Ai bảo kinh doanh không cần lãng mạn!
![]() |
Từ trái qua: ông Trần Minh Tâm - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xây dựng Thương mại TTT, ông Lê Chí Hiếu - Tổng giám đốc Thuduc House, ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó chủ tịch SOCO Vietnam , ông Lê Bá Thông - Tổng giám đốc TTT - Ảnh: HỮU THẮNG |
(TBKTSG Online) - Bạn cho rằng âm nhạc và kinh doanh là hai mảng đối lập? Thế thì hãy nghe chia sẻ của những "doanh nhân hát": âm nhạc là một phần đời song hành cùng kinh doanh.
>> Đưa "Doanh nhân hát" đến với sinh viên kiến trúc
>> Đêm Doanh nhân hát - những điều bất ngờ thú vị
Các doanh nhân có niềm đam mê âm nhạc tham gia buổi giao lưu trực tuyến là ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó chủ tịch SOCO Vietnam, ông Lê Chí Hiếu - Tổng giám đốc Thuduc House, ông Trần Minh Tâm - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xây dựng Thương mại TTT, ông Lê Bá Thông - Tổng giám đốc TTT.
Ngọc Diễm: Là những người rất bận rộn, các anh đã học chơi nhạc cụ từ khi nào và niềm say mê văn nghệ của các anh có từ khi đã thành công, hay từ khi còn là sinh viên?
Ông Lê Bá Thông: Việc học chơi nhạc cụ và niềm say mê âm nhạc đã hình thành và nuôi dưỡng từ thời còn rất bé và như những câu Thông đã trả lời là mình đã mang theo nó đến bây giờ và mong là được mang theo mãi.
Le Vy: Xin anh Thông cho biết, khi anh hát những bản tình ca, anh có cho rằng lúc đó mình đang hát cho "những mối tình" của mình và anh nghĩ gì về tình yêu của sinh viên thời nay?
Ông Lê Bá Thông: Câu này "ác" quá nhe! Trả lời làm sao đây? Vậy nhé: chắc chắn để bài hát được đậm đà tình cảm thì người xử lý phải gửi hồn bài hát cho một tình cảm chân thành nhất của mình... và như vậy không có tình cảm chân thành nào hơn chính tình cảm từ trái tim mình, tình cảm thật.
Mỗi thời đại sẽ có cách biểu hiện tình yêu khác nhau, các bạn hiện đại hơn nên cách biểu hiện cũng hiện đại hơn, nhưng chắc chắn mọi thời kỳ sẽ cùng có một điểm chung: yêu chân thành sẽ xuất phát từ trái TIM.
Bảo Ngọc: Anh có học sáng tác không? Duyên cớ nào khiến anh sáng tác ca khúc? Sáng tác nhạc có khó không? Những chủ đề lớn trong các sáng tác của anh là gì? Hiện anh vẫn đang sáng tác?
Ông Lê Chí Hiếu: Tôi sáng tác ca khúc đầu tiên năm 1977 khi còn là sinh viên của trường Đại học Kinh tế (khóa 1). Đến nay tôi đã viết gần 20 ca khúc. Hầu hết các sáng tác của tôi nói về sinh viên, tình yêu, tình quê hương, phong trào Đoàn. Vài ca khúc tôi viết cho vợ tôi, bạn tôi, công ty của tôi. Tôi chưa được học sáng tác chính quy bao giờ. Nhưng hiện nay tôi là hội viên của Hội Âm Nhạc TP HCM.
Bài hát mới nhất của tôi là bài "Ra khơi" do ca sĩ Quang Dũng thể hiện. Tôi sẽ tiếp tục sáng tác vì đó cũng là trách nhiệm của một hội viên Hội Âm Nhạc.
Mai Nguyen: Có bao giờ những "lời thơ, ý nhạc" giúp các anh có ý tưởng trong công tác quản lý, điều hành, thiết kế, đàm phán với đối tác? Nếu có xin các anh chia sẻ những "lời thơ, ý nhạc" để giới trẻ (ngành kiến trúc, xây dựng, mỹ thuật) được học hỏi?
Ông Trần Minh Tâm: Âm nhạc dễ làm người ta gần nhau. Có lần tôi gặp khó khăn khi phải đàm phán một dự án với một đối tác quá "rắn", nhưng tình cờ phát hiện ra cả hai cùng thích nghe guitar cổ điển, chúng tôi tán dóc với nhau nhiều giờ, toàn chuyện âm nhạc. Ngày hôm sau, khi tiếp tục chuyện đàm phán, tự nhiên mọi thứ dễ dàng hơn nhiều, sau đó chúng tôi trở thành bạn và chuyện làm ăn vô cùng thuận lợi.
Còn chuyện "bà con" giữa âm nhạc và các ngành nghệ thuật khác (kiến trúc, mỹ thuật) thì chắc phải viết một luận án dài mới nói hết. Tôi hay dùng những từ ngữ của âm nhạc - nhịp điệu, tiết tấu, cao trào..., để diễn tả ý tưởng kiến trúc (thí dụ tiết tấu của mặt tiền này còn đơn điệu...) , và những từ ngữ của hội họa - mảng khối, bố cục, màu sắc... để nói về chuyện âm nhạc (thí dụ giai điệu của bài hát thiếu màu sắc, bố cục của phần phối khí không mạch lạc...)
Phuong Thao: Nếu trong cùng một buổi tối, giữa một show diễn văn nghệ hấp dẫn của giới doanh nhân và một cuộc giao lưu mở rộng quan hệ làm ăn, anh sẽ chọn tham dự cuộc nào?
Ông Lê Chí Hiếu: Nếu chỉ là một cuộc giao lưu mở rộng quan hệ làm ăn bình thường, tôi sẽ cử người phó của tôi đi thay vì tôi thích xem văn nghệ của giới doanh nhân hơn. Hơn nữa ở đấy tôi vẫn có thể mở rộng quan hệ với họ qua những sinh hoạt hấp dẫn, và có khi nó lại có hiệu quả hơn một phiên họp bình thường.
Bảo Ngọc: Chất lãng mạn trong mỗi người có thể sẽ bị mất dần vì vòng xoáy của cuộc làm ăn. Em nghĩ nó không tự nhiên tồn tại mãi mà phải có ý thức nuôi dưỡng. Nuôi dưỡng cách nào đây? Điều này có thực tế không trong thời đại hiện nay?
Ông Lê Bá Thông: "Chất lãng mạn trong mỗi người có thể sẽ bị mất dần vì vòng xoáy của cuộc làm ăn... " lúc bắt đầu ra làm ăn mình cũng nghĩ vậy, nhưng đến bây giờ (sau 16 năm) nhìn lại và nhìn các bậc đàn anh mình thấy không phải vậy. Bằng chứng cụ thể là các bạn đang giao lưu với các anh rất lãng mạn nhưng cũng đã rất thành công trong thương trường đấy chứ (bạn hỏi thử anh Chí Hiếu và anh Hoàng Hải câu này xem sao).
Đúng là phải nuôi dưỡng nó em ạ. Theo anh, muốn nuôi dưỡng phải có hai điều kiện: một là phải có ý chí để tự nuôi, hai là phải có môi trường, chính các anh trong nhóm Doanh nhân hát cũng đang tạo ra môi trường nuôi dưỡng cho mình đấy chứ.
Ngọc Xuân: Anh có nghĩ lãnh đạo doanh nghiệp lớn thì mới có điều kiện hát hò, còn người điều hành doanh nghiệp không nên dành thời gian cho việc vui chơi này?
Ông Nguyễn Hoàng Hải: Tôi không đồng ý với bạn về nhận định này, cả lãnh đạo doanh nghiệp lớn cũng như người điều hành doanh nghiệp đều là con người, đều có những rung động. Vấn đề là, nếu bạn muốn là bạn thì phải cố gắng làm theo mong muốn của mình bởi vì bạn sẽ còn mấy chục năm trước mặt để sống và chọn lựa cách làm việc, liệu bạn có muốn mãi bị dẫn dắt bởi ý muốn của người khác?
Minh Nhật: Những lúc giá cổ phiếu TDH rớt nghiêm trọng, văn nghệ giúp ích gì cho anh?
Ông Lê Chí Hiếu: Cổ phiếu rớt giá là do thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới. Trong lúc này, người lãnh đạo đơn vị cần tỉnh táo nhận định tình huống, thu thập thông tin, dự đoán khả năng nguy cơ, từ đó xây dựng được chiến lược và chiến thuật kinh doanh đầu tư hợp lý. Điều này đòi hỏi bên cạnh năng lực chuyên môn, kinh nghiệm tích lũy, người thuyền trưởng còn cần có một tầm nhìn xa và một bản lĩnh vững vàng để có thể đưa con thuyền của mình vượt qua sóng dữ. Âm nhạc chính là thứ tốt nhất giúp cho con người cân bằng lại trí não và tâm hồn của mình, điều chỉnh lại những sự lệch pha do cuộc sống căng thẳng gây ra và giúp chúng ta nhìn sâu hơn với trực giác nhạy bén hơn.
Bảo Ngọc: Vì sao các anh lại giao lưu với sinh viên trường kiến trúc mà không phải là trường khác? Các anh sẽ đến các trường khác không?
Ông Nguyễn Hoàng Hải: Sẽ đến các trường khác nữa chứ, trường kiến trúc là đầu tiên bởi vì nhiều thành viên trong nhóm Doanh nhân hát đã là sinh viên kiến trúc mấy chục năm trước. Bạn từ trường nào?
Pham Hoang Mai: Chào chú Thông. Chú nói rằng tình yêu ca hát đã giúp chú trở thành doanh nhân; đó là một câu trả lời khá ấn tượng dễ khiến bọn trẻ con như cháu "mê". Nếu được, xin chú phân tích kỹ hơn... bởi vì như chú nói, bè bạn và các mối quan hệ là hai yếu tố đưa tới thành công trong thương trường; nhưng cháu thấy chưa thuyết phục lắm. Ai đó có nói rằng, hãy sống với bạn bè bằng trái tim và làm ăn với bạn bằng cái đầu tỉnh táo. Liệu chú có vì đối tác cũng yêu ca hát mà "châm chước" trong làm ăn không chú?
Ông Lê Bá Thông: Trong câu hỏi của bạn có hai phần. Thông xin trả lời từng phần nhé.
1. " ... bè bạn và các mối quan hệ là hai yếu tố đưa tới thành công trong thương trường; nhưng cháu thấy chưa thuyết phục lắm ... " câu này không phải Thông "phát minh" đâu! Ông bà mình nói đó: "Giàu nhờ bạn...". Ông bà mình đã đúc kết chắc là sẽ không sai. Thực tiễn hiện nay đang chứng minh hùng hồn cho chuyện này... mà còn hơn thế nữa việc kết bạn không chỉ hạn hẹp trong chuyện phải bắt tay, phải nhậu chung... mà còn có rất nhiều "bạn hàng" qua mạng... công nghệ đang làm thay đổi và mở rộng nhiều khái niệm bạn ạ.
2. Làm ăn thì phải có lãi, nhưng mỗi người định nghĩa chữ "lãi" đó có khi khác nhau. Có người cho rằng 100% lãi phải quy ra tiền, nhưng cũng có người xem mình thu được lãi với những hình thức khác nữa... và như vậy "châm chước" một tí để có lãi tình bạn thì tại sao mình không làm? Nhưng không được "lỗ" nhé !!!
Khoa Nguyen: Anh có nói tâm hồn văn nghệ sẽ giúp công việc đạt kết quả tốt hơn vì tránh được tư duy đơn điệu. Liệu có khi nào chất nghệ sĩ phá vỡ những nguyên tắc kinh doanh va gây ra hệ quả không mong muốn?
Ông Nguyễn Hoàng Hải: Kỹ nghệ điện tử từ thập niên 80 đã phá vỡ những hình ảnh chuẩn mực của sự thành công như là sếp lớn phải có một bàn làm việc khổng lồ, phải đóng bộ veston, thắt cà vạt, phải ăn nói chừng mực, trầm tĩnh, đi xe ô tô bóng loáng... Thay vào đó là một Bill Gates hoặc ông chủ Apple-Steve Jobs phóng khoáng với quần jeans và làm việc không có một thời khóa biểu cố định. Như thế thì tính chất nghệ sĩ chỉ có tốt mà thôi! Ở thời đại toàn cầu hóa này, chúng ta cần phải vượt qua những đơn điệu, làm hết mình, tới nơi tới chốn, vắt kiệt chất xám thì chắc sẽ thành công.
Hải Triều: Nếu trong cùng một buổi tối, giữa một buổi diễn văn nghệ hấp dẫn của giới doanh nhân và một buổi giao lưu, tìm kiếm đối tác làm ăn, anh sẽ chọn tham dự cuộc nào?
Ông Trần Minh Tâm: Câu hỏi hơi khó trả lời! Chắc là tôi sẽ chọn cái buổi... mà bà xã tôi đồng ý tham dự :-)Trong thực tế thì qua các buổi vui chơi văn nghệ, tôi lại được tiếp xúc và giao lưu với rất nhiều nhân vật thú vị, mà nhiều người sau này trở thành đối tác làm ăn hoặc khách hàng của tôi. Và cũng không ít lần tham dự các buổi giao lưu cho chuyện làm ăn, tôi lại "bị" mời lên biểu diễn văn nghệ.
Phong Lan: Để có được sự chuyên nghiệp trong trình diễn và chơi nhạc cụ như vậy, tôi nghĩ các anh cũng phải đầu tư không ít thời gian và công sức. Vậy âm nhạc có đóng góp bao nhiêu phần trăm trong sự thành công của các anh?
Ông Lê Bá Thông: Câu hỏi này của bạn "ác" quá!!! Thông xin trả lời như vầy nhé:
1. Chắc chắn âm nhạc đang ảnh hưởng đến sự thành công của công ty và của bản thân Thông. Nhưng... khó đo lường quá, khó đánh giá phần trăm quá!!!
2. Âm nhạc là cứu cánh cho những lúc thất bại nữa. Đối với Thông, điều thứ hai còn quan trọng hơn nhiều so với điều thứ nhất bạn ạ.
Tram: Kinh doanh có lúc thuận lợi, có lúc khó khăn. Anh thường hát bài gì để động viên mình những lúc cần vượt qua khó khăn?
Ông Lê Chí Hiếu: Hơn 35 năm trước, khi mới ra trường làm việc được vài năm, tình hình đất nước rất khó khăn, bao nhiêu hoài bão, tâm huyết của tôi bỗng dưng bị hụt hẫng nặng nề. Lúc đó tôi sáng tác bài hát "Trò chuyện" để tự hát cho mình nghe, và trái tim tôi dịu lại, tôi lại đứng lên, vượt qua mọi khó khăn để sống và làm việc. Mãi sau này, khi có tâm trạng nặng nề, tôi lại hát bài hát đó để động viên mình. Bạn bè nghe được cũng thích, và bây giờ, ngay những lúc rất vui, bạn bè vẫn yêu cầu tôi hát bài đó.
Lời bài hát như sau: "Ta nói chuyện cùng nhau, nào trái tim trăn trở. Trên đường đời quanh co, gian khó tim ơi. Chớ nhụt bước bao giờ, tim hãy tin rằng. Giữa bụi gai khô, sẽ mọc lên một đóa hồng. Ôi trái tim ta có bao giờ, có bao giờ, có bao giờ thôi máu chảy? Có bao giờ, có bao giờ thôi đau vì tình yêu nồng cháy? Nào hãy tin, hãy tin hỡi tim. Vì đóa hoa giữa bụi gai khô. Nào sống đi, sống đi hỡi tim, hãy nở hoa dẫu đời gai khô." Tối thứ Bảy tôi sẽ hát bài này tại buổi giao lưu với sinh viên ĐH Kiến trúc. Mời bạn đến xem.
Lê Tú: Kinh doanh và hoạt động văn nghệ dường như rất khác. Xin hỏi anh Tâm làm thế nào để vừa thành công trong việc kinh doanh nhiều toan tính vừa bay bổng thăng hoa cùng nghệ thuật. Có lúc nào làm nghệ thuật cũng là kinh doanh không anh?
Ông Trần Minh Tâm: Ai bảo rằng kinh doanh là không thăng hoa? Khi doanh nhân đưa ra được một chiêu thức kinh doanh độc đáo thì cũng bay bổng thú vị không kém một nhạc sĩ sáng tác bài hát hay.Và ai bảo rằng chơi văn nghệ là không có tính toán? Một bài hát muốn được thành công khi biểu diễn phải trải qua nhiều công đoạn đầy sự tính toán - nhạc sĩ sáng tác phải tính sao cho khúc thức âm nhạc hài hòa, cân-đo-đong-đếm từng lời từng chữ; đến người phối khí cũng phải tính toán chặt chẽ về điệu thức, hòa âm, về nhạc cụ sao cho hài hòa; đến phần ca sĩ biểu diễn cũng phải tính toán chỗ nào cao trào, chỗ nào trầm lắng, sử dụng "xì-tai" nào để tạo phong cách độc đáo cho mình. Tôi thấy cả hai lãnh vực đều đòi hỏi sự say mê, sự am hiểu tinh tường, và rèn luyện kỹ năng liên tục.
Võ Minh Duy: Anh Tâm ơi, em từng nghe doanh nhân hát tại quán cà phê của ca sĩ Cao Minh. Một doanh nhân trông rất nghệ sĩ đã hát mà nếu không ai nói cho em biết thì em ngỡ là ca sĩ thứ thiệt. Em nghĩ anh cũng vậy. Tuy nhiên, em lại mê cải lương, liệu sau nay ra trường đi làm kinh doanh, nếu hát hay cải lương, không biết có tốt gì cho em không nữa, anh chỉ giáo giúp em nhé!
Ông Trần Minh Tâm: Biết được món nào là tốt món đó, dù là cải lương, hát chèo hay thậm chí là tấu hài, không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc. Tôi cũng khoái nghe vọng cổ, nhưng vì rằng cái giọng tôi không "mùi" nên tôi chưa dám hát cải lương bao giờ. Trong các buổi "bù khú" của tôi với bạn bè, những người biết hát vọng cổ hay nhạc sến (chúng tôi gọi là nhạc "não tình") luôn là những giọng ca đắt giá. "Nghề" hát cải lương sẽ là phương tiện rất tốt để bạn giao tiếp với đối tác kinh doanh hay đồng nghiệp trong môi trường kinh doanh. Chúc giọng ca của bạn ngày càng mùi mẫn.
Diệu Nga: Xin hỏi anh Hải, có phải tham gia các hoạt động văn nghệ cũng chính là chiêu anh quảng bá hình ảnh của mình không? Đến nay anh cảm nhận thế nào về những khó khăn thuận lợi của việc này đối với anh?
Ông Nguyễn Hoàng Hải: Nếu là nghệ sĩ, ai lại không muốn người ta biết đến mình. Điều trước tiên là mình cần tỉnh táo để biết khả năng của mình, không để bị ảnh hưởng bởi những lời tâng bốc, bởi những hình ảnh mượt mà người ta dành tặng mình. Không nhất thiết cần quảng bá mình ở tuổi này, nhưng muốn chia sẻ những rung động, kinh nghiệm của mình, có lẽ đó là mục tiêu chính. Ở đây tôi muốn các bạn hiểu rằng âm nhạc là một phần đời của tôi và song hành trong việc kinh doanh. Ngày xưa, nếu tôi được tự do chọn lựa thì tôi muốn thành một tay guitar cổ điển nổi tiếng chứ không phải một doanh nhân, vì thế tất cả mọi chuyện tôi làm đều có ảnh hưởng của sự hoàn mỹ từ âm nhạc. Khó khăn hay thuận lợi thì phải chấp nhận mà thôi và cũng may là thuận lợi nhiều hơn khó khăn.
Hoang Long: Gia đình có ủng hộ các anh trong quá trình theo đuổi đam mê ca hát hay không? Theo tôi biết công việc của các anh rất bận rộn, lại thêm một phần thời gian dành cho âm nhạc, vậy có lẽ thời gian dành cho gia đình không nhiều, anh làm thế nào để cân bằng cả 3 việc này?
Ông Lê Chí Hiếu: Cả gia đình tôi đều rất mê ca hát, dĩ nhiên là không ai phản đối việc tôi sáng tác ca khúc và tham gia hoạt động âm nhạc. Tuy nhiên, để cân bằng được thời gian dành cho công việc, gia đình và âm nhạc tôi cũng phải đặt ra thứ tự ưu tiên cho từng việc. Cụ thể là việc gì khẩn cấp hơn thì làm trước, việc gì "hẹn lại được" thì làm sau. Nếu việc nào cũng khẩn cấp cả thì tôi sẽ chọn gia đình là ưu tiên hàng đầu. Và dĩ nhiên có lúc cũng không tránh được tình trạng "kẹt xe", việc gì cũng khẩn mà không biết chọn cái nào, bỏ cái nào. Lúc đó thì đành hy sinh, chịu phạt vi cảnh vì nhiều khi phải vượt đèn đỏ chạy đại rồi tính sau. Có một điều tôi muốn chia sẻ với bạn là tôi đã nghiệm ra rằng muốn cân bằng được mọi thứ trong cuộc sống quay cuồng này, bạn phải giữ được sự cân bằng trong tâm bạn trước đã.
Mai Nguyen: Các anh từng xác định "hát để thư giãn, giao lưu, giải tỏa căng thẳng..." nhưng sau mỗi cuộc vui sự căng thẳng vẫn còn thì liệu có cách nào để các anh tiếp tục "vượt qua chính mình", không lẽ lại tiếp tục hát?
Ông Lê Bá Thông: Đúng rồi " ... lại tiếp tục hát ... " bạn ạ. Những ngày đi làm về thật căng thẳng, mình giải quyết bằng việc: ôm đàn ngồi hát một mình. Hát lúc đó như "thiền" vậy, nó sẽ làm cho mình giảm căng thẳng, bình an... rồi sẽ sáng suốt hơn. Tin Thông đi, bạn hãy làm thử nhé!
Thiên Thanh: Xin cho biết, nếu là doanh nhân nhưng không có tâm hồn nghệ sĩ, không thích ca hát thì có thiệt hại gì không? Người ta thường nói "Thời giờ là vàng bạc" nhất là đối với giới kinh doanh, cho nên, có người không thích "lãng phí" thời gian vào chuyện khác mà chỉ tập trung làm ra tiền. Xin hãy phân tích lợi hại của quan niệm này?
Ông Lê Chí Hiếu: Tôi thường nghĩ âm nhạc cần cho cuộc sống như nhịp đập cần cho trái tim. Nếu bạn sống mà chỉ biết làm và biết ăn, thì bạn sống không trọn vẹn, nói cách khác, bạn đã làm nghèo cuộc sống của bạn dù bạn có rất nhiều tiền. Nhưng tôi tin rằng trên đời này không có ai mà không bao giờ tự hát cho mình nghe một câu nào dù chỉ là trong tâm tưởng.
Hoang Anh: Tôi thấy các doanh nhân thường phải làm việc trên bàn tiệc rất nhiều và hình như ai cũng thích nhậu. Vậy giữa ca hát và nhậu, các vị thích cái nào hơn nếu thời gian không có phép thỏa mãn hai thứ cùng một lúc? Vì sao?
Ông Trần Minh Tâm: Trên bàn nhậu, nếu đang hứng muốn hát hò mà có được cây guitar thì quá tốt, nếu không thì chỉ cần vài cây đũa gõ nhịp là có thể làm "show" được ngay. Thế thì tại sao phải lựa chọn khi mà chúng ta có thể thỏa mãn cả hai thứ cùng lúc một cách dễ dàng?! Xin nói nhỏ là phần lớn những cuộc hát hò của tôi và bạn bè đều có... nhậu.
Lê Tú: Anh Hoàng Hải vui lòng chia sẻ những tâm sự của mình về buổi đầu bước vào con đường kinh doanh và bí quyết để giữ ngọn lửa âm nhạc song hành cùng việc kinh doanh thành công như ngày hôm nay.
Ông Nguyễn Hoàng Hải: Tôi là một tay guitar cổ điển, nhà tôi nói là có một bài mà đánh hết ngày này qua ngày khác, bộ không chán sao, tôi trả lời: Làm doanh nhân cuối cùng cũng quy về chuyện tài chính, người ta có chán đâu! Vấn đề là làm cho tốt hơn, hiệu quả hơn, đẹp hơn cho mình, cho tha nhân, như vậy là thành công rồi. Tôi muốn nói, cả hành trình từ lúc ngồi ghế trung học đến đại học đến ngồi ghế của doanh nhân, cây đàn guitar lúc nào cũng theo tôi và đó là những lúc tôi có thể tìm được những khuây khỏa, giải tỏa những căng thẳng trong cuộc đời. Tôi cũng muốn nói, sự mong muốn hoàn hảo hơn, bóng bẩy hơn, lả lướt hơn trong âm nhạc cũng khiến con người tôi phải áp dụng những đặc tính đó trong kinh doanh. Cùng một kết quả, nhưng tôi muốn cách làm của tôi sẽ có tính chất hoàn mỹ hơn, thánh thiện hơn, công bằng hơn. Đó là những ảnh hưởng của âm nhạc vào đời sống doanh nhân của tôi.
Trong những bước đầu của việc kinh doanh trong ngành dầu khí, ý tưởng của tôi rất đơn giản nhưng tự tin: tại sao người Đại Hàn, người phương Tây, người Ý... người ngoại quốc đến Việt Nam đầu tư/kinh doanh trong ngành thăm dò khai thác dầu khí và tôi là người gốc Việt Nam hơn hai chục năm kinh nghiệm trong ngành nghề mà không làm được. Nó cũng giống như một bài nhạc cổ điển được nhiều tay guitar đánh mà thôi. Nhưng tôi có thể làm tốt hơn họ vì tôi còn nói được tiếng Việt. Kết quả là sau 14 năm làm việc ở Việt Nam, công ty bắt đầu sản xuất dầu thô vào đầu tháng 8 năm nay. Như vậy, bạn phải kiên trì, tự tin và dấn thân.
Võ Minh Duy: Tôi là sinh viên trường Đại học Công nghiệp TPHCM, tôi từng đọc báo và biết anh Thông, công ty TTT qua một số bài viết của anh về kiến trúc rất sâu sắc. Bây giờ tôi biết thêm anh có "tài làm ca sĩ". Theo anh, những người kinh doanh đam mê âm nhạc như anh có ảnh hưởng gì tới công việc kinh doanh không, vì theo tôi nghĩ, nghề kinh doanh vốn bận bịu và đầu óc rất thực tế.
Ông Lê Bá Thông: Cám ơn bạn về việc đã từng theo dõi các bài viết của Thông. Nhưng trong câu hỏi của Bạn " ... vì theo tôi nghĩ, nghề kinh doanh vốn bận bịu và đầu óc rất thực tế " thì Thông xin bổ sung một điều là cần rất lãng mạn nữa. Sự lãng mạn cung cấp cho doanh nhân những ý tưởng táo bạo, mà trong thời đại kinh tế hiện nay ý tưởng táo bạo là một trong những bí quyết để đem đến sự thành công trong kinh doanh.
Tuong Vi: Nghe nói ông Nguyễn Hoàng Hải sắp (hay đã) phát hành đĩa. Ông đầu tư thế nào cho sản phẩm âm nhạc của mình, có nhằm mục đích kinh doanh?
Ông Nguyễn Hoàng Hải: Đĩa CD của "ca sĩ Nguyễn Hoàng Hải" sắp sửa ra trong vòng một tháng nữa bao gồm những nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Từ Công Phụng... trong đó phần hòa âm phối khí của nhiều bài là từ doanh nhân Trần Minh Tâm, từ tay guitar cổ điển Lê Hoàng Minh, từ nhạc sĩ trẻ Đăng Khoa... Tôi muốn nói, đây là sản phẩm tập hợp của những người bạn doanh nhân, của những người em, ghi nhận lại những rung động, những tình cảm trên hành trình âm nhạc/kinh doanh. Bởi vì cầu toàn nên mất cả gần hai năm để chuẩn bị, nói thật đó. Tôi phải tìm hiểu nhạc phẩm được sáng tác trong hoàn cảnh nào, thời gian nào với hy vọng là có thể thể hiện đúng tính chất của nhạc phẩm đó. Nói chung rất là vất vả.
Nói về mục đích kinh doanh thì hoàn toàn không có. Nhưng nếu tặng không thì tội cho "ca sĩ Hải" lắm! Bạn nhớ ủng hộ nhé!
Lê Tú: Xin anh Thông cho biết cảm nghĩ của anh lúc này về đêm giao lưu sắp tới đây của các doanh nhân với sinh viên trường Đại học Kiến trúc, anh có nhắn gửi gì đến các bạn sinh viên đang rất nóng lòng gặp gỡ các anh?
Ông Lê Bá Thông: Không phải riêng gì Thông, tất cả các anh, chị tham gia trong chương trình hiện nay cũng đang rất hồi hộp. Cái cảm giác lạ lùng lắm, các anh đã từng hát và hát rất quen sân khấu nên không còn run hay hồi hộp cho việc trình diễn mà hồi hộp vì không biết những thông điệp mình muốn gửi cho các em có được các em đón nhận không? Thông điệp đó là: hãy biết học và biết chơi, thiếu một trong hai yếu tố này có khi cuộc sống tương lai của các bạn sẽ buồn tẻ lắm. Các bạn hãy đến với chương trình không hẳn để thưởng thức mà để tìm cho mình một hình ảnh thành công trong tương lai.
Ngược lại, các bạn hãy cho các anh chị doanh nhân tham gia chương trình được hưởng một cảm giác mà từ lâu các anh chị mong nhớ: cảm giác một thời sinh viên xưa.
Minh Hoa: Bên cạnh việc giải trí thì hoạt động văn nghệ có mang lại cho anh/chị lợi thế gì trong lình vực kinh doanh hay không? Anh chị có thể kể một vài kỷ niệm vui khi là một ca sĩ - doanh nhân không?
Ông Lê Bá Thông: Bạn có nghĩ là trong một trường hợp nào đó mình ký được hợp đồng với một đối tác nhờ mình biết hát không? Đó là một câu chuyện có thật.
Đó là lần công ty của Thông đang cố gắng thuyết phục để ký hợp đồng thiết kế thi công một khu nghỉ mát ở Đà Nẵng, giám đốc công ty đối tác trong suốt thời gian thương thảo hợp đồng luôn tiếp chuyện với một gương mặt cau có... Sau buổi họp, các bên đối tác cùng mời nhau ăn tối trong nhà hàng có phát karaoke. Với niềm đam mê ca hát , Thông cứ hồn nhiên say sưa hát... buổi tiệc dần dần trở nên ấm áp thân thiện hơn... và ngày hôm sau công ty đã ký được hợp đồng công trình đó. Từ đó mình và anh giám đốc công ty khách hàng trở thành bạn. Anh ấy hay đọc thơ (do chính anh ấy làm) cho mình và mình cũng thích hát cho anh ấy nghe.
Đến một thời gian rất lâu sau, trong một đêm cả hai cùng rất "xỉn", anh ấy nhắc lại: "Thông biết vì sao lúc đó mình chọn công ty bạn làm công trình đó không?" Thông không thể trả lời được. Và anh ấy giải thích: "Đêm đó Thông hát bài Hương thầm, đây là một bài thơ mình vô cùng yêu thích và Thông hát hết sức thật lòng, một người thật lòng... thì khi làm ăn cũng không gian dối bao giờ." Mình thật sự ngạc nhiên với sự suy luận của anh ấy và cảm ơn bài hát Hương thầm đã cho mình một người bạn thân... mặc dù... anh ấy đã mất cách đây ba năm... viết những dòng này mình cũng muốn thắp cho anh ấy một nén hương.
Nghia: Trong chiến đấu, có những bài ca mà khi hát lên nó đã như chất keo kết dính tình đoàn kết đồng đội, đồng chí keo sơn gắn bó. Theo anh, trong môi trường kinh doanh đầy cạnh tranh như hiện nay, có thể tìm thấy tình cảm ấy?
Ông Lê Chí Hiếu: Tôi nghĩ là có, và nó sẽ tồn tại rất lâu dài trong chiều sâu tâm tưởng của nhiều người, nhiều thế hệ. Chẳng hạn nhạc sĩ Trần Tiến có một bài hát về người doanh nhân rất hay, ngày 13 tháng 10 năm nào cũng được nghe anh hát rất say sưa. Bản thân tôi cũng có một bài hát mà các đồng nghiệp rất thích dù tôi chỉ mới sáng tác được vài tháng nay, đó là bài "Ra khơi" do ca sĩ Quang Dũng thể hiện. Trong đó có những câu như "Này em dù bão lớn, chắc tay lái cùng tôi. Dù cho bao sóng dữ, giữ cho đầu ngẩng cao. Đời luôn mang bão tố, hãy đồng lòng sẻ chia. Với con tim sục sôi, sống một cuộc sống vui". Mỗi lần hát vang lên bài này, các anh chị em trong công ty như được tiếp thêm một nguồn năng lượng vô hình nào đó và lại siết chặt tay nhau vượt qua khó khăn.
Minh Phuong: Anh yêu ca hát trước khi trở thành doanh nhân, hay làm doanh nhân rồi mới yêu ca hát? Giữa một người nghệ sĩ và một doanh nhân có điểm chung và riêng nào không?
Ông Lê Bá Thông: Tình yêu ca hát đã giúp anh trở thành một doanh nhân. Chính tình yêu đó đã cho anh bè bạn, mối quan hệ, mà hai yếu tố này là cơ sở để có thể thành công trong thương trường. Có khá nhiều điểm giống nhau giữa ca sĩ và doanh nhân: 1. Một ca sĩ muốn hát hay, muốn thể hiện bài hát thành công phải tạo được sự khác biệt, bản sắc cho bài hát đó; doanh nhân cũng vậy, muốn thành công phải tạo ra được sự khác biệt cho doanh nghiệp của mình. 2. Một ca sĩ hay sẽ tập họp được người hâm mộ, quần chúng; một doanh nhân giỏi phải biết cách thu phục được đồng nghiệp, người tài trở thành fan hâm mộ cho mình. Và đối với tôi, một điều đồng cảm quan trọng giữa ca sĩ và doanh nhân là một tâm hồn muốn làm đẹp cho cuộc đời.
Thảo Nhi: Công việc điều hành doanh nghiệp chắc chắn là bận rộn và căng thẳng, các anh dành thời gian cho âm nhạc như thế nào? Chơi nhạc với các anh thực sự là niềm đam mê hay một cách giải trí để xả stress?
Ông Trần Minh Tâm: Chính vì công việc kinh doanh bận rộn và căng thẳng, nên tôi dùng âm nhạc như là phương tiện để giải tỏa những căng thẳng đó, một phương pháp để giải stress vô cùng hiệu quả. Tôi thường dùng một khoản thời gian vào các buổi tối trong tuần hoặc Chủ nhật, để tụ tập bạn bè hay gia đình vui chơi với nhau.
Chơi nhạc không chỉ là niềm đam mê, hay phương tiện giải trí mà còn là biện pháp vô cùng hiệu quả cho vấn đề giao tiếp, cả với bạn bè thân hữu lẫn đối tác kinh doanh. Tôi có không ít các đối tác kinh doanh, mà trước đây chúng tôi quen biết nhau qua các buổi "đàn đúm" để hát hò.
Trần Huy: Nếu cho rằng sinh hoạt văn nghệ có đóng góp vào hoạt động kinh doanh thì nên tổ chức các sinh hoạt văn nghệ như thế nào để có hiệu quả và phù hợp với điều kiện làm việc của doanh nghiệp?
Ông Nguyễn Hoàng Hải: Là một doanh nhân đóng góp vào những sinh hoạt văn nghệ, tôi nghĩ rằng, ai cũng muốn công ty của mình thành công cả về tài chính lẫn danh tiếng để từ đó vươn lên, vì vậy, khi làm văn nghệ, chương trình đó cũng phải có giá trị, chiều sâu, ấn tượng và phong cách, nói chung là cầu toàn và đảm bảo yếu tố nghệ thuật. Nhờ đó, mỗi ngày chúng ta sẽ thành công hơn trong thương trường lẫn môi trường văn hóa của doanh nghiệp.
Minh Tùng: Có bao giờ anh nghĩ là mình sẽ từ bỏ công việc kinh doanh hiện nay để tập trung vào việc ca hát?
Ông Lê Chí Hiếu: Đối với tôi, ca hát và kinh doanh không phải là những hoạt động đối lập nhau, hơn nữa ca hát cũng chỉ là sự thỏa mãn một nhu cầu riêng trong những khoảng thời gian nhất định và ở những không gian phù hợp, chẳng hạn ngồi với bạn bè, nó không phải là một nghề nghiệp của tôi. Tuy nhiên, kinh doanh thì cũng sẽ có lúc ngừng lại để nghỉ ngơi, nhưng ca hát thì sẽ theo mình đến khi mình không còn sức để hát nữa. Nhưng dù cho đến lúc đó, lúc mình "hết hơi", tôi vẫn có thể sáng tác cho người khác hát nếu cảm xúc vẫn còn.
Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online