(KTSG Online) - Tại sự kiện Phát triển bền vững 2024 với chủ đề “Tăng tốc cho nền kinh tế Net Zero”, một số chuyên gia đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của khung pháp lý kinh tế xanh. Đây là tấm nền để ghép các mảng chuyển đổi riêng lẻ thành một bức tranh chuyển đổi xanh tổng thể và hoàn thiện.
- Chuyển đổi xanh với doanh nghiệp là hành trình lâu dài
- Tăng tốc chuyển đổi xanh để vượt qua thách thức trước mắt
Sự kiện Phát triển bền vững 2024 với chủ đề “Tăng tốc cho nền kinh tế Net Zero” thuộc chuỗi Diễn đàn Kinh tế Xanh thường niên do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức hôm qua (19-9) nhằm mang đến cái nhìn tổng quan, đa chiều và thực tiễn về tiến trình chuyển đổi xanh mà nền kinh tế Việt Nam đang nỗ lực hiện thực hóa theo cam kết Net Zero vào năm 2050.
Tại đây, các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà hoạch định chính sách đã trao đổi những vấn đề cần giải quyết về chính sách, nguồn lực tài chính, tái cơ cấu doanh nghiệp… nhằm thúc đẩy phát triển nền kinh tế xanh.
Quy định chưa theo kịp tốc độ chuyển đổi xanh
Là người thường xuyên tiếp xúc, tư vấn cho nhiều doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi xanh, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR – trực thuộc Trường Đại học Kinh tế, Đại học quốc gia Hà Nội) cho rằng, điểm khó chung mà doanh nghiệp đang gặp là hệ thống chính sách pháp luật còn chồng chéo, “giẫm chân” lên nhau.
Do hệ thống pháp luật đã tồn tại rất lâu trước khi việc chuyển đổi xanh bắt đầu nên điều khó tránh khỏi là một số quy định hiện hành lại gây vướng khi triển khai chuyển đổi xanh, vốn chừa đựng nhiều khái niệm, công việc hoàn toàn mới. Theo nhận xét của ông Việt, ngành nào cũng đặt mục tiêu đẩy nhanh chuyển đổi xanh, nhất là các lĩnh vực như nông nghiệp, năng lượng tái tạo, sản xuất, dịch vụ nhưng cả doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý nhà nước đều gặp phải nhiều vướng mắc trong quy định chưa giải quyết được.
Để gỡ vướng tận gốc, việc cần làm phải bắt đầu từ các cơ quan quản lý. Trong đó, việc xây dựng khung pháp lý rõ ràng, minh bạch và đơn giản hóa quy trình thực hiện là yếu tố quan trọng hàng đầu.
Ông Trương Anh Hải, Phó Tổng Giám đốc phụ trách An toàn, Sức khỏe, Môi trường & Cộng đồng, NS BlueScope Việt Nam chia sẻ, để giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất thì một doanh nghiệp thực hành chưa đủ mà cần có cả chuỗi cung ứng tham gia.
Ý kiến trên cho thấy rằng, muốn xây dựng cộng đồng chuyển đổi xanh thì sự vận động tự thân của một vài doanh nghiệp là chưa đủ mà cần có thêm sự hỗ trợ trực tiếp, gián tiếp từ cơ chế, chính sách, quy định pháp lý về chuyển đổi xanh trong nhiều lĩnh vực như môi trường, thuế, tín dụng… Tức là, việc này cần sự tham gia chặt chẽ và đồng bộ từ phía các cơ quan quản lý nhà nước.
Khung pháp lý là chìa khoá mở cửa tín dụng xanh
Cả hai chuyên gia là ông Darryl J. Dong đến từ Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và ông Lim Dyi Chang từ Ngân hàng UOB Việt Nam đều có chung nhận định, tuy cần nhiều vốn nhưng khả năng tiếp cận vốn trong lĩnh vực tài chính khí hậu của doanh nghiệp Việt Nam còn khá hạn chế. Hiện nay, tín dụng xanh của các ngân hàng nội địa mới chỉ chiếm tỷ trọng 4,5%.
Nguyên nhân khiến dòng tín dụng xanh chưa thông do có nhiều rào cản, trong đó việc các quy định còn sơ khai là một trong những nguyên nhân chính. Theo một số nhà đầu tư, Việt Nam đang thiếu một khuôn khổ phân loại xanh rõ ràng khiến nhà đầu tư không đủ động lực cho các khoản đầu tư xanh. Theo ông Darryl J. Dong, quy định pháp lý đóng vai trò rất quan trọng. Khi có một khung pháp lý khí hậu tốt thì các nhà đầu tư và nhà tài chính sẽ đến Việt Nam, thị trường tín dụng xanh sẽ phát triển mạnh.
Các ngân hàng Việt Nam cũng phải nâng cao năng lực bản thân trong việc cấp tín dụng xanh như kỹ năng thẩm định, quản lý rủi ro trong mục tiêu phát triển bền vững. Thông qua đó sẽ xây dựng năng lực xanh của hệ thống tài chính. Không chỉ hệ thống cấp tín dụng, tài trợ cho khí hậu còn cần phải phát triển các nguyên tắc xanh trên thị trường vốn, chẳng hạn như trái phiếu xanh.
Khung pháp lý xanh giúp doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh
Hiện nay doanh nghiệp xuất khẩu đi Liên minh châu Âu (EU) phải tuân thủ hàng loạt chính sách xanh như Chiến lược từ trang trại đến bàn ăn (Farm to Fork), Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn (Circular Economy Action Plan), Chiến lược đa dạng sinh học đến năm 2030 (EU Biodiversity Strategy for 2030) và mới đây nhất là Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Trong bối cảnh này, chuyển đổi xanh, sản xuất xanh là lộ trình tất yếu mà doanh nghiệp Việt Nam phải thực hiện để tăng năng lực cạnh tranh.
Trong khi đó, Việt Nam vẫn còn thiếu khung pháp lý quy định về phát triển kinh tế xanh cho từng ngành, từng lĩnh vực và cả quy định về việc huy động nguồn vốn xanh. Vì vậy, Chính phủ cần đưa ra các khung pháp lý cụ thể hơn đồng thời tận dụng kinh nghiệm, kiến thức quốc tế trong phát triển kinh tế xanh để không đi lệch hướng, không lãng phí nguồn lực.
Bên cạnh khung pháp lý hoàn thiện, cơ quan quản lý nhà nước cần thiết kế và hỗ trợ đồng bộ trong các chính sách liên quan đến môi trường, thuế, tín dụng… để doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư vào sản xuất xanh.
Để ráp các mảnh ghép chuyển đổi xanh lại tạo thành bức tranh hoàn thiện cần có một tấm nền, đó chính là khung pháp lý. Chính phủ và các cơ quan nhà nước cần cung cấp, cập nhật thông tin kịp thời và ban hành hướng dẫn thực hiện các chiến lược chính sách chuyển đổi xanh; hoàn thiện khung chính sách về khử carbon như thúc đẩy năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng; xây dựng quy định về thị trường carbon, định giá carbon, chứng chỉ xanh.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) ước tính, từ nay đến năm 2040 Việt Nam sẽ cần 368 tỉ đô la cho quá trình chuyển đổi xanh. Trong 10 năm tới, Việt Nam cần huy động hàng trăm tỉ đô la, trong đó khu vực tư nhân đóng vai trò dẫn đầu.
Theo Quy hoạch điện VIII của Chính phủ, chỉ riêng quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ cần khoảng 650 tỉ đô la Mỹ đầu tư giai đoạn 2021-2050. Nguồn vốn xanh này được dùng để tăng công suất năng lượng tái tạo, đầu tư vào các công nghệ xanh mới như hydro, thu giữ carbon và pin lưu trữ điện, chuyển đổi xanh cho giao thông vận tải và xây dựng.