(KTSG Online) – Bốn kíp gồm 48 cán bộ, công nhân có tay nghề cao thuộc Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TPHCM vẫn đang nỗ lực từng ngày với mong muốn hỗ trợ Hà Nội, Hải Phòng khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi) trong thời gian sớm nhất.
- Báo động lũ, người dân Hà Nội tranh thủ di chuyển tài sản và vật nuôi
- Hà Nội: Nhiều khu vực ngập sau mưa lớn, hạn chế phương tiện qua một số cầu ngang sông Hồng
Sáng 9-9, 48 cán bộ, công nhân Công ty TNHH Công viên cây xanh TPHCM đã lên đường ra Bắc, tiếp sức Hà Nội và Hải Phòng khắc phục các sự cố cây xanh sau bão số 3 (Yagi). Ông Lê Công Phương, Giám đốc công ty cho biết, đoàn gồm 46 công nhân leo và 2 cán bộ, chia làm hai mũi đến Hà Nội và Hải Phòng để tiếp sức, khắc phục sự cố sau bão.
"Các công ty cây xanh trên đều thuộc Hiệp hội cây xanh. Thấy sự cố sau bão quá lớn và cần nhân lực hỗ trợ, chúng tôi đã đề xuất đưa anh em ra", ông Phương nói
Theo phân công, 22 người ở lại Hà Nội, 26 người di chuyển về Hải Phòng để thực hiện nhiệm vụ. Lực lượng mang theo các trang thiết bị, công cụ chuyên dụng phục vụ công tác khắc phục sự cố cây bị ngã, đổ sau bão. Đồng thời, hỗ trợ các địa phương các nhiệm vụ khác theo kế hoạch phối hợp.
6 giờ chiều 9-9, các cán bộ, công nhân của công ty đã đáp chuyến bay từ TPHCM ra tới Hà Nội. Tới nơi nghỉ, ăn vội bữa cơm tối, họ mặc quần áo của Công viên cây xanh Hà Nội, mang theo máy cưa và đồ nghề, chuẩn bị làm nhiệm vụ.
Sau ít giờ họp bàn phương án phối hợp với lực lượng địa phương, đội hình hỗ trợ đã xuống đường để hỗ trợ cắt tỉa cây xanh bị ngã, đổ trên phố Phan Đình Phùng vào 22 giờ cùng ngày, dù trời Hà Nội mưa nặng hạt. Đồng thời, thu dọn cây chắn đường để giải tỏa giao thông.
Có mặt trực tiếp tại hiện trường để chỉ đạo các công nhân, ông Nguyễn Doãn Hải, Phó giám đốc công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TPHCM cho biết, lượng cây xanh ngã, đổ ở Hà Nội sau cơn bão số 3 rất nhiều, khoảng 27.000 cây. Trong đó, nhiều cây ngã, đổ ngổn ngang, gây mất điện và ách tắc giao thông trên nhiều tuyến đường, nhất là khu vực phố cổ - thuộc địa bàn quận Ba Đình và Hoàn Kiếm.
Do đó, phải ưu tiên xử lý những cây ngã, đổ gây mất an toàn cho người dân và cản trở giao thông. Ngoài ra, việc ưu tiên xử lý những cây này cũng góp phần khắc phục sự cố truyền tải điện, để người dân tại một số khu vực (như Phúc Xá) được cấp điện sinh hoạt trở lại.
Hoàn phần việc trên, đơn vị sẽ tiếp tục dọn, dẹp các đã cây ngã, đổ, nằm dọc đường phố, để giao thông thông thoáng. Cuối cùng, khắc phục sự cố với các cây ngã, đổ tại các công viên, vườn thú.
"Đến nơi mới thấy được sức tàn phá quá lớn của cơn bão số 3, cây xanh ngã đổ quá nhiều”, ông Hải nói và dự báo việc dọn dẹp cây ngã, đổ ở Hà Nội và Hải Phòng sẽ phải thực hiện trong nhiều ngày.
Trong ngày 10-9, đoàn tiếp tục hỗ trợ dọn dẹp cây xanh ở khu vực hồ Hoàn Kiếm và một số phố như Hàng Vôi, Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Cháo, Phúc Xá thuộc quận Hoàn Kiếm và Ba Đình. Tuy nhiên, nhận được thông báo tại số 42, phố Hàng Vôi có cây cổ thụ đã đổ nghiêng gây sập mái nhà dân, làm hỏng hệ thống cấp nước của cả dãy phố, gây nguy hiểm cho người đi đường, đoàn đã lập tức có mặt để xử lý.
Theo ông Hải, địa bàn Hà Nội - với nhiều tuyến đường và con phố nhỏ, nhưng trồng những cây có kích thức tương đối lớn, nằm đè lên nhà dân hoặc các công trình kiến trúc - gây không ít khó khăn đoàn. Cụ thể quá trình xử lý phải vừa bảo đảm an toàn cho người dân, vừa phải bảo vệ tính toàn vẹn của công trình vì phần nhiều là nhà cũ, cổ, với niên đại hàng chục tới hàng trăm năm tuổi. Ngoài ra, cũng cần chú ý đảm bảo an toàn cho người lao động.
“Những cây gãy, đổ tại cá khu vực vừa nêu cơ bản được giải quyết xong trong hôm nay. Với những khu vực khác, chúng tôi tiếp tục xử lý theo kế hoạch của Công ty TNHH MTV công viên cây xanh Hà Nội”, ông Hải cho biết.