(KTSG Online) - Ngày 18-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ban hành quyết định số 999/QĐ-TTg, theo đó thành lập tổ công tác nhằm triển khai các dự án đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc và Lào.
- Dự kiến khởi công dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng vào năm 2027
- Đề xuất làm đường sắt tốc độ cao Bắc Nam 350 km/h
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đảm nhận vị trí tổ trưởng, tổ phó gồm Thứ trưởng các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông vận tải, TTXVN đưa tin.
Ngoài ra, các thành viên của tổ công tác còn có các bộ, ngành như Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các cơ quan khác như Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng công ty Đường sắt.
Tổ công tác sẽ nghiên cứu, tư vấn, khuyến nghị, đề xuất phương hướng, giải pháp, cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc, huy động nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ, tổ chức thực hiện thành công các tuyến đường sắt kết nối với hai nước láng giềng.
Với tư cách là cơ quan thường trực, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sẽ chủ động huy động tối đa nguồn lực và năng lực của bộ máy để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao.
Người đứng đầu cơ quan trên trực tiếp chỉ đạo xây dựng, ban hành quy chế hoạt động của tổ công tác, xây dựng kế hoạch, chương trình công tác, dự thảo thông báo kết luận các cuộc họp, tổng hợp, báo cáo các hoạt động của tổ và thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công.
Việt Nam đang đẩy mạnh việc kết nối hạ tầng giao thông với các nước láng giềng, đặc biệt là Trung Quốc và Lào. Việc xây dựng các tuyến đường sắt xuyên biên giới không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương hàng hóa mà còn thúc đẩy hợp tác kinh tế, văn hóa và xã hội giữa các nước.
Hiện nay, Việt Nam đang tập trung đầu tư vào một số tuyến đường sắt trọng điểm, kết nối với Trung Quốc và Lào, gồm tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, tuyến Lạng Sơn - Hà Nội, tuyến Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng và tuyến đường sắt Việt - Lào.