Thứ Năm, 17/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Chi tỉ đô la nhập gạo: nghịch lý hay hợp lý?

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Nhập khẩu gạo đang dấy lên lo ngại có tác động tiêu cực đến thị trường nội địa cũng như thu nhập của nông dân trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, qua việc nhập khẩu gạo cho thấy nông dân vùng này có xu hướng chuyển đổi phân khúc hoặc thậm chí “thoát khỏi” cây lúa để tìm sang hướng khác mang lại thu nhập cao hơn.

Chi tỉ đô mua gạo cho thấy Việt Nam đã có sự nhạy bén trong lựa chọn phân khúc sản phẩm tốt hơn. Ảnh: Trung Chánh

Tổng cục hải quan mới đây đã công bố thông tin, luỹ kế 9 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã chi 996 triệu đô la Mỹ để nhập khẩu gạo, tăng 57,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này, đã làm dấy lên lo ngại tác động tiêu cực đến thị trường trong nước cũng như ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân trồng lúa.

Nhập khẩu gạo nghịch lý hay tích cực?

Trao đổi với KTSG Online liên quan câu chuyện Việt Nam chi gần 1 tỉ đô la Mỹ để nhập khẩu gạo, ông Nguyễn Chí Thành, Giám đốc ngành hàng lúa gạo của Công ty cổ phần xuất nhập khẩu An Giang( Angimex) đánh giá, nhập khẩu gạo là “chuyện bình thường” trong thương mại gạo giữa các quốc với nhau.

"Phần nào đó, nhập khẩu gạo sẽ góp phần giúp cân bằng cung và cầu, ổn định giá mua bán. Do vậy, khi đứng ở góc độ của người nông dân để đánh giá, nhập khẩu gạo sẽ làm giảm giá mua lúa gạo trên thị trường, dẫn đến nông dân bị giảm thu nhập”, ông giải thích.

Vậy, diễn biến giá gạo thời gian qua như thế nào?

Báo cáo của Tổng cục Hải quan cho thấy, giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam tháng 9-2024 đạt khoảng 609 đô la Mỹ/tấn, tăng 1,7% so với tháng trước, nhưng giảm 2,4% so với cùng kỳ. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam đạt mức 624 đô la Mỹ/tấn, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chín tháng đầu năm nhập khẩu gạo của Việt Nam tăng trên 57% so với cùng kỳ năm ngoái. Thế nhưng, khoảng thời gian này, giá xuất khẩu gạo bình quân cũng tăng khoảng 13,1% so với cùng kỳ.

Dĩ nhiên, việc nhập khẩu gạo sẽ có tác động đến xu hướng giá thị trường, nhưng với diễn biến như nêu trên có thể thấy giá xuất khẩu vẫn được duy trì khá ổn định. Điều này, kéo theo giá lúa gạo thị trường nội địa vẫn ở mức tương đối cao như thực tế đã diễn ra.

Tuy nhiên, khi đứng ở góc độ của người tiêu dùng, nhập khẩu gạo sẽ giúp giá thành sản phẩm liên quan đến gạo nhập khẩu có giá hợp lý hơn. “Việc nhập khẩu sẽ giúp giá thành sản phẩm liên quan tới gạo trở nên hợp lý hơn, bao gồm những ngành như thức ăn chăn nuôi, sản xuất bánh bún hay thậm chí gạo ăn của công nhân”, ông Thành của Angimex đánh giá.

Qua số liệu theo dõi ngành hàng, vị giám đốc ngành lương thực của Angimex cho biết, tháng 9-2024, đã có khoảng khoảng 268.000-269.000 tấn gạo được nhập khẩu vào Việt Nam (bao gồm cả lúa quy gạo). Điều này, đưa luỹ kế tổng khối lượng gạo nhập khẩu vào Việt Nam đến nay đạt khoảng 1,8-1,83 triệu tấn.

Theo đó, lượng gạo nhập khẩu từ Ấn Độ khoảng 400.000 tấn, chủ yếu là gạo cấp thấp phục cho chế biến của các ngành công nghiệp; phần còn lại là từ Campuchia với phân khúc sản phẩm tương tự gạo Việt Nam và một số loại gạo đặc sản của quốc gia này.

Theo ông Thành, nguồn gạo nhập khẩu từ Campuchia (chủ yếu là lúa) có ý nghĩa rất quan trọng trong bổ sung, gia tăng khối lượng xuất khẩu của Việt Nam. “Điều này, giúp doanh nghiệp đạt lợi nhuận cao hơn, bởi lợi thế của xuất khẩu là bán được số lượng nhiều”, ông cho biết và thông tin, điều này cũng giúp tạo công ăn việc làm, nhà máy xay xát hoạt động liên tục…

Trong khi đó, ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An cũng cho rằng, Việt Nam nhập khẩu gạo là chuyện bình thường trong thương mại thế giới. Theo ông, gạo của Việt Nam và gạo nhập khẩu từ Ấn Độ là hai phân khúc khác nhau, cho nên, không ảnh hưởng đáng kể đến ngành lúa gạo Việt Nam.

Dành nguồn lực đất đai phát triển sản phẩm mang lại lợi nhuận tốt hơn trên cùng đơn vị diện tích là hướng đi đúng. Ảnh: Trung Chánh

Theo đuổi hay chuyển đổi?

Việt Nam tăng nhập khẩu gạo không phải là chuyện mới, bởi hai năm trước đó, tức năm 2022 và 2023 cả nước cũng đã lần lượt chi ra hàng trăm triệu đô la Mỹ mỗi năm để mua gạo.

Xu hướng nhập khẩu gạo của Việt Nam diễn ra ngày càng mạnh khi sản xuất trong nước có sự dịch chuyển từ sản phẩm cấp thấp sang chất lượng cao, nhất là khi có một phần diện tích lúa “nhường chỗ” cho các loại cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Trao đổi với KTSG Online, ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, Việt Nam hiện có khoảng 9 triệu héc ta đất canh tác nông nghiệp, trong đó, có khoảng 4 triệu héc ta đất lúa, khoảng 1,2 triệu héc ta đất cây ăn trái… “Việc lựa chọn mặt hàng chủ lực, có ưu thế, phù hợp với đất đai thổ nhưỡng để phát triển là cần thiết”, ông nhấn mạnh.

Theo dẫn chứng của ông Tùng, Việt Nam từng có khoảng 1 triệu héc ta diện tích đất trồng bắp, nhưng hiện đã giảm đáng kể do không có khả năng cạnh tranh với những quốc gia có lợi thế. “Mình nhập của họ rẻ hơn, nếu nông dân theo đuổi những mặt hàng không có lời, không phù hợp và chất lượng cũng không bằng nước khác thì có nên hay không?”, ông đặt vấn đề.

Hiện nay, trong bối cảnh diện tích đất nông nghiệp có hạn, về mặt tổng thể, chấp nhận nhập khẩu một/một vài sản phẩm để ưu tiên nguồn lực, tài nguyên đất đai cho sản phẩm thế mạnh, mang lại thu nhập cao hơn cho nông dân có thể là một chọn lựa hợp lý. Theo ông Tùng, chúng ta nhập một loại nông sản nào đó mà Việt Nam không có ưu thế phát triển là chuyện bình thường.

Đối với sản phẩm Việt Nam có ưu thế như lúa gạo, nhưng vẫn nhập khẩu cũng là chuyện bình thường, bởi trong ngành lúa gạo cũng được chia ra nhiều phân khúc chất lượng khác nhau. Trong đó, Việt Nam hiện đang có ưu thế phát triển tốt ở phân khúc chất lượng cao, cho nên, thiếu hụt phải nhập khẩu phân khúc cấp thấp đáp ứng nhu cầu chế biến vẫn là hướng đi đúng, nhất là khi nguồn lực đất đai có hạn.

Theo tìm hiểu của KTSG Online, hiện có không ít địa phương ở khu vực ĐBSCL, nhất là ở Tiền Giang, Long An và Đồng Tháp... nông dân đã “thoát khỏi” cây lúa để chuyển đổi sang cây ăn trái với lợi nhuận cao hơn hàng chục lần trên cùng đơn vị diện tích.

“Nhập khẩu gạo cũng do một phần đất đai chuyển dịch sang lĩnh vực khác, khiến lượng lúa sản xuất trong nước ngày càng ít đi. Tuy nhiên, việc nông dân linh hoạt chuyển đổi cơ cấu là khó tránh khỏi khi đã có nhiều loại nông sản mang lại thu nhập cao hơn”, ông Bình của Trung An cho biết.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới