Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

IMF: Nợ công thế giới có thể vượt 100.000 tỉ đô la vào cuối năm

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Nợ công toàn thế giới sẽ lần đầu tiên vượt mức 100.000 tỉ đô la Mỹ trong năm nay, theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Tổ chức có trụ sở tại Washington cảnh báo, nhiều quốc gia sẽ đối mặt với tác động tiêu cực lan tỏa từ sự bất ổn tài khóa ở Mỹ, Trung Quốc do nợ công của hai nền kinh tế lớn nhất giới ngày càng phình to.

IMF dự báo, nợ công thế giới lần đầu tiên vượt 100 nghìn tỉ đô la Mỹ vào cuối năm nay. Ảnh: channelstv.com

Áp lực chi tiêu khiến nợ công tăng nhanh

Theo báo cáo giám sát tài khóa công bố hôm 15-10 của IMF, tổng nợ công của thế giới lần đầu tiên dự kiến vượt 100.000 tỉ đô la trong năm nay. IMF lưu ý, nợ công có thể tăng nhanh hơn dự báo do tâm lý chính trị ở nhiều nền kinh tế lớn ủng hộ chi tiêu cao hơn, đồng thời, tăng trưởng chậm làm tăng nhu cầu và chi phí vay.

Báo cáo cho biết, nợ công thế giới dự kiến đạt 93% GDP toàn cầu vào cuối năm 2024 và sẽ lên mức 100% vào năm 2030. Con số này sẽ vượt mức đỉnh 99% trong thời kỳ đại dịch Covid-19 và tăng 10 điểm phần trăm so với năm 2019, trước khi đại dịch thúc đẩy chi tiêu bùng nổ của các chính phủ.

Được công bố một tuần trước, khi IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) chức các cuộc họp thường niên tại Washington, báo cáo giám sát tài khóa của IMF cho biết, có nhiều lý do khiến mức nợ công thế giới trong tương lai có thể cao hơn nhiều so với dự kiến ​​hiện tại, bao gồm xu hướng chi tiêu nhiều hơn ở Mỹ.

Theo IMF, đối với nhiều chính phủ, áp lực chi tiêu để giải quyết quá trình chuyển đổi xanh, dân số già số, lo ngại về an ninh và những thách thức phát triển trong dài hạn đang gia tăng. Điều này có xu hướng khiến nợ công tăng nhanh hơn. Tổ chức này cảnh báo, mức nợ công cao ở các nền kinh tế lớn có thể làm tăng biến động của lợi suất trái phiếu chính phủ và rủi ro nợ đối với các quốc gia khác.

Những lo ngại của IMF về nợ công thế giới được đưa ra ba tuần trước khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Trong đó cả hai ứng cử viên Donald Trump và Kamala Harris đều hứa hẹn giảm thuế và phân bổ ngân sách cho các chi tiêu mới có thể làm tăng thêm hàng ngàn tỉ đô la vào mức thâm hụt liên bang hiện nay.

Kế hoạch giảm thuế của ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump sẽ bổ sung thêm khoảng 7.500 tỉ đô la vào khối nợ công mới của Mỹ trong 10 năm tới. Con số gấp hơn đôi so với mức nợ công bổ sung 3.500 tỉ đô la từ kế hoạch kinh tế của Phó Tổng thống Kamala Harris, ứng cử viên Đảng Dân chủ, theo ước tính của  Ủy ban ngân sách liên bang có trách nhiệm (CRFB), một tổ chức nghiên cứu về ngân sách của chính phủ Mỹ.

Lo ngại khoản nợ công lớn chưa xác định được

Báo cáo của IMF cảnh báo, nợ công thế giới có thể cao hơn đáng kể so với dự báo do tăng trưởng yếu, điều kiện tài chính thắt chặt hơn và sự bất ổn lớn hơn về chính sách tài khóa và tiền tệ ở các nền kinh tế lớn như Mỹ và Trung Quốc. Báo cáo nêu ra một kịch bản xấu nghiêm trọng liên quan đến các yếu tố này, trong đó, nợ công có thể đạt 115% GDP toàn cầu sau 3 năm nữa, cao hơn 20 điểm phần trăm so với dự kiến ​​hiện tại của IMF.

Một khoản nợ công lớn chưa xác định được là lý do khác khiến nợ công toàn cầu cuối cùng cao hơn đáng kể so với dự kiến. Một phân tích của IMF đối với hơn 30 quốc gia cho thấy, 40% khoản nợ công không xác định được bắt nguồn từ các khoản nợ tiềm ẩn và rủi ro tài khóa mà chính phủ phải đối mặt, trong đó phần lớn liên quan đến thua lỗ của doanh nghiệp nhà nước. Trong lịch sử, nợ công không xác định được rất lớn, trung bình dao động từ 1-1,5% GDP toàn cầu và tăng mạnh trong thời kỳ căng thẳng tài chính.

Do vậy, IMF kêu gọi các chính phủ tăng cường củng cố tài khóa, cho rằng môi trường hiện tại với tốc độ tăng trưởng vững chắc và tỷ lệ thất nghiệp thấp là thời điểm thích hợp để làm điều đó.

Tuy nhiên, tổ chức này cho biết, những nỗ lực giảm thâm hụt tài khóa hiện tại của các chính phủ chỉ chiếm trung bình 1% GDP toàn cầu trong giai đoạn 2023-2029. Tỷ lệ này không đủ để giúp giảm hoặc ổn định nợ công. Các chính phủ cần phải giảm thâm hụt tài khóa ở mức trung bình 3,8% GDP toàn cầu trong giai đoạn này để đạt được mục tiêu ổn định nợ công. Các nước như Trung Quốc và Mỹ, nơi GDP được dự báo không ổn định, sẽ cần phải thắt chặt tài khóa lớn hơn đáng kể.

Theo Văn phòng Ngân sách quốc hội Mỹ (CBO), trong tháng này, chính phủ Mỹ dự kiến ​​báo cáo mức thâm hụt tài khóa năm 2024 vào khoảng 1.800 tỉ đô la, tương đương hơn 6,5% GDP. Các quốc gia khác gồm Brazil, Anh, Pháp, Ý và Nam Phi, nơi nợ công dự kiến ​​ tiếp tục tăng, có thể đối mặt với những hậu quả tốn kém.

“Việc trì hoãn giảm thâm hụt tài khóa rốt cục sẽ khiến các chính phủ cần giảm thâm hụt lớn hơn. Việc trì hoãn như vậy cũng có thể gây ra rủi ro vì kinh nghiệm trong quá khứ cho thấy, nợ công cao và thiếu kế hoạch tài khóa đáng tin cậy có thể gây ra những phản ứng bất lợi của thị trường và có thể hạn chế dư địa tài khóa mà các quốc gia cần để giải quyết những cú sốc trong tương lai”, Era Dabla-Norris, Phó giám đốc bộ phận tài chính của IMF cảnh báo.

Theo Reuters, Imf.org

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới