Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Kiến nghị Quốc hội cho thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi

Chính Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Để phát triển điện gió ngoài khơi, Việt Nam đang thiếu những cơ sở pháp lý nhằm hỗ trợ các dự án. Vì thế, đã có ý kiến kiến nghị Quốc hội ban hành nghị quyết về thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi, với quy mô ở mức 1.000-2.000 MW.

Một dự án điện gió ngoài khơi. Ảnh minh hoạ: TL

Ngày 16-10, Hội Dầu khí Việt Nam đã tổ chức tọa đàm Luật Điện lực (sửa đổi) - Các khoảng trống pháp lý cần được lấp đầy và bổ sung theo tinh thần Nghị quyết 55-NQ/TW, Kết luận 76-KL/TW, theo chinhphu.vn.

Tại toạ đàn này, ​các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng, tham vọng phát triển điện từ các nguồn năng lượng mới của Việt Nam là rất lớn, tuy nhiên nếu thiếu cơ sở pháp lý vững chắc sẽ gây ra nguy cơ ảnh hưởng an ninh năng lượng quốc gia.

Ông Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cho biết, việc thể chế hóa đầy đủ các nội dung của Nghị quyết 55-NQ/TW, Kết luận 76-KL/TW và các chủ trương, chính sách của Đảng vào Luật Điện lực sẽ khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia hoạt động điện lực tại Việt Nam; thúc đẩy đầu tư ngành năng lượng nói chung và ngành điện nói riêng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu, tổng hợp cho thấy, việc hiện thực hóa các dự án nguồn điện khí, khí LNG và điện gió ngoài khơi vẫn còn gặp khó khăn, vướng mắc, nguy cơ không đảm bảo tốc độ phát triển các dự án nguồn điện trong ngắn hạn và dài hạn theo quy hoạch.

Khi bàn về các vướng mắc của điện gió ngoài khơi, ông Dư Văn Toán, chuyên gia năng lượng tái tạo, Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, ở Việt Nam điện gió ngoài khơi có tiềm năng tốt, nhất là vùng Nam Trung Bộ. Do đó, việc đăng ký diện tích biển để khảo sát, đầu tư thực hiện đang "cháy chỗ".

Theo ông Dư Văn Toán, hiện có một số vướng mắc của dự án điện gió ngoài khơi theo xác định của Bộ Công Thương, đó là chưa rõ cấp có thẩm quyền giao khu vực biển, cho phép hay chấp thuận cho các tổ chức sử dụng khu vực biển để thực hiện các hoạt động đo đạc, quan trắc, điều tra, thăm dò, khảo sát nhằm phục vụ lập dự án điện gió ngoài khơi.

Cùng với đó là quy hoạch không gian biển quốc gia chưa được phê duyệt, nên chưa có cơ sở triển khai thực hiện Quy hoạch điện VIII. Các vướng mắc về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư. Các điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi.

Ông Dư Văn Toán nhìn nhận câu chuyện quy hoạch cần Luật Điện lực (sửa đổi) sớm rà soát tới vấn đề cấp phép với các tiêu chuẩn đo lường. Từ thực tế đó, ông Dư Văn Toán đề xuất có cơ chế để phục vụ dự án thí điểm, kiến nghị Quốc hội ban hành nghị quyết về thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi, với quy mô ở mức 1.000-2.000 MW, đồng thời quy định thời gian, giá cả triển khai.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới