Thứ Hai, 7/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng của Việt Nam là 6%

Gia Nghi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Ngày 25-9, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á tháng 9, vẫn giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 6% trong năm 2024 và đạt 6,2% trong năm 2025.

ADB nhận xét sự phục hồi ổn định của nền kinh tế Việt Nam là kết quả của sản xuất công nghiệp cải thiện và thương mại gia tăng mạnh mẽ. Ảnh: TL

Tại buổi họp báo, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam Shantanu Chakraborty, đánh giá nền kinh tế Việt Nam đã có một sự phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2024, với mức tăng trưởng ấn tượng, 6,4%. Đà tăng trưởng này sẽ duy trì ổn định, được thúc đẩy bởi sự phục hồi của sản xuất công nghiệp và thương mại, bất chấp những biến động toàn cầu, TTXVN đưa tin.

Phát biểu tại cuộc họp, chuyên gia kinh tế trưởng ADB Nguyễn Bá Hùng cho biết, ngành công nghiệp, đặc biệt là xuất khẩu các sản phẩm điện tử vẫn là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, sự phục hồi của các ngành dịch vụ và ổn định của ngành nông nghiệp cũng góp phần đáng kể.

Nhằm duy trì đà tăng trưởng, Việt Nam nên tiếp tục thực hiện mở rộng chính sách tài khóa và tăng đầu tư công. Việc thắt chặt tín dụng đối với thị trường bất động sản sẽ gây ra nhiều khó khăn cho người tiêu dùng trong nước. Do đó, Chính phủ cần có những giải pháp đồng bộ để giải quyết vấn đề này.

Ngoài ra, ngân hàng này cũng dự báo lạm phát sẽ được duy trì ở mức ổn định 4% trong năm nay và năm tới, mặc dù có những biến động giá cả do các yếu tố địa chính trị trên thế giới.

Báo cáo của Ngân hàng ADB cũng cảnh báo về những rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, như căng thẳng địa chính trị leo thang và chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng.

Những yếu tố này có thể làm giảm nhu cầu đối với hàng xuất khẩu trong nước, gây áp lực lên sản xuất và việc làm. Vì vậy, Việt Nam cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh và đẩy mạnh đổi mới sáng tạo.

Cùng với đó, Việt Nam cần một chính sách kinh tế vĩ mô linh hoạt, kết hợp hài hòa giữa các công cụ tiền tệ và tài khóa. Việc hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thúc đẩy tiêu dùng nội địa và điều hành linh hoạt tỷ giá là những biện pháp quan trọng cần được tiếp tục triển khai.

Ông Shantanu Chakraborty cho rằng, mặc dù bão Yagi gây ra thiệt hại đáng kể nhưng đây cũng là cơ hội để các địa phương tái thiết và phát triển. Để tận dụng cơ hội này, Chính phủ cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các chính sách hỗ trợ. Việc giải ngân vốn đầu tư công thường được đẩy mạnh vào cuối năm và là động lực chính để thúc đẩy nền kinh tế năm nay.

Sau những kết quả khả quan trong nửa đầu năm, Chính phủ đã điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng lên 7%, cao hơn mục tiêu Quốc hội giao là 6-6,5%. Trong khi đó, nhiều tổ chức tài chính quốc tế như IMF, ADB, WB, UOB đang dự báo tăng trưởng Việt Nam năm nay đạt 5,9-6%.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới