Thứ sáu, 3/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Khả năng hồi sinh dự án BT vẫn bỏ ngỏ

An Nhiên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Sửa Luật Đầu tư theo phương thức công tư (PPP) lần này, Chính phủ đề xuất tái triển khai hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) sau một thời gian tạm dừng. Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế cho rằng, chưa đủ cơ sở để luật hóa về cơ chế, trình tự, thủ tục của hợp đồng này. Câu hỏi đặt ra là: có cần thiết hồi sinh hợp đồng BT hay cái cần “hồi sinh” là trách nhiệm và hiệu quả của hệ thống đấu giá đất?

Dự án cao tốc Nha Trang - Liên Khương được đề xuất thực hiện với tổng vốn đầu tư hơn 25.000 tỉ đồng. Ảnh: TTXVN

Vì những bất cập, sai phạm, kẽ hở gây thất thoát tài sản công trong các dự án “đổi đất lấy hạ tầng”, phương thức đầu tư BT bị tạm dừng từ đầu năm 2021 - thời điểm Luật PPP có hiệu lực và loại hợp đồng BT không được quy định trong luật này.

Sửa đổi Luật PPP lần này, Chính phủ đề xuất “hồi sinh” hợp đồng BT với các quy định cụ thể về hình thức thanh toán (bằng tiền, bằng quỹ đất) và cơ chế hợp đồng. Nhiều lý do được dẫn ra, trong đó lý do quan trọng nhất là, các dự án BT được thực hiện trước đây (trước khi Luật PPP có hiệu lực và “khai tử” loại hợp đồng này) đã có đóng góp nhất định trong việc hoàn thiện hạ tầng ở nhiều địa phương. Các dự án đối ứng cũng góp phần đáng kể trong quá trình hình thành các đô thị, khu dân cư mới.

Bên cạnh đó, Quốc hội đang cho phép TPHCM, Hà Nội và Nghệ An thí điểm triển khai hợp đồng BT, mặc dù cách làm hiện nay vẫn chưa thống nhất giữa các địa phương. Trong khi đó, việc huy động nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước ngày càng khó khăn, không đáp ứng được nhu cầu phát triển hạ tầng tăng mạnh. Vì thế, đòi hỏi phải tranh thủ tối đa nguồn vốn tư nhân - thông qua hình thức hợp đồng BT - để giảm áp lực cho đầu tư công.

Trong tờ trình dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật PPP và Luật Đấu thầu (sau đây gọi là dự thảo Luật) gửi Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Chính phủ cho biết đã “đổi mới toàn diện” cách thực hiện và thanh toán cho nhà đầu tư, khắc phục tối đa các bất cập trong thực hiện hợp đồng BT. Theo đó, với hợp đồng BT thanh toán bằng quỹ đất, cơ quan có thẩm quyền căn cứ quy hoạch để xác định công trình dự án BT và quỹ đất dự kiến thanh toán cho nhà đầu tư. Giá trị công trình dự án BT được xác định căn cứ thiết kế kỹ thuật và dự toán xây dựng công trình, làm cơ sở để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế, trong báo cáo thẩm tra, cho rằng chưa đủ cơ sở để luật hóa hợp đồng BT tại dự thảo Luật PPP này. Theo Ủy ban Kinh tế, việc thí điểm triển khai hợp đồng BT tại TPHCM, Hà Nội và Nghệ An có nhiều nội dung khác nhau, vẫn đang trong quá trình thực hiện, chưa được tổng kết, đánh giá tác động đầy đủ, kỹ lưỡng, chưa đủ thời gian kiểm nghiệm trên thực tế. Ngoài ra, quy định về hợp đồng BT trong dự thảo Luật có sự khác biệt so với quy định tại Luật Thủ đô và các nghị quyết thí điểm hiện hành.

Một vấn đề lớn là dự thảo Luật vẫn chưa giải quyết triệt để các vấn đề nảy sinh sau khi tạm dừng triển khai hợp đồng BT thời gian qua. Cụ thể, hiệu quả của hợp đồng BT thanh toán bằng tiền vẫn chưa được làm rõ so với đầu tư công, bởi về bản chất, đây vẫn là hình thức vay vốn để thực hiện dự án. Bên cạnh đó, quy định về hợp đồng BT thanh toán bằng quỹ đất chưa làm sáng tỏ cách xử lý chênh lệch giữa giá trị công trình và giá trị đất dùng để thanh toán.

Vì vậy, để bảo đảm tính khả thi của quy định về hợp đồng BT, Ủy ban Kinh tế đề xuất giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết về cơ chế, trình tự, thủ tục của hợp đồng BT theo nguyên tắc: đổi mới toàn diện cách thực hiện và thanh toán cho nhà đầu tư, khắc phục tối đa các bất cập, hạn chế trong việc thực hiện; đồng thời, phát huy lợi thế của loại hợp đồng này và không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực. Điều này có thể hiểu, Ủy ban Kinh tế đồng ý bổ sung loại hợp đồng BT vào Luật PPP nhưng cơ chế, trình tự, thủ tục của hợp đồng này sẽ do Chính phủ quy định.

Quan điểm khác nhau giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cho thấy tương lai của dự án BT vẫn còn khá mờ mịt. Giả sử phương án của Ủy ban Kinh tế được các đại biểu Quốc hội đồng thuận, các nhà đầu tư có lẽ cũng không mặn mà với dự án BT khi mà hành lang pháp lý cho các vấn đề về hợp đồng lại chỉ ở “tầm” nghị định.

Quan trọng hơn, hiện có hai vấn đề chính cần giải đáp trước khi quyết định “hồi sinh” hợp đồng BT. Thứ nhất, huy động vốn tư nhân là cần thiết, nhưng có cách nào khác hiệu quả hơn BT không? Thứ hai, giả sử không còn cách nào khác tốt hơn thì các khía cạnh kỹ thuật pháp lý, thủ tục, trình tự thực hiện BT đã hợp lý, hợp pháp chưa?

Ở khía cạnh thứ nhất, chính sách đấu giá tài sản đất đai, từ đó mang tiền về cho ngân sách và dùng ngân sách đầu tư cho các công trình hạ tầng được đồng thuận, là phương án tối ưu hơn. Đấu giá minh bạch theo cơ chế thị trường - ai trả giá cao nhất thì “thắng”, giúp bảo đảm tính minh bạch trong quản trị công sản (đất đai là tài sản có giá nhất của đất nước), cũng như bảo đảm môi trường kinh doanh cạnh tranh và lành mạnh. Khó khăn của cách làm này là đòi hỏi cơ quan có thẩm quyền ở địa phương phải thực sự trách nhiệm, để thực hiện nhiều bước, nhiều công đoạn hơn. Trong khi đó, làm tắt theo kiểu BT có ưu điểm nhanh, gọn; nhưng BT tiềm ẩn nhiều rủi ro thất thoát tài sản, “móc ngoặc” giữa doanh nghiệp và quan chức “biến chất”, vấn đề thân hữu.

Ở khía cạnh thứ hai, những thay đổi Chính phủ đã đề xuất chỉ là thay đổi thủ tục nội bộ, tức là cách dùng “kỹ thuật” để bịt một số lỗ hổng. Loại hợp đồng BT dù cách thức chọn thầu, thanh toán chặt chẽ thế nào cũng không giúp giải quyết vấn đề cạnh tranh theo cơ chế thị trường - vốn là chìa khóa tối ưu cho hiệu quả sử dụng tài nguyên.

Tổng Bí thư Tô Lâm gần đây yêu cầu chống lãng phí. Thất thoát tài sản quốc gia là sự lãng phí vô cùng lớn. Điều này đặt ra yêu cầu cơ quan nhà nước thực thi tốt hơn nữa, trách nhiệm hơn nữa chức trách của mình trong phát triển quỹ đất công và đấu giá để thu ngân sách rồi thực hiện đầu tư công minh bạch. Do đó, có cần thực sự hồi sinh BT không, hay cái cần “hồi sinh” là trách nhiệm và hiệu quả của hệ thống đấu giá đất?

Trong bối cảnh nhu cầu phát triển hạ tầng tăng cao và ngân sách nhà nước gặp nhiều hạn chế, mô hình hợp tác công - tư như BT vẫn được các địa phương xem là một lựa chọn hấp dẫn. Tuy nhiên, nhìn từ tổng hòa lợi ích quốc gia, chọn cách khó để đạt hiệu quả tối ưu lâu dài, hay chọn cách dễ để mang lại hiệu quả nhanh trong ngắn hạn là câu hỏi lớn. Các đại biểu Quốc hội chắc chắn sẽ phải mổ xẻ kỹ lưỡng những vấn đề nêu trên trước khi đưa ra quyết định cuối cùng trong kỳ họp đang diễn ra.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới