Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Công nghiệp bán dẫn: Việt Nam có gì và cần gì?

Hoàng Hạnh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - “Vi mạch Việt Nam cần phải tìm ra thế mạnh của riêng mình, hướng tới việc tự chủ vi mạch cho những nhu cầu thị trường trong nước, nơi có những ứng dụng không cần vi mạch đắt tiền - tối tân và giải quyết bài toán thực tế”, TS. Nguyễn Ngọc Mai Khanh, quản lý cấp cao tại Công ty Marvell Vietnam, trao đổi với Kinh tế Sài Gòn.

Động lực của ngành công nghiệp bán dẫn

KTSG: Mới đây, tờ Diplomat đã có bài phân tích về lợi thế của Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn. Theo đó, Việt Nam có tính nhất quán và khả năng dự đoán cao của môi trường chính trị trong nước; dân số trẻ và nguồn nhân tài dồi dào; sự trung lập về mặt chiến lược và quan hệ ngoại giao nồng ấm với các đối tác chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Ông chia sẻ như thế nào về quan điểm này? Theo ông, đâu là những lợi thế thực sự của ngành bán dẫn tại Việt Nam?

- TS. Nguyễn Ngọc Mai Khanh: Việt Nam đang có những lợi thế rõ rệt trong ngành công nghiệp bán dẫn. Gần đây Chính phủ dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2024 ước đạt khoảng 7%, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra (6-6,5%). Mức tăng trưởng này đặt Việt Nam vào nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và toàn cầu. Cùng với sự ổn định chính trị và nguồn nhân lực trẻ dồi dào, điều này rất thuận lợi cho ngành công nghiệp bán dẫn.

Tính nhất quán và khả năng dự đoán cao của môi trường chính trị tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Theo báo cáo của World Semiconductor Trade Statistics (WSTS), thị trường bán dẫn toàn cầu dự kiến đạt 565 tỉ đô la Mỹ năm 2024(1). Theo Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA), Việt Nam đang có tỷ lệ dân số trẻ nhất trong lịch sử đất nước(2), có 20,4 triệu thanh thiếu niên trong độ tuổi 10-24 tuổi, chiếm 21% dân số và thời kỳ dân số vàng dự kiến kéo dài đến năm 2039. Dân số trẻ là nguồn nhân lực dồi dào - yếu tố quyết định trong việc phát triển nguồn lực cho ngành công nghiệp này.

Thêm vào đó, Việt Nam có mối quan hệ tốt với các đối tác chủ chốt trong vành đai vi mạch - bán dẫn Đông Bắc Á, và Mỹ. Điều này giúp Việt Nam dễ dàng tiếp cận công nghệ và hợp tác với các công ty lớn trong ngành bán dẫn. Châu Á - Thái Bình Dương chiếm 63,91% thị trường bán dẫn toàn cầu và đang thúc đẩy sự mở rộng với thị trường bán dẫn năng động của mình(3).

Mỹ hiện là thị trường lớn nhất với 48% thị phần toàn cầu. Thái Lan, với chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn từ những năm 2000, hiện chiếm khoảng 2% thị phần toàn cầu, nhờ vào việc thu hút các nhà đầu tư lớn từ Đài Loan và Hàn Quốc. Năm 2023 Nhật Bản chiếm khoảng 9% thị trường bán dẫn toàn cầu, Hàn Quốc chiếm 19% trong khi Trung Quốc khoảng 7% (theo báo cáo từ Semiconductor Industry Association (SIA)(4)). Tuy nhiên, vành đai châu Á - Thái Bình Dương lại chiếm nhiều nhất về nhà máy sản xuất vi mạch trên toàn cầu (2021: Đài Loan 21%, Hàn Quốc 18%, Nhật Bản 12%, Trung Quốc 15%, theo SIA).

Các nước này cũng đang tăng cường hợp tác với nhau trong lĩnh vực bán dẫn. Nhật Bản năm 2024 xây dựng các cơ sở mới hợp tác với TSMC (Đài Loan), Sony và Toyota, với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 20 tỉ đô la Mỹ. Những nỗ lực này là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn của Nhật Bản nhằm trẻ hóa hệ sinh thái sản xuất chất bán dẫn của mình. Tháng 2-2024, Samsumg (Hàn Quốc) đầu tư xây dựng một cơ sở đóng gói tiên tiến tại Yokohama (Nhật Bản).

Do vậy, giữ vững và tăng cường mối quan hệ hợp tác với các đối tác chủ chốt, ổn định môi trường chính trị là điều rất thuận lợi cho Việt Nam trong ngành bán dẫn.

KTSG: Việt Nam đã sản xuất ở mức thương mại một số sản phẩm chip, liệu đây có là một trong những tiền đề để chúng ta nghĩ về ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam hay không, thưa ông?

- Việc Việt Nam đã sản xuất ở mức thương mại một số sản phẩm chip như chip điều khiển cho thiết bị gia dụng và thiết bị di động là tín hiệu tích cực và khích lệ rất lớn cho ngành công nghiệp bán dẫn.

Thành tựu này không chỉ chứng minh khả năng của Việt Nam trong lĩnh vực thiết kế và sản xuất chip mà còn tạo động lực cho việc thu hút thêm đầu tư và hợp tác quốc tế.

Có thể xem đây là tiền đề cho sự phát triển của ngành bán dẫn Việt Nam, bao gồm:

(1) Khả năng tự chủ về công nghệ: việc sản xuất chip giúp Việt Nam có thể từng bước làm chủ các công nghệ cốt lõi trong ngành bán dẫn, và dần dần chứng tỏ có thể đảm nhận một project (dự án) vi mạch lớn, một lĩnh vực yêu cầu cao về trình độ kỹ thuật và công nghệ tiên tiến. Đây là cơ sở để phát triển các sản phẩm và giải pháp kỹ thuật cao trong tương lai.

(2) Thu hút đầu tư nước ngoài: thành tựu trong sản xuất chip ở mức thương mại sẽ giúp Việt Nam chứng minh năng lực của mình trước các đối tác quốc tế, từ đó thu hút thêm các dự án đầu tư từ các công ty công nghệ lớn trên thế giới. Điều này cũng tương tự như cách mà Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan đã từng thu hút đầu tư vào các dự án bán dẫn của mình.

(3) Phát triển hệ sinh thái bán dẫn: sản xuất chip không chỉ tạo ra sản phẩm mà còn thúc đẩy sự phát triển của một hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn, từ thiết kế, chế tạo đến đóng gói, kiểm thử. Điều này giúp Việt Nam có thể phát triển toàn diện ngành công nghiệp này trong tương lai.

Tuy nhiên, cần phải nâng cao hơn nữa về chuyên môn cũng như liên kết - hỗ trợ hơn nữa từ các bên doanh nghiệp trong nước và Chính phủ.

KTSG: Nhiều ý kiến cho rằng, để tiến được ngay cả những bước đầu tiên trên chặng đường chinh phục các mục tiêu của chiến lược công nghiệp bán dẫn, Việt Nam cần nhận được sự chuyển giao công nghệ và hỗ trợ từ các đối tác nước ngoài. Quan điểm của ông như thế nào? Dù với rất nhiều lợi thế, để nhận được sự hỗ trợ này với tư thế hai bên cùng có lợi (win - win), Việt Nam cần hội đủ những điều kiện gì?

- Tôi đồng ý rằng để tiến xa hơn trong chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn, Việt Nam cần nhận được sự chuyển giao công nghệ và hỗ trợ từ các đối tác nước ngoài.

Để đạt được điều này với tư thế win - win, Việt Nam cần có các điều kiện như: môi trường đầu tư thuận lợi, chính sách hỗ trợ rõ ràng, và sự hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan đã thành công trong việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn nhờ vào sự hỗ trợ từ chính phủ và các chương trình hợp tác nghiên cứu. Họ cũng đã xây dựng các khu công nghiệp chuyên biệt cho ngành bán dẫn, nhằm thu hút đầu tư từ nước ngoài và phát triển nguồn lực.

Việt Nam cũng cần mở rộng các chính sách khuyến khích đầu tư, hành lang pháp lý, bảo vệ sở hữu trí tuệ, và tăng cường nhân lực chất lượng.

Mục tiêu tham vọng nhưng khả thi

KTSG: Theo Chiến lược phát triển Công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050, trong giai đoạn 2024-2030, Việt Nam sẽ có 100 doanh nghiệp thiết kế, một nhà máy chế tạo quy mô nhỏ và 10 nhà máy đóng gói kiểm thử. Liệu đây có phải là mục tiêu tương đối tham vọng, đặc biệt với nền tảng công nghệ và trình độ sản xuất hiện tại của Việt Nam? Bên cạnh mục tiêu về lượng, theo ông, Việt Nam nên đặt mục tiêu về chất như thế nào, chẳng hạn, tự chủ dòng sản phẩm nào?

- Mục tiêu phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2020 với tầm nhìn đến năm 2050, trong giai đoạn 2024-2030, có thể là tham vọng nhưng khả thi. Tại Hàn Quốc, Chính phủ nước này đã đầu tư 1,9 tỉ đô la vào ngành công nghiệp bán dẫn và hiện nay đã có hàng ngàn doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Việt Nam cần chú trọng vào chất lượng sản phẩm, đặc biệt là tự chủ trong các dòng sản phẩm chủ chốt, nhờ vào việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

So sánh với Nhật Bản, nước này đã đầu tư 25 tỉ đô la vào nghiên cứu và phát triển (R&D) công nghệ bán dẫn trong năm 2021. Hàn Quốc, với các tập đoàn lớn như Samsung và SK Hynix, cũng chi tới 15% doanh thu của họ vào R&D, trong khi Trung Quốc đã cam kết đầu tư 150 tỉ đô la vào ngành công nghiệp bán dẫn trong những năm qua. Thái Lan, mặc dù chưa đạt được quy mô lớn như các quốc gia này, đã có 70 doanh nghiệp hoạt động trong ngành bán dẫn, chủ yếu tập trung vào lắp ráp và kiểm thử, cho thấy rằng Việt Nam cần một kế hoạch đầu tư và phát triển mạnh mẽ hơn để đạt được mục tiêu tự chủ trong thiết kế, sản xuất chip phù hợp. Việt Nam cần xác định phân khúc thị trường hợp lý, phân chia và chọn lọc theo:

(1) Thiết bị bán dẫn (như cảm biến, IC, chip tương tự, chip số, bộ nhớ, MPU, MCU, chip quang điện...).

(2) Ứng dụng vi mạch (như vi mạch cho điện thoại, máy tính, viễn thông, máy chủ, cho ô tô, y sinh, quốc phòng, điện tử công suất lớn...).

(3) Vật liệu bán dẫn (đất hiếm, tinh thể, Silic, Germani, Gali arsenide, Silic cacbua, Gali nitrua...).

Việt Nam không thể chạy theo đương đầu hay “đón đầu” những kỹ thuật sản xuất chip tối tân của thế giới. Thay vào đó, vi mạch Việt Nam cần phải tìm ra thế mạnh của riêng mình, hướng tới việc tự chủ vi mạch cho những nhu cầu thị trường trong nước, nơi có những ứng dụng không cần vi mạch đắt tiền - tối tân và giải quyết bài toán thực tế. Cần chú trọng phát triển mảng vi mạch ứng dụng nhanh, đáp ứng nhu cầu thực tế, có thể tái sử dụng, và cả an toàn bảo mật thông tin phần cứng lẫn phần mềm. Song song đó, Việt Nam nên có chính sách bảo hộ và hỗ trợ tối đa cho việc đăng ký bản quyền, sở hữu trí tuệ liên quan tới vi mạch như Nhật Bản từng làm trong những năm 1960-1970.

KTSG: Ở thời điểm này, theo ông, bước đi đầu tiên và cần đẩy nhanh ngay để phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam là gì? Chúng ta có thể học tập kinh nghiệm từ các nước đi trước như thế nào?

- Phát triển công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, một trong những bước đi đầu tiên và quan trọng nhất là đào tạo lực lượng giảng viên chuyên môn trong lĩnh vực bán dẫn. Việc nâng cao trình độ của giảng viên không chỉ giúp truyền đạt kiến thức hiện đại cho sinh viên mà còn tạo ra một đội ngũ nhân lực có kỹ năng, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn. Chúng ta cần đầu tư vào chương trình đào tạo và phát triển chương trình giảng dạy liên quan đến công nghệ bán dẫn tại các trường đại học.

Các doanh nghiệp trong nước cũng nên hợp tác chặt chẽ với nhau. Như Nhật Bản đã từng làm trước đây: đầu tiên kết hợp nhiều công ty khổng lồ từng là đối thủ cạnh tranh trực tiếp và khốc liệt, khiến họ phải cùng nhau góp sức cho mục đích chung: sự sống còn của vi mạch Nhật Bản và của chính họ! Năm tập đoàn công nghệ của Nhật từng cạnh tranh gay gắt gồm Fujitsu, Hitachi, Mitsubishi, NEC và Toshiba, đã cùng nhau và với Trung tâm Nghiên cứu tổng hợp công nghệ điện tử, Viện Kỹ thuật công nghiệp thuộc MITI để tiến hành công cuộc nghiên cứu vi mạch quy mô cực lớn, với mục đích là chuẩn hóa công nghệ chế tạo vi mạch siêu quy mô, nắm bắt công nghệ lõi không những về chế tạo vi mạch, mà cả về chế tạo thiết bị sản xuất vi mạch nội địa.

Khai thác nguồn chuyên gia là kiều bào từ Mỹ và các nước cũng là một giải pháp quan trọng. Nhiều chuyên gia đang làm việc trong các công ty công nghệ hàng đầu tại Mỹ và các quốc gia khác, nơi có những tiến bộ công nghệ và kinh nghiệm phong phú trong ngành bán dẫn. Có thể thiết lập các chương trình hợp tác, kết nối giữa các chuyên gia kiều bào và các cơ sở giáo dục, viện nghiên cứu trong nước để chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm.

Ngoài ra, giảm thuế thu nhập cho các chuyên gia vi mạch cũng là một chính sách khả thi để thu hút nhân tài. Việc này không chỉ tạo động lực cho các chuyên gia hiện đang làm việc ở nước ngoài trở về Việt Nam mà còn khuyến khích những người Việt Nam sống ở nước ngoài đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn trong nước. Các chính sách ưu đãi về thuế có thể giúp tăng cường sự cạnh tranh và thu hút đầu tư từ những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, Việt Nam có thể học hỏi Hàn Quốc và Nhật Bản, nơi mà các trường đại học kết hợp chặt chẽ với ngành công nghiệp để đào tạo nhân lực. Hàn Quốc đã phát triển mô hình hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp, cho phép sinh viên thực tập tại các công ty công nghệ hàng đầu như Samsung và LG. Nhật Bản cũng chú trọng đến việc nâng cao năng lực R&D tại các trường đại học, điều này giúp tạo ra một nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn.

Việt Nam có thể tham khảo mô hình này để xây dựng chương trình đào tạo chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành. Chúng ta cần thành lập các chương trình hợp tác quốc tế với các trường đại học và viện nghiên cứu hàng đầu trên thế giới để trao đổi giảng viên và sinh viên, cũng như chia sẻ kinh nghiệm trong R&D công nghệ bán dẫn.

Đồng thời, cần chú trọng đến việc khuyến khích các sinh viên theo đuổi nghiên cứu trong lĩnh vực này thông qua các học bổng và chương trình tài trợ nghiên cứu. Để thành công, Việt Nam không chỉ cần đội ngũ giảng viên tốt mà còn phải xây dựng hệ sinh thái R&D mạnh mẽ, kết nối các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Tham khảo:
(1) https://market.us/report/semiconductor-market/
(2) https://vietnam.unfpa.org/vi/topics/ph%C3%A1t-tri%E1%BB%83n-thanh-ni%C3%AAn
(3) https://www.semiconductors.org/2024-state-of-the-u-s-semiconductor-industry/
(4) https://www.linkedin.com/pulse/global-semiconductor-market-game-changing-perspective-malhotra-cetlc/

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới