(KTSG Online) - Những mất mát, đau thương mà người dân các tỉnh, thành phố ở miền Bắc phải gánh chịu vì bão lũ là không gì có thể bù đắp được. Bằng nghĩa đồng bào, ban tổ chức chương trình "Saigon Times - Nối vòng tay lớn - Cùng các em đến trường sau bão lũ" và các nhà tài trợ đã đến với bà con để cùng chung tay hỗ trợ học sinh quay trở lại trường.
- Saigon Times – Nối vòng tay lớn: Trao hàng trăm phần quà cho học sinh ba trường ở vùng lũ Tuyên Quang
- Saigon Times – Nối vòng tay lớn: Tiếp sức học sinh vùng lũ Yên Bái tới trường
Những câu chuyện buồn của học sinh vùng bão lũ
Bão số 3 và hoàn lưu bão đã gây ra những hậu quả nặng nề với ngành Giáo dục. Thống kê chưa đầy đủ từ các trường học tại 18 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bởi bão lũ cho thấy, nhà trường mất gần 41.600 bộ sách giáo khoa (SGK). Trong đó, bậc tiểu học thiệt hại khoảng 24.000 bộ, trung học cơ sở mất gần 10.600 bộ và trung học phổ thông hơn 7.000 bộ.
Phân loại theo địa phương, Yên Bái là tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất với hơn 35.000 bộ, kế đến là Cao Bằng với hơn 7.400 bộ.
Tại tỉnh Yên Bái và Tuyên Quang, nhiều lớp học khang trang, sạch sẽ trước kia nay chỉ còn là đống đổ nát tan hoang. Có những chiếc cổng trường bị gió, nước lũ quật ngã, trông như một đống sắt vụn trên nền đất; khuôn viên nhiều học xơ xác, có nơi mất hẳn một mảng tường, làm cho đất đá, bùn nhão tràn vào.
Bão lũ đi qua, nhưng nhiều học sinh không thể đến trường, phần vì giao thông bị chia cắt, phần vì gia đình của các em cũng bị thiệt hại nặng nên chưa thể đưa con trẻ trở lại trường học.
Tại Yên Bái, sau những ngày nước ngập 2-3m, cô Nguyễn Thị Bình, Hiệu trưởng Trường tiểu học Yên Ninh, thành phố Yên Bái, nói “trường như quay về thời bao cấp”.
Cô Bình cho hay, trường có hai cơ sở với hơn 630 học sinh, lần lượt nằm trên đường Hồ Xuân Hương và đường Yên Ninh. Trong đó, một điểm bị ngập tới 3m, thuộc nhóm ngập sâu nhất thành phố vì ở gần sông; điểm còn lại hứng chịu khoảng 1.000m3 đất đá, sạt từ quả đồi gần trường.
Ở cơ sở Hồ Xuân Hương, lũ gần như phá hỏng tất cả, từ bàn ghế tới cửa, cùng các thiết bị học tập khác. Cơ sở Yên Ninh không hư hại về cơ sở vật chất nhưng đứng trước nguy cơ mất an toàn do sạt lở. Đất đá tràn xuống sân trường, làm đứt đường dây điện, cổng trường và nhà xe bị đổ.
Ngoài việc huy động giáo viên đến dọn dẹp trường, kêu gọi địa phương, mượn bàn ghế, đồ dùng từ trường học khá, nhà trường còn phải thuê một số đơn vị mang máy móc đến để dọn dẹp, sửa chữa nhưng hiện chưa thể thanh toán tiền công.
“Cơ sở Hồ Xuân Hương nợ 41 triệu đồng, cơ sở Yên Ninh chưa dọn xong nhưng có thể nợ gần 200 triệu do quá nhiều hạng mục phải khắc phục”, cô Bình nói và cho biết chưa bao giờ trường lại lâm vào cảnh “giật gấu vá vai” như lúc này.
Với Trường tiểu học Hồng Thái (thành phố Yên Bái), thầy Vũ Văn Tấn, Hiệu trưởng cho biết, điều lo lắng nhất là thiếu sách giáo khoa, đồ dùng học tập và thiết bị dạy học.
“Để có thể nhanh chóng đón học sinh trở lại trường, các thầy cô ở nhiều địa bàn đã nỗ lực phân loại sách, thống kê số còn thiếu để mua và xin cho học sinh. Nhà trường cũng báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo, đề nghị các nhà xuất bản cung ứng sách giáo khoa”, thầy Tấn nói.
Trong đợt bão lũ vừa qua, Trường tiểu học Hồng Thái (Yên Bái) bị ngập sâu gần 4m là nhiều bàn ghế, thiết bị dạy học bị hư hỏng, máy móc. Toàn bộ thư viện với khoảng 5.000 cuốn sách các loại chìm cũng trong nước, không thể sử dụng. Bên cạnh đó, nhà của hơn 400/632 học sinh bị ngập nên sách vở, đồ dùng học tập của các em cũng trôi theo dòng nước.
Nghĩa đồng bào sau cơn bão lũ
Mất mát và đau thương sau thiên tai là quá lớn. Trong bối cảnh đó, cộng đồng doanh nghiệp và người dân một lần nữa thể hiện tinh thần đoàn kết, tương trợ lúc khó khăn, với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Bằng nghĩa đồng bào, các thành viên trong ban tổ chức chương trình "Saigon Times - Nối vòng tay lớn - Cùng các em đến trường sau bão lũ", chương trình do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn cùng CLB Doanh nhân 2030, CLB Thị trường và Địa ốc Saigon Times và CLB Kiến tạo Thương hiệu trực thuộc Saigon Times Club thực hiện, đã đến các trường ở hai tỉnh Yên Bái, Tuyên Quang để tìm hiểu những khó khăn, nhu cầu thực tế của học sinh và nhà trường nhằm có những hỗ trợ phù hợp, giúp các em sớm trở lại trường.
Sau chuyến khảo sát, từ ngày 21 tới 23-9, ban tổ chức đã tiếp tục đến hai tỉnh trên để trao hơn 2.300 phần quà cho các em học sinh thuộc chín trường, gồm Trường mầm non Xuân Quang, Trường tiểu học Xuân Quang, Trường THCS Xuân Quang thuộc huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang; Trường mầm non Hoa Lan, Trường tiểu học Yên Ninh, Trường tiểu học Kim Đồng, Trường tiểu học & THCS Hợp Minh, Trường tiểu học & THCS Tuy Lộc, Trường tiểu học Hồng Thái thuộc thành phố Yên Bái.
Tổng giá trị quà tặng trao trong đợt này là hơn 2,029 tỉ đồng, gồm hơn 1,486 tỉ đồng quà tặng và 543 triệu đồng tiền mặt.
“Trước đau thương, mất mát của đồng bào, đặc biệt là các em nhỏ, mỗi hành động đều mang ý nghĩa quan trọng dù lớn hay nhỏ vì mục tiêu chung là giúp đỡ cộng đồng”, bà Nguyễn Thị Kim Tiếng, Trưởng ban tổ chức chương trình, Phó chủ nhiệm thường trực CLB Doanh nhân 2030 nói.
Ông Đỗ Văn Toàn, thành viên CLB Kiến tạo thương hiệu trực thuộc Saigon Times Club cũng cho rằng, trong một đất nước có truyền thống “lá lành đùm lá rách” thì việc nuôi dưỡng tinh thần tương trợ cho mỗi cá nhân là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, điều này cần thực hiện khéo léo, để tất cả hiểu ý nghĩa thực sự của hoạt động thiện nguyện, tương trợ không nằm ở con số mà nằm ở trái tim.
“Ngoài việc cung cấp cho khách hàng những sản phẩm - dịch vụ tốt, mỗi doanh nhân, doanh nghiệp cần có trách nhiệm với cộng đồng - xã hội. Sự đóng góp của mỗi cá nhân/tổ chức tuy nhỏ bé nhưng khi được tập hợp lại, sẽ tạo ra sức lan toả lớn. Từ đó, hỗ trợ đồng bào chịu thiệt hại bởi thiên tai, đặc biệt là các em nhỏ sớm ổn định tâm lý, yên tâm đến trường”, ông Toàn nói.
Đón nhận những cuốn vở, thùng mì, tấm chăn, nồi cơm điện từ ban tổ chức và nhà tài trợ, nhiều học sinh vừa đi vừa nhảy trên sân trường. Tiếng cười, tiếng nô đùa, sắc màu áo mới của các em khiến những nếp nhăn lo âu trên khuôn mặt các thầy, cô và phụ huynh giãn bớt; báo hiệu những ngày bình yên đang trở lại.
Thầy Vũ Văn Tấn, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hồng Thái, cho biết tuy vẫn còn nhiều khó khăn nhưng thầy cô và học sinh bớt lo toan hơn nhờ nhận được sự động viên rất lớn từ cộng đồng. "Những ngày qua, chính quyền cùng các mạnh thường quân, trong đó có Nhóm báo Kinh tế Sài Gòn cùng các câu lạc bộ trực thuộc đã đến với chúng tôi. Đó là nguồn động viên lớn để thầy trò vượt qua khó khăn nhằm ổn định nề nếp dạy học”, thầy Tấn nói.
Tạp chí Kinh Tế Sài Gòn trân quý và biết ơn các Doanh nghiêp, mạnh thường quân, các nhà hảo tâm đã đóng góp những món quà, tiền mặt, vật phẩm …trao tặng học sinh trong chương trình “Saigon Times – Nối vòng tay lớn: Cùng em đến trường sau bão lũ”:
- Công ty TNHH Sharp Việt Nam – 608 nồi cơm điện.
- Công ty CP Vạn Thiên Sa – Chăn ra gối nệm Edena - 155 chăn.
- Công ty SX TM Phúc Hảo – 700 phần quà (Mì, bánh, cá hộp, nước tương, chăn, đũa muỗng)
- Công ty TNHH Electrolux Việt Nam – 100 nồi cơm điện và 50 ấm đun siêu tốc.
- Công ty Bình Tiên – Bitis – 500 đôi dép.
- Công ty Gỗ An Cường
- Công ty CP SX Nhựa Duy Tân
- Tập thể Công ty TNHH Ariston Việt Nam
- Công ty Hoàng Phúc – 7.500 tập vở.
Và các nhà hảo tâm, mạnh thường quân….
Chân thành cảm ơn Công ty CP ĐT TM Phát triển Nhất Tín – Nhất Tín Logistics đã đồng hành vận chuyển hàng hóa cho chương trình.
Và đặc biệt, cảm ơn đại diện thành viên trong Ban chủ nhiệm các câu lạc bộ: CLB Doanh nhân 2030, CLB Thị trường và Địa ốc Saigon Times, CLB Kiến tạo Thương hiệu trực thuộc Saigon Times Club, cùng chung tay thực hiện chương trình, đem đến nhưng món quà giúp các thầy, cô giáo và các em học sinh phần nào ổn định cuộc sống và đi học bình thường.