Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ai chịu phí chuyển tiền?

Kinh tế Sài Gòn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Các trục trặc kỹ thuật khi triển khai thu phí không dừng trên các con đường cao tốc sớm muộn gì cũng sẽ được giải quyết. Tuy nhiên còn một vấn đề không thể xử lý theo con đường kỹ thuật mà cần sớm có quyết định của các bên liên quan: giới tài xế đang phải tốn thêm khá nhiều chi phí khi nạp tiền vào tài khoản thu phí tự động không dừng – một loại chi phí lẽ ra họ không phải gánh chịu.

Hai hệ thống thu phí tự động hiện nay của VETC và VDTC đều tính thêm phí giao dịch khi khách hàng nạp tiền trước vào tài khoản bằng cách chuyển khoản từ tài khoản ngân hàng vào tài khoản thẻ, liên kết với thẻ ATM, nạp tiền qua ví điện tử như VNPay hay MoMo… Phí giao dịch nhiều hay ít là tùy thuộc vào loại phương tiện cũng như mức độ đi lại ít hay nhiều, nhưng dù nhiều hay ít, nộp thêm phí là đã đi ngược nguyên tắc: thu phí không dừng không làm tăng chi phí cho người dân.

Việc thu phí không dừng dẫn tới nhiều lợi ích nhưng hưởng lợi nhiều nhất là các công ty đang tổ chức những trạm phu phí BOT. Thu phí không dừng sẽ dần dần tự động hóa khâu thu phí, nhờ đó sẽ giảm lực lượng nhân viên thu phí rất lớn, chiếm một tỷ trọng lớn trong chi phí vận hành các trạm BOT. Nhà nước cũng có nhiều lợi ích vì việc thu chi ở các trạm thu phí từ nay sẽ rõ ràng, minh bạch, ngăn chặn được tình trạng khai gian doanh thu, trốn thuế…

Vì thế chi phí nạp tiền vào tài khoản thu phí tự động lẽ ra phải do các bên khác, không phải là người dân, gánh chịu. Lấy ví dụ các công ty cung cấp dịch vụ thu phí không dừng hiện đang có nhiều lợi ích. Khách hàng nào cũng nạp sẵn một số tiền nhất định vào thẻ dù chưa sử dụng đến; số tiền này nhân với trên 3,5 triệu phương tiện đã dán thẻ có thể lên đến cả vài ngàn tỉ đồng. Dù nơi cung cấp dịch vụ hàng ngày đều chuyển tiền cho trạm thu phí BOT nhưng sẽ có khách hàng nạp tiền mới, nên số dư này về nguyên tắc sẽ được duy trì – là một lợi ích không nhỏ vì nguyên lý “tiền đẻ ra tiền”.

Cứ thử nhìn lại cách hoạt động của các phương tiện thanh toán hiện nay mà xem: người tiêu dùng chuyển tiền vào các ví như MoMo, ShopeePay; sau đó họ dùng tiền này để thanh toán khi mua sắm trên các nền tảng thương mại điện tử không khác gì như khi sử dụng dịch vụ trả phí qua trạm BOT bằng thẻ thu phí tự động. Tại sao các ví MoMo, ShopeePay không thu phí mà VETC, VDTC đều thu phí. Người tiêu dùng mỗi khi đi mua hàng hay sử dụng dịch vụ nào đó mà thanh toán bằng thẻ ATM thì nơi bán hàng hay cung cấp dịch vụ chịu phí với ngân hàng, người tiêu dùng không phải trả thêm phần trăm nào cả.

Có một tỷ lệ không nhỏ loại xe chủ yếu di chuyển trong thành phố, ít khi lên cao tốc, nhưng chủ xe vẫn phải dán thẻ thu phí không dừng để có sẵn khi cần. Nếu buộc họ phải trữ sẵn vài trăm ngàn đồng trong tài khoản thẻ là một chuyện phi lý, không cần thiết. Đã thế họ còn phải trả phí chuyển tiền vào chính tài khoản này mới là điều phi lý hơn.

Phương án tốt nhất vẫn là các nơi cung cấp dịch vụ bàn bạc với các ngân hàng để triển khai việc tài khoản thẻ của khách hàng kết nối trực tiếp với tài khoản ngân hàng của họ. Lúc đó tiền vẫn ở trong tài khoản của khách và chỉ bị trừ tiền khi xe họ trực tiếp đi qua trạm. Nhưng làm thế họ sẽ mất một khoản tiền tạm thời nhàn rỗi rất lớn như hiện nay nên có lẽ không ai có động lực đi thương lượng với ngân hàng cả.

3 BÌNH LUẬN

  1. Tại sao các vị ăn dày vậy ? Phí giao thông + Phí chuyển tiền + Các loại phí đường bộ khác… Dân làm sao chịu nổi tình trạng “một mình một chợ” như thế này ?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới