong khi số lượng mở mới có phần hạn chế.

TPHCM là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, giảm gần 6% số lượng cửa hàng trên toàn thành phố. Tại Hà Nội, số lượng cửa hàng đạt mức tăng trưởng nhẹ khoảng 0,1%.

“6 tháng đầu năm thực sự là thời điểm khó khăn cho nền kinh tế nói chung, cũng như đối với ngành F&B nói riêng. Số lượng cửa hàng với tuổi thọ ngắn (dưới 3 tháng hoạt động) đang diễn ra nhiều hơn tại các thành phố lớn. Đồng thời, các thương hiệu có tính bền vững cũng không thoát khỏi sự tác động sâu của kinh tế dù có lượng khách hàng trung thành lớn và có thu nhập ổn định. Thời điểm này được coi là cuộc đại thanh lọc”, báo cáo nêu.

Không chỉ giảm số lượng cửa hàng, doanh thu của các doanh nghiệp F&B Việt Nam cũng đã chứng kiến sự biến động mạnh. Mặc dù khởi đầu năm mới với những tín hiệu tích cực, nhưng đến giữa năm, xu hướng giảm đã trở nên rõ rệt.

Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp báo cáo doanh thu giảm trong tháng 2 tới hơn 43,4%. Tháng 3 có tăng trưởng nhẹ nhưng sau đó giảm đều tới giữa năm. Tính tới tháng 6-2024, đã có tới hơn 44,1% thừa nhận mức doanh thu giảm. Nhiều đơn vị chia sẻ, đã không đạt được mức thu nhập kỳ vọng trong nửa năm vừa qua, và vẫn chìm trong xu hướng giảm doanh thu trong các tháng kế tiếp.

Khảo sát về mức chi cho việc “đi cà phê” cũng giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm 2024, với tần suất cũng giảm đáng kể. Mặc dù mức giá từ 41.000 đến 71.000 đồng/ly trở nên phổ biến hơn, với sự tăng trưởng 11,5% về tỷ lệ người lựa chọn, nhưng các phân khúc cao cấp lại gặp khó khăn. Tỷ lệ người chi tiêu trên 100.000 đồng/ly đã giảm mạnh từ 6% xuống còn 1,7%.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn tổng giá trị doanh thu ngành F&B gây bất ngờ với mốc 403,9 nghìn tỉ đồng, đạt 68,46% doanh thu của cả năm 2023. Đây được coi là yếu tố bất ngờ trong thời điểm kinh tế khó khăn.

Nguyên nhân theo báo cáo, một phần do lạm phát, với CPI tăng 4,08% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 2,75%. Bên cạnh đó, tổng số lượng giao dịch tăng trưởng đáng kể có thể tới từ việc các cửa hàng F&B trong thời gian vừa qua đã tích cực đưa ra nhiều các chương trình khuyến mại để kích cầu, từ đó khách hàng ra quyết định mua hàng nhiều hơn.

Đồng thời, người tiêu dùng tại Việt Nam đang có xu hướng tiêu dùng thông minh hơn. Theo đó, thực khách sẽ chi trả mức chi phí cao hơn cho mỗi lần dùng bữa bên ngoài, nhưng với kế hoạch rõ ràng hơn so với việc dùng bữa một cách “ngẫu hứng”.

Bên cạnh đó, thay vì giảm chi tiêu cho ăn uống bên ngoài, nhiều đáp viên cố gắng giữ tần suất đi ăn ngoài, nhưng có kế hoạch cụ thể hơn về chi tiêu. Theo khảo sát, các mức tần suất cao (3-4 lần/tuần, hàng ngày) đều gần như không thay đổi so với năm 2023. Đồng thời, nhóm khách hàng có tần suất 1-2 lần/tuần, có xu hướng tăng lên 4,1% so với năm trước.

Mặc dù vậy, các doanh nghiệp đang ngày càng dè chừng trong việc phát triển kinh doanh trong 6 tháng cuối năm 2024. Theo khảo sát của iPOS.vn, có 61,2% doanh nghiệp chỉ cố gắng duy trì quy mô kinh doanh như hiện tại và chỉ 34,4% dự kiến mở rộng thêm cơ sở mới, trong khi cùng kỳ 2023, số lượng doanh nghiệp F&B có tham vọng tương tự lên tới 51,7%.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới