Thứ năm, 19/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Đề nghị IMF hỗ trợ Việt Nam tái cơ cấu nền kinh tế

Trúc Đào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Trong buổi tiếp Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Tổng  Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị IMF hỗ trợ Việt Nam tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva. Ảnh: TTXVN

TTXVN đưa tin, ngày 24-9 (giờ Mỹ), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tiếp bà Kristalina Georgieva, Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Hoạt động này nằm trong khuôn khổ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh tương lai, Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 79 và làm việc tại Mỹ của lãnh đạo Việt Nam.

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Việt Nam đã nằm trong nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và đang đứng trước khởi điểm cho một kỷ nguyên mới, hướng tới những cột mốc quan trọng là kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 2030 và kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước vào năm 2045.

Lãnh đạo Việt Nam đề nghị IMF tiếp tục hỗ trợ Việt Nam hiện thực hóa tầm nhìn đó, thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển các công nghệ mới, trong đó có trí tuệ nhân tạo.

Tại buổi tiếp, Tổng Giám đốc IMF mong rằng, Việt Nam có thể cùng IMF chia sẻ kinh nghiệm và câu chuyện thành công của nền kinh tế Việt Nam với các nước khác, đặc biệt là các đối tác ở khu vực châu Phi. Phía IMF cũng cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong quá trình hiện thực hóa các mục tiêu phát triển trong giai đoạn tới thông qua thúc đẩy cải cách và quản trị rủi ro, nhằm đạt được mục tiêu trở thành một nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79. Ảnh: TTXVN

Cũng trong ngày 24-9, Tổng  Bí thư, Chủ tịch nước đã có bài phát biểu tại phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 79 với thông điệp mạnh mẽ và toàn diện về "Củng cố chủ nghĩa đa phương, cùng hành động để kiến tạo tương lai hòa bình, ổn định, thịnh vượng và bền vững cho mọi người dân".

Lãnh đạo Việt Nam kêu gọi các quốc gia cần tăng cường đoàn kết, chung tay, cùng hành động, phát huy cao độ vai trò của các thể chế toàn cầu, đặc biệt là Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực, trong đó có ASEAN. Mục tiêu hướng đến là chấm dứt chiến tranh, xóa bỏ mọi hình thức áp bức, bóc lột, kiến tạo hòa bình, xây dựng thế giới tốt đẹp và đem đến hạnh phúc cho nhân loại.

Chia sẻ tầm nhìn của Việt Nam về tương lai, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng, cần khơi thông, huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực phục vụ phát triển, ưu tiên cho các "vùng trũng" trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), hỗ trợ các nước đang phát triển về nguồn vốn ưu đãi, chuyển giao công nghệ tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo thuận lợi về đầu tư, thương mại vào giảm gánh nặng nợ.

Về kêu gọi sớm thiết lập những khuôn khổ quản trị toàn cầu thông minh, ông nhấn mạnh cần có tầm nhìn dài hạn về khoa học - công nghệ, đặc biệt là công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo, thúc đẩy sự phát triển tiến bộ, đồng thời chủ động ngăn chặn, đẩy lùi những hiểm họa đối với hòa bình, phát triển bền vững và nhân loại...

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới