Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, bên cạnh các hoạt động đồng hành tạo thêm nhiều giá trị mới đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng, điều quan trọng là doanh nghiệp cần cân nhắc để có chiến lược đầu tư chọn lọc, chuẩn bị cho tương lai. AEON Việt Nam đã và đang tiếp tục triển khai các kế hoạch như phát triển sản phẩm nhãn hàng riêng, kênh thương mại điện tử và mở rộng địa điểm kinh doanh nhằm mang đến những giá trị mới cho khách hàng trong thời gian tới.
Người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu
Là người “nghiện” thời trang, trước đây, chị Hồ Thu Hà ở quận Tân Bình (TPHCM) hễ thấy chiếc váy, đôi giày, mắt kính hợp mắt là xuống tiền mua sắm ngay không do dự. Không những thế, chị cũng thường chọn mua quần áo từ các thương hiệu lớn nước ngoài cho chồng và hai con nhỏ... Thế nhưng, tình hình nay đã khác, chị giảm hẳn tần suất đến các trung tâm thương mại (TTTM) vào mỗi cuối tuần. Việc mua sắm các sản phẩm hàng hóa không thiết yếu cũng hạn chế tối đa.
Còn chị Nguyễn Ngọc Lan, công nhân công ty may ở Bình Tân, cho hay trước đây, chị tốn khoảng 500.000 đồng đi chợ hàng tuần nhưng nay cũng cùng số tiền, chỉ 4 ngày là hết sạch đồ ăn. Từ cuối năm ngoái công ty ít việc, chị không còn tăng ca như trước nên thu nhập giảm.
Chị Thu Hà và chị Ngọc Lan không phải là 2 người tiêu dùng hiếm hoi đang thắt chặt hầu bao.Trong bối cảnh cầu thế giới sụt giảm, lạm phát tăng cao, người lao động mất việc, giảm giờ làm và giảm thu nhập thì việc “thắt lưng buộc bụng” đang xảy ra với hầu hết người tiêu dùng cả nước.
Khảo sát của PwC gần đây cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam đang thận trọng hơn với thói quen chi tiêu. 62% người tiêu dùng có xu hướng cắt giảm những khoản chi tiêu không cần thiết do quan ngại về giá cả gia tăng;13% người tiêu dùng Việt dự định cắt giảm chi tiêu mặt hàng tạp hóa và thực phẩm…
Theo ông Furusawa Yasuyuki, Thành viên Ban giám đốc Điều hành phụ trách thị trường Việt Nam, kiêm Tổng giám đốc AEON Việt Nam, trước đây do ảnh hưởng của Covid, người tiêu dùng giảm tần suất mua hàng nhưng số lượng hàng hóa cho mỗi lần mua tăng lên. Tuy nhiên, với tình hình hiện tại khó khăn kinh tế, sụt giảm xuất khẩu dẫn đến nhiều người lao động mất việc làm, giảm thu nhập…
Dù trong bối cảnh khó khăn, đại diện AEON vẫn nhận thấy đây là cơ hội khi doanh nghiệp có thể đồng hành và đáp ứng sự thay đổi trong nhu cầu của khách hàng.
AEON Việt Nam kỳ vọng, sức mua sẽ dần tăng khi đến mùa hè, giai đoạn kích cầu quan trọng chỉ sau tết do học sinh nghỉ hè, nhu cầu du lịch, các hoạt động thể thao tăng mạnh, sức mua tập trung với các nhóm sản phẩm nước giải khát, đồ dùng vệ sinh cá nhân… Sức mua sẽ tiếp tục tăng vào quí 4 khi vào mùa đông có nhiều ngày lễ hội, tết nguyên đán với nhiều hoạt động góp phần kích cầu tiêu dùng.
AEON Việt Nam chia sẻ cùng người tiêu dùng
Trong giai đoạn này, các mặt hàng thiết yếu sẽ được khách hàng lựa chọn nhiều nên AEON đã và đang nỗ lực giữ ổn định giá đối với các mặt hàng này. “Chúng tôi tiếp tục duy trì và đẩy mạnh chương trình Everyday Low Price (Giá tốt, giá thấp mỗi ngày) để mang đến các sản phẩm thiết yếu cho người tiêu dùng với mức giá phù hợp và tiết kiệm”, ông Furusawa cho biết.
Ngoài ra, AEON Việt Nam cũng chủ động phối hợp với nhà cung cấp trong nước để đưa ra các sản phẩm chất lượng nhưng có giá thật tốt và cạnh tranh nhằm hỗ trợ người tiêu dùng trong tình hình khó khăn hiện nay. Theo đó, nhiều chương trình khuyến mãi phối hợp với nhà cung cấp, không chỉ giảm giá, ưu đãi cao mà còn tặng thêm quà (mua 1 tặng 1, mua 2 tặng 1…) hoặc các ưu đãi cộng gộp khi khách hàng mua số lượng nhiều hoặc thanh toán qua các hình thức thanh toán không tiền mặt, mua hàng qua các ứng dụng của đối tác AEON đang được áp dụng.
Không chỉ thế, với triết lý kinh doanh “Tất cả vì Khách hàng" và cam kết mang lại cho Khách hàng sự an tâm và thoải mái trong cuộc sống hằng ngày”, AEON Việt Nam luôn tích cực đưa ra các giải pháp, kịp thời đáp ứng nhu cầu và kỳ vọng của Khách hàng dù trong hoàn cảnh nào.
Chuẩn bị cho sự phục hồi và phát triển trong giai đoạn tới
Đại diện AEON Việt Nam nhận định, với những tiềm năng của thị trường bán lẻ Việt Nam, doanh nghiệp sẽ tiếp tục thúc đẩy các kế hoạch đầu tư một cách chọn lọc để chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo.
Trong số các kế hoạch này, điển hình là kế hoạch phát triển sản phẩm nhãn hàng riêng được sản xuất tại Việt Nam theo tiêu chuẩn của AEON; tăng cường chuyển đổi số từ kênh thương mại điện tử, hệ thống tích điểm chung đến thanh toán không tiền mặt/ tiền điện tử; đồng thời không ngừng mở rộng địa điểm kinh doanh.