Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

ADB: ASEAN là trụ đỡ cho tăng trưởng ở khu vực châu Á đang phát triển

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Sự phục hồi tăng trưởng ở Đông Nam Á và Nam Á sẽ bù đắp cho đà tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc và các tiểu vùng khác của khu vực châu Á đang phát triển, theo nhận định của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

ADB dự báo tăng trưởng ở khu vực châu Á đang phát triển đạt 4,9% trong năm 2024 và 2025. Ảnh: Adb.org

Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á của ADB, phát hành hôm 11-4, dự báo Đông Nam Á sẽ tăng trưởng 4,6% trong năm 2024 và 4,7% vào năm 2025, cải thiện đáng kể so với mức 4,1% của năm ngoái. Ở Nam Á, tốc độ tăng trưởng của Ấn Độ có xu hướng chậm lại so với tốc độ chóng mặt của năm ngoái nhưng dự kiến vẫn ở mức cao 7% trong năm nay. ADB nhận định, GDP của Ấn Độ sẽ tăng 7,2% vào năm 2025 nhờ tăng trưởng tiêu dùng và đầu tư trong nước.

Sự phục hồi tăng trưởng của Đông Nam Á và Nam Á, dẫn đầu là Ấn Độ, sẽ giúp duy trì động lực tăng trưởng của khu vực châu Á đang phát triển, dự kiến đạt 4,9% trong năm nay và năm 2025, chỉ giảm nhẹ so với mức 5% của năm 2023.

Việt Nam và Philippines dẫn đầu tăng trưởng ở ASEAN

Theo báo cáo của ADB, Đông Nam Á bao gồm 10 quốc gia thành viên ASEAN và Timor-Leste dự kiến ghi nhận mức tăng trưởng tăng lên nhờ nhu cầu nội địa mạnh mẽ và ngành du lịch tiếp tục phục hồi.

Đáng chú ý, trong khu vực ASEAN, Philippines và Việt Nam được dự báo sẽ có tốc độ tăng trưởng cao nhất. Cả hai nước dự kiến tăng trưởng 6% vào năm 2024 và 6,2% vào năm 2025. Tốc độ này cải thiện so với mức tăng trưởng 5,6% của Philippines và 5% đối với Việt Nam hồi năm ngoái.

Theo ADB, động lực chính của nền kinh tế Philippines đến từ ngành dịch vụ, dẫn đầu là thương mại bán lẻ và du lịch. ADB kỳ vọng nhu cầu trong nước của Philippines sẽ tăng, giúp thúc đẩy tăng trưởng giữa lúc chi tiêu của chính phủ và hộ gia đình tăng nhờ lạm phát dịu lại và chính sách tiền tệ nới lỏng.

Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam dự kiến được kích thích nhờ phục hồi trong lĩnh vực sản xuất hướng đến xuất khẩu, dịch vụ cũng như tăng trưởng ổn định của ngành nông nghiệp.

ADB cho biết thêm, các yếu tố khác hỗ trợ cho tăng trưởng của Việt Nam gồm dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và kiều hối tích cực, thặng dư thương mại bền vững, chính sách hỗ trợ tài khóa và chương trình đầu tư công đáng kể.

Tăng trưởng của Đông Nam Á sẽ bù đắp cho đà tăng trưởng yếu ớt của Trung Quốc do cơn suy thoái kéo dài của lĩnh vực bất động sản và sự phục hồi yếu sau đại dịch Covid-19.

ADB dự báo, tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ giảm xuống còn 4,8% vào năm 2024 và 4,5% vào năm 2025, từ mức 5,2% của năm ngoái. ADB cảnh báo, cơn suy thoái trên thị trường bất động sản của Trung Quốc có thể lan sang các đối tác thương mại của nước này. Ngân hàng này cho biết tình trạng giảm phát ở Trung Quốc là một rủi ro khác, vì giá xuất khẩu thấp hơn có thể gây ra tình trạng giảm phát ở nước ngoài.

Trong ngắn hạn, ADB kỳ vọng lạm phát ở Đông Nam Á sẽ dịu lại và hướng về mức mục tiêu của các ngân hàng trung ương trong khu vực. ADB dự báo lạm phát của ASEAN sẽ giảm xuống còn 3,2% vào năm 2024 và tiếp tục giảm về mức 3% vào năm 2025. Các tốc độ lạm phát này cải thiện đáng kể so mức 5,3% vào năm 2022 và 4,1% vào năm 2023.

“Lạm phát dịu lại trong khu vực là nhờ tác động chậm trễ của chính sách tiền tệ thắt chặt cuối cùng đã đến”, nhà kinh tế trưởng John Beirne của ADB, nói.

Ông lưu ý, nhiều nền kinh tế của ASEAN đã đạt đến đỉnh chu kỳ tăng lãi suất và tiến bộ trong nỗ lực cân bằng giữa việc kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phát triển. Ông ghi nhận, sự linh hoạt của thị trường lao động và sự cải thiện nguồn cung cũng góp phần làm giảm tốc độ lạm phát trên khắp Đông Nam Á.

Dù năng suất nông nghiệp suy yếu, giá lương thực tăng cao và đồng tiền mất giá vẫn có thể gây áp lực lạm phát lên các nền kinh tế trong khu vực. Báo cáo của ADB cho biết lạm phát của Lào và Myanmar dự kiến vẫn ở mức hai con số trong bối cảnh đồng tiền của họ mất giá liên tục. Đồng kíp của Lào mất một nửa giá trị so với đô la Mỹ vào năm 2022 và giảm thêm 16,3% vào năm ngoái. Trong khi đó, bất ổn chính trị ở Myanmar khiến sản xuất và nguồn cung lương thực suy giảm.

Theo ADB, tốc độ lạm phát của khu vực châu Á đang trên đà giảm. Điều này có thể đẩy nhanh quá trình nới lỏng tiền tệ, hỗ trợ triển vọng tăng trưởng của khu vực. Ảnh: Adb.org

Dễ tổn thương trước căng thẳng địa chính trị và lãi suất cao trên toàn cầu

Theo ADB, lạm phát của khu vực châu Á đang phát triển dự kiến chậm lại về mức 3,2% vào năm 2024 và tiếp tục xuống 3% vào năm 2025, giảm từ mức 3,3% vào năm 2023.

Albert Park, người phát ngôn về các vấn đề kinh tế của ADB nhận định, dù dừng tăng lãi suất, hầu hết các nền kinh tế ở khu vực sẽ tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ và điều này sẽ giúp kiểm soát lạm phát.

ADB định nghĩa khu vực châu Á đang phát triển bao gồm 46 nền kinh tế trên khắp vùng Kavkaz (khu vực địa lý nằm ở biên giới giữa châu Á và châu Âu) và Trung Á, Đông Á, Nam Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương.

ADB nhận định, lạm phát giảm tốc nhanh hơn dự kiến có thể đẩy nhanh quá trình nới lỏng tiền tệ, hỗ trợ triển vọng tăng trưởng của khu vực châu Á đang phát triển.

Albert Park, cho biết, việc kết thúc chu kỳ tăng lãi suất ở hầu hết các nền kinh tế châu Á cũng như sự phục hồi liên tục trong xuất khẩu hàng hóa sẽ hỗ trợ tăng trưởng của khu vực.

Cơn bùng nổ trí tuệ nhân tạo (AI) mang đến một động lực mạnh mẽ, thúc đẩy sự phục hồi trong ngành sản xuất chip của châu Á. ADB cho biết các nền kinh tế như Hàn Quốc có thể hưởng lợi từ nhu cầu liên quan đến AI ngày càng tăng chẳng hạn chip nhớ, cũng như các dịch vụ thử nghiệm và đóng gói chip.

Nhưng đồng thời, ADB cảnh báo các điều kiện tài chính thắt chặt hơn trên toàn cầu có thể dẫn đến lạm phát nhập khẩu ở châu Á. “Lãi suất cao trên toàn cầu sẽ vẫn là mối lo ngại đáng kể đối với các nền kinh tế trong khu vực vốn có các mức nợ cao”, báo cáo của ADB cho biết.

Dù triển vọng tăng trưởng của khu vực châu Á đang phát triển nhìn chung là tích cực, báo cáo nhấn mạnh tính dễ bị tổn thương trước căng thẳng địa chính trị có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng và gây ra áp lực lạm phát thông qua các cú sốc giá hàng hóa.

Một yếu tố không chắc chắn khác là chính sách của các ngân hàng trung ương lớn, đặc biệt là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Các nhà hoạch định chính sách ở châu Á đang theo dõi chặt chẽ các manh mối về thời điểm giảm lãi suất của Fed vì động thái này sẽ tác động dây chuyền đến tâm lý nhà đầu tư và tỷ giá hối đoái.

 Theo Business Times, WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới