Chủ Nhật, 17/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Tại sao nhiều đồng tiền châu Á giảm giá?

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Các loại tiền tệ châu Á đã thu hẹp biên độ tăng khi nền kinh tế Mỹ hồi phục và Trung Quốc đưa ra các biện pháp kích thích nền kinh tế không như mong đợi của các nhà đầu tư.

Các nhà đầu tư ngoại hối hiện đang phải “vật lộn” với những bất ổn của thị trường như việc các động thái cắt giảm lãi suất của Fed trong tương lai, các biện pháp tài khóa bổ sung từ Trung Quốc và xung đột gia tăng ở Trung Đông. Ảnh: Reuters

Giới đầu tư đang phải đối mặt với nhiều bất định, từ quy mô và tốc độ cắt giảm lãi suất trong tương lai của Quỹ Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), cho đến các biện pháp tài khóa bổ sung mà Trung Quốc sẽ triển khai được công bố trong ngày 12-10 hoặc tình hình xung đột địa chính trị đang leo thang ở Trung Đông.

Tháng 10 biến động

"Đây là một tháng khá biến động", Nathan Swami, giám đốc giao dịch ngoại hối tại Nhật Bản, Bắc Á, Nam Á và Úc của Citi tại Singapore nói.

"Chúng tôi đã chứng kiến ​​đồng đô la tăng giá đáng kể sau Mỹ công bố bảng lương phi nông nghiệp (NFP) đo lường sự thay đổi lao động trong các ngành phi nông nghiệp ở nước này. Lãi suất đã gia tăng và thị trường đang đặt câu hỏi về tốc độ cắt giảm lãi suất của Fed trong tương lai gần", Swami nói.

Báo cáo việc làm bùng nổ của Mỹ trong tháng 9 được công bố vào tuần trước đã làm giảm bớt các đồn đoán hay đánh cược vào việc cắt giảm lãi suất mạnh mẽ trong năm nay.

Swami tin rằng các biện pháp kích thích của Trung Quốc và xung đột leo thang ở Trung Đông đã làm tăng thêm sự bất ổn.

Tiền tệ châu Á giảm nhẹ hôm 8-10 sau khi gói kích thích kinh tế của Trung Quốc không giống như thị trường kỳ vọng. Tuy nhiên, các nhà phân tích Citi dự báo rằng Trung Quốc có thể tung ra gói kích thích tài khóa lớn hơn lên tới 3.000 tỉ nhân dân tệ (425 tỉ đô la) vào ngày 12-10. Trong khi, Morgan Stanley và HSBC thì kỳ vọng Bắc Kinh chỉ đưa ra gói 2.000 tỉ nhân dân tệ (283 tỉ đô la).

Trước đây, các nền kinh tế châu Á thường có được đòn bẩy từ sự tăng trưởng mạnh mẽ của Trung Quốc và lập trường chính sách tiền tệ thích ứng của nước Mỹ.

Baht Thái và đồng nhân dân tệ ở nước ngoài gặp trở ngại

"Những gì xảy ra với đồng nhân dân tệ của Trung Quốc sẽ rất quan trọng đối với khu vực này. Tỷ lệ sử dụng nhân dân tệ trong thương mại toàn cầu đang tăng lên, đặc biệt là tại châu Á. Tỷ lệ này có ý nghĩa đối với khả năng cạnh tranh của nhiều nước khác trong khu vực", Swami từ Citi phân tích.

Trong báo cáo công bố hôm 9-10, các nhà phân tích Zerlina Zeng và Karen Wu của CreditSights nói rằng họ "không tin tưởng" vào khả năng nhân dân tệ ở thị trường trong và ngoài Trung Quốc sẽ tăng đáng kể trong ngắn hạn. Cả hai trích dẫn "rủi ro về thuế quan của Mỹ" và "các biện pháp tài khóa có khả năng gây thất vọng". Chính phủ Trung Quốc kiểm soát chặt đồng tệ trong nước, trong khi đồng tiền này được giao dịch tự do hơn bên ngoài đại lục.

Hai nhà phân tích Masafumi Yamamoto và Masayoshi Mihara của hãng chứng khoán Mizuho Securities đánh giá, ​​đồng nhân dân tệ ở nước ngoài và đồng baht Thái Lan sẽ hoạt động kém hiệu quả.

Đồng nhân dân tệ ở nước ngoài có thể gặp phải trở ngại nếu "các biện pháp kích thích của chính phủ Trung Quốc được đánh giá là chỉ có tác động hạn chế" và ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11 tới, báo cáo của hai nhà phân tích Mizuho hôm 10-10 viết.

Đồng baht Thái Lan đã hoạt động tốt hơn so với các loại tiền tệ mới nổi khác trong quí 3 vừa rồi. Tuy nhiên, baht có thể suy yếu do "sự phục hồi kinh tế yếu ở Trung Quốc", lạm phát tăng tốc và áp lực của chính phủ lên ngân hàng trung ương nhằm giảm lãi suất, báo cáo của Mizuho nói.

Các đồng tiền Hàn Quốc, Singapore và Indonesia được đánh giá cao

Alvin Tan, người đứng đầu chiến lược ngoại hối châu Á tại RBC Capital Markets ở Singapore, nói rằng ông đánh giá cao đồng rupiah của Indonesia so với các loại tiền tệ khác ở Đông Nam Á.

"Đây sẽ là lựa chọn tiền tệ hàng đầu của tôi trong phần còn lại của năm. Trong một thế giới mà lợi suất trái phiếu nói chung đã đạt đỉnh, lợi suất trái phiếu của Indonesia rất hấp dẫn", Tan nói.

Lãi suất của Indonesia ở mức 6% sau đợt cắt giảm 0,25% vào tháng trước. Indonesia đã dừng chu kỳ nới lỏng do đồng rupiah suy yếu. Đồng tiền này đã giảm xuống còn 15.695 rupiah đổi 1 đô la hôm đầu tuần, mức thấp nhất kể từ ngày 16-8, theo Refinitiv.

Ông hy vọng đồng đô la Singapore sẽ tiếp tục hoạt động tốt vì Singapore sẽ không nới lỏng chính sách tiền tệ đang siết chặt.

Ở Đông Bắc Á, việc Hàn Quốc được đưa vào Chỉ số trái phiếu chính phủ thế giới chuẩn của FTSE Russell vào năm tới có thể ​​sẽ thu hút hàng chục tỉ đô la vào trái phiếu chính phủ của nước này. "Tôi nghĩ điều này củng cố niềm tin rằng đồng won Hàn Quốc đã chạm đáy theo chu kỳ", ông nói.

Tuy nhiên, ông dự báo rằng đồng won không miễn nhiễm với xu hướng chung là đô xanh tiếp tục mạnh lên và won có mối tương quan tích cực với tỷ giá hối đoái giữa đô la Mỹ - yen Nhật. Xuất khẩu của Hàn Quốc bổ trợ cho xuất khẩu của Nhật Bản. Do đó hai đồng tiền này có mối tương quan tích cực, ngoại trừ tâm lý sợ rủi ro khi yen đóng vai trò là nơi trú ẩn an toàn.

Theo Nikkei Asia, Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới