Thứ hai, 30/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Giới thiệu điểm đến du lịch bằng hát chặp cải lương

Bích Duy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - “Cười có tới 36 kiểu cười, khóc cũng có tới 36 kiểu khóc. Bản sắc văn hóa Việt Nam (trong cải lương) tuy súc tích ngắn gọn nhưng ý nghĩa sâu xa, muốn người trẻ và du khách yêu văn hóa nước ta, thì trước hết ta phải làm cho họ hiểu”.

Với quan điểm là văn hóa nghệ thuật truyền thống cần làm sao cho càng dễ hiểu sẽ càng dễ tiệm cận hơn với khán giả, diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang đã sử dụng chặp cải lương vào hoạt động quảng bá du lịch trong và ngoài nước, khiến người xem vô cùng ngạc nhiên và thích thú.

Lời ru, nếp sống vào bản sắc văn hóa trong cải lương

Sinh năm 1976 tại vùng quê sông nước Tiền Giang, từ khi còn nhỏ Hồ Nhựt Quang đã quen với lời ru của bà, của mẹ, quen với những buổi họp mặt của cha, ông mình. Người lớn ngồi trên bộ ngựa gỗ, uống trà với đường tán, nhấm nháp bánh in và bàn luận với nhau về chuyện từ thời khai khẩn, về những vị thuốc Nam chữa bệnh, hay kinh nghiệm làm nông…

Diễn giả Hồ Nhựt Quang bên cạnh cố GS.TS. Trần Văn Khê, cố Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo và TS. Nhạc sĩ Nguyễn Thị Hải Phượng trong Chương trình vinh danh Văn Hóa Nam bộ năm 2015. Ảnh: NVCC

Khi lớn lên, vào cuối năm thứ hai đại học, anh nhiều lần được nghe cố GS. TS. Trần Văn Khê chia sẻ về văn hóa truyền thống Nam bộ. Từ những ấn tượng ban sơ đó, sinh viên Hồ Nhựt Quang quyết tâm sẽ theo đuổi mục tiêu bảo tồn và giữ gìn nghệ thuật truyền thống. Anh say mê với văn hóa nghệ thuật truyền thống, với bộ môn nghệ thuật cải lương và thấm đẫm lời dạy của người thầy là cố GS.TS. Trần Văn Khê. Con đường tìm hiểu, giữ gìn văn hóa nghệ thuật mà Hồ Nhựt Quang đi qua, đến nay ngót nghét đã hơn 20 năm.

Song song với công việc chính là hướng dẫn viên của Công ty TNHH MTV Dịch vụ lữ hành Saigontourist, anh Hồ Nhựt Quang vẫn đều đặn tham gia nghiên cứu, giảng dạy về nghệ thuật truyền thống và văn hóa Nam bộ. Anh còn là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nghiên cứu và Vinh danh văn hóa Nam bộ do cố GS.TS. Trần Văn Khê thành lập tại TPHCM năm 2014.

“Có hai yếu tố lớn ảnh hưởng đến việc sáng tác và biểu diễn chặp cải lương của tôi. Thứ nhất là những hình ảnh, thói quen sinh hoạt của ông bà cha mẹ từ thuở nhỏ. Những câu hát ru, những buổi chuyện trò bên chén trà, gốc tre… đã ảnh hưởng nhiều vào sáng tác của tôi. Yếu tố thứ hai là nếp nhà, tức là những điều hay, lẽ phải được ông bà, cha mẹ truyền dạy lại từ xưa đến giờ. Chính hai điều ấy, rất bình dị, gần gũi, nhưng là cái gốc của cải lương trong tôi”, anh chia sẻ.

Mang chặp cải lương vào hoạt động du lịch

Chặp cải lương là một đoạn cải lương ngắn, thường dài khoảng bảy phút, nội dung của chặp cải lương sẽ tóm tắt khái quát một câu chuyện, một vấn đề. Với thời lượng ngắn, khán giả có thể xem trọn vẹn một chặp cải lương với tâm trạng tò mò, thoải mái nhất, anh Hồ Nhựt Quang chia sẻ.

Anh cho biết, bản thân là hướng dẫn viên du lịch nên luôn tận dụng mọi cơ hội để giới thiệu văn hóa truyền thống Việt Nam đến gần với du khách hơn, đặc biệt là khách nước ngoài. Anh đã kết hợp cùng cộng đồng và các nhà lãnh đạo địa phương để mang chặp cải lương vào các tour du lịch miệt vườn. Trong đó, điểm du lịch Cồn Thới Sơn, Tiền Giang đã từng có hoạt động biểu diễn chặp cải lương và được du khách yêu thích.

Đài truyền hình Sendai Nhật Bản đã từng ghi hình và giới thiệu một tác phẩm chặp cải lương do anh sáng tác và biểu diễn trong du lịch miệt vườn.

Danh tướng Masashige do nghệ sĩ Lý Trung Tín (phải) thủ vai và nghệ sĩ Minh Hòa (trái) đang tập luyện tác phẩm chặp cải lương “Tinh thần võ sĩ Masashige”. Ảnh: NVCC

Không dừng lại ở đó, anh Quang còn thử nghiệm mang chặp cải lương ra nước ngoài. “Thay vì cứ thuyết minh bằng lời nói, thì mình dùng chặp cải lương với lời ca, tiếng đàn để kể câu chuyện về những vị anh hùng hay địa điểm du lịch văn hóa nghệ thuật của Việt Nam để kể câu chuyện của nước bạn… Tôi nghĩ đó là cách thức hay để vừa phát triển, giữ gìn văn hóa nghệ thuật nước ta, vừa kích cầu du lịch và kinh tế trong nước”, anh Hồ Nhựt Quang nói. Tác phẩm chặp cải lương “Tinh thần võ sĩ Masashige” do anh sáng tác kể về huyền thoại bức tượng samurai đặt trước hoàng cung Nhật Bản từ thời Minh Trị và được anh “biểu diễn” ngay trước điểm đến này khiến các du khách trong đoàn không kìm nổi sự ngạc nhiên, thích thú.

Chặp cải lương có thể chuyển tải trọn vẹn giá trị của văn hóa nghệ thuật truyền thống, mà thời lượng lại ngắn, phù hợp với trẻ em và học sinh. Nhờ vậy, diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang đã nhận được lời mời từ các trường THPT, trường đại học, đặc biệt là trường mầm non về việc chia sẻ về văn hóa và biểu diễn chặp cải lương cho các em.

“Nhưng vấn đề là phải viết làm sao, diễn như thế nào để không mang tính triết lý, giáo điều, mà các em nhỏ vẫn hiểu, vẫn gợi lên được sự tò mò, yêu thích trong các em”, anh chia sẻ.

Ở thời mà người thưởng thức văn hóa, giải trí có rất nhiều sự chọn lựa như bây giờ thì nói rằng nghệ thuật truyền thống, trong đó có cải lương, không còn nhận được nhiều sự quan tâm như trước cũng đúng nhưng còn thiếu. Bởi sự sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật là không có giới hạn, chính nó sẽ giúp văn hóa, nghệ thuật truyền thống sống mãi. Như anh Quang chia sẻ: “Người làm nghệ thuật truyền thống trong thời buổi này phải luôn suy nghĩ, đổi mới, tìm cách làm phù hợp với thời đại để có thể lưu giữ và phát triển được văn hóa mà vẫn đảm bảo được kinh tế. Đó là bài toán khó mà chúng ta phải cùng nhau suy nghĩ để tìm ra lời giải”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới