(KTSG Online) - Cuộc đình công lớn nhất trong gần 50 năm qua do Hiệp hội công nhân bốc xếp quốc tế (ILA), đại diện cho 45.000 công nhân cảng ở Mỹ phát động đã làm ngưng trệ khoảng 50% hoạt động vận tải container bằng đường biển ở Mỹ.
- Lo ngại đình công ở cảng, các nhà nhập khẩu Mỹ tăng tốc vận chuyển hàng
- Cuộc đấu trí ‘lý thuyết trò chơi’ trong mùa đàm phán hợp đồng vận chuyển container
Hôm 1-10, công nhân của các cảng ở Bờ Đông và bờ biển vùng Vịnh Mexico của Mỹ đã đình công do không đạt được mức tăng lương trong hợp đồng mới với giới chủ. Cuộc đình công làm tê liệt hoạt động vận chuyển hàng loạt mặt hàng từ thực phẩm đến ô tô thông qua hàng chục cảng trải dài từ bang Maine đến bang Texas.
Các nhà phân tích cảnh báo, cuộc đình công sẽ khiến nền kinh tế thiệt hại ít nhất 5 tỉ đô la Mỹ mỗi ngày, đe dọa việc làm làm và có nguy cơ thổi bùng lạm phát.
Trước đó, Hiệp hội công nhân bốc xếp quốc tế (ILA) đã nỗ lực đàm phán với nhóm sử dụng lao động của Liên minh hàng hải Mỹ (USMX) về hợp đồng mới có thời hạn 6 năm. Thời hạn đàm phán được đưa ra là vào nửa đêm 30-9.
Sau đó, trong tuyên bố đưa ra hôm 1-10, ILA không chấp nhận đề xuất cuối cùng của USMX vì cho rằng không đáp ứng được yêu cầu của các thành viên trong hợp đồng mới.
Theo Chủ tịch ILA Harold Daggett, các nhà tuyển dụng như hãng tàu container Maersk (Đan Mạch) và APM Terminals North America, đơn vị điều hành cảng của Maersk ở Mỹ đã không đưa ra mức tăng lương phù hợp hoặc không đồng ý yêu cầu dừng các dự án tự động hóa ở cảng, có thể đe dọa việc làm.
Trong khi đó, Liên minh hàng hải Mỹ cho biết đã đưa ra đề xuất tăng lương gần 50% trong hợp đồng với công nhân cảng nhưng phía hiệp hội muốn mức tăng đến 61,5%.
Đây là cuộc đình công lớn đầu tiên của ILA kể từ năm 1977 và đang gây lo lắng cho những doanh nghiệp dựa vào vận tải biển để xuất khẩu hàng hóa hoặc nhập khẩu các mặt hàng quan trọng vì ảnh hưởng đến 36 cảng. Trong đó, có cảng New York, Baltimore và Houston, là những nơi xử lý nhiều loại hàng hóa vận chuyển bằng container từ chuối, quần áo đến ô tô.
Các nhà phân tích của ngân hàng JP Morgan ước tính, cuộc đình công có thể khiến nền kinh tế Mỹ thiệt hại khoảng 5 tỉ đô la mỗi ngày do các chuyến hàng từ các bến cảng bị gián đoạn.
Hôm 1-10, Liên đoàn Bán lẻ quốc gia Mỹ (NRF) kêu gọi Tổng thống Joe Biden sử dụng thẩm quyền liên bang để ngăn chặn cuộc đình công. NRF cảnh báo, cuộc đình công có thể gây ra “hậu quả tàn khốc” cho nền kinh tế.
Sam Graves, Chủ tịch tịch Ủy ban giao thông của Hạ viện Mỹ, cũng kêu gọi Tổng thống Biden can thiệp ngay lập tức để tránh tác hại không cần thiết này đối với nền kinh tế.
Các cố vấn của ông Biden đã nhiều lần khẳng định, Tổng thống sẽ không làm như vậy đồng thời kêu gọi các bên liên quan đi đến thỏa thuận. Hôm 1-10, Nhà Trắng cho biết đang theo dõi tác động của cuộc đình công đối với chuỗi cung ứng và đánh giá các hướng giải quyết.
Trong những tháng gần đây, các nhà bán lẻ của Mỹ đã tăng tốc nhập khẩu hàng hóa phục vụ mùa mua sắm Giáng sinh và đang chuyển hướng các lô hàng khác đến các cảng ở Bờ Tây.
“Chúng tôi dự đoán cuộc đình công sẽ kéo dài từ 507 ngày cho đến khi có sự can thiệp của chính phủ. Nhưng tác động ứng lan tỏa có thể sẽ được cảm nhận trên toàn bộ mạng lưới vận chuyển hàng hóa đến châu Âu, châu Á ít nhất đến tháng 1 và tháng 2-2025”, Peter Sand, nhà phân tích của nền tảng định giá cước vận tải biển Xeneta nói.
Rick Cotton, giám đốc Cảng vụ New York và New Jersey cho biết, có gần 100.000 container đang bị kẹt tại các cảng ở thành phố New York do cuộc đình công.
Steve Hughes, CEO của HCS International, công ty tư vấn ngành công nghiệp ô tô, chỉ trích ILA đang đặt nền kinh tế đất nước vào tình thế nguy nan. Trong khi đó, nguồn tin từ Tập đoàn bán lẻ Walmart và nhà điều hàng chuỗi siêu thị bán sĩ Costco cho biết đang làm mọi thứ có thể để giảm thiểu tác động của cuộc đình công.
Thống đốc bang New York, Kathy Hochul dự báo, việc công nhân cảng đình công sẽ không gây tác động ngay lập tức đối với nguồn cung thực phẩm hoặc hàng hóa thiết yếu. Tuy nhiên, tác động có thể mở rộng, tùy thuộc vào thời gian kéo dài của cuộc đình công.
Tại Đan Mạch, cổ phiếu của Maersk giảm gần 5% trong phiên giao dịch 1-10 do hoạt động chốt lời sau mức tăng giá mạnh gần đây khi nhà đầu tư đã kỳ vọng giá cước vận chuyển tăng đáng kể nếu cuộc đình công sắp diễn ra.
Hãng vận tải biển này thông báo sẽ áp dụng phụ phí gián đoạn cảng đối với tất cả hàng hóa di chuyển đến và đi từ các cảng Bờ Đông và bờ biển Vịnh Mexico bắt đầu từ ngày 21-10. Phụ phí này sẽ dao động từ 1.500-3.780 đô la/ container.
Theo Reuters