(KTSG) - Bên dưới các bản tin về các vụ cướp ngân hàng là nhận xét hầu như rất nhất quán của độc giả: trước sau gì bọn cướp cũng sẽ bị bắt, vụ cướp được phá án nhanh chóng. Phải thừa nhận công an rất giỏi trong việc giải quyết nhanh gọn các vụ cướp như thế, dù hung thủ có bịt mặt hay dùng xe đeo biển số giả. Điều chúng ta mong ước là với các vụ lừa đảo lấy tiền trong tài khoản ngân hàng của người dân rộ lên gần đây cũng được phá án nhanh, bọn lừa đảo bị vạch mặt, trách nhiệm các bên được phân định rõ ràng.
- Số vụ lừa đảo công nghệ có dấu hiệu gia tăng sau khi có AI
- Có đúng người Việt mất 16 tỉ đô la do lừa đảo qua mạng?
Hiện nay tác động của các vụ lừa đảo như thế lên tâm lý của người dân bình thường là rất lớn. Thử hỏi chuyên gia tài chính mà còn bị lừa mất tiền thì người thường càng phải lo lắng biết bao. Tâm lý này ảnh hưởng rất lớn đến nỗ lực thanh toán không dùng tiền mặt; giao dịch thông qua ngân hàng; nhất là việc thu hút tiền gửi tiết kiệm của dân cư vào hệ thống ngân hàng.
Điều đầu tiên chúng ta có thể làm ngay là phân định trách nhiệm: nếu xảy ra lừa đảo mà đối tượng bị lừa đảo là người dân, như bị đe dọa sao đó mà rút tiền chuyển cho kẻ gian hay để mất mã OTP do chính họ cung cấp cho kẻ lừa đảo, bên chịu trách nhiệm sẽ là người bị lừa đảo. Nhưng nếu ngân hàng là bên bị hack, quy trình ngân hàng có lỗ hổng để kẻ gian khai thác đổi mật khẩu... thì chính ngân hàng phải chịu trách nhiệm và phải đền bù 100% thiệt hại cho người gửi tiền.
Ngay cả trong trường hợp đầu, ngân hàng cũng có trách nhiệm liên tục cảnh báo cho khách hàng và tạo ra những rào cản như tạm ngưng các vụ chuyển khoản bất thường với số tiền lớn đến tài khoản khách chưa hề có lịch sử giao dịch để rà soát.
Điều thứ hai là việc siết lại các tài khoản ngân hàng ảo, tài khoản mở ra nhưng không sử dụng hay đem bán cho người khác. Trách nhiệm của hệ thống ngân hàng là rà soát để đóng các tài khoản lâu ngày không hoạt động sau khi thông báo cho khách hàng một số lần theo quy định. Một khi lừa đảo xảy ra, kẻ gian phải chuyển tiền lừa được vào một tài khoản nào đó rồi mới rút ra, dùng để mua tiền mã hóa hay thẻ cào... Đây là địa chỉ để cơ quan điều tra tập trung; cần có những hình phạt tương xứng với người cho thuê hay bán tài khoản để rơi vào tay kẻ gian.
Hiện nay việc tuyên truyền cho người dân nắm rõ các chiêu thức bọn lừa đảo thường sử dụng là khá cặn kẽ; báo chí cũng không thiếu các bài viết mang tính cảnh giác. Điều còn lại là sự cảnh giác từ phía ngân hàng; chẳng hạn, khuyên khách hàng đặt ra giới hạn rút tiền hay chuyển khoản trong ngày; đặt ra những yêu cầu chặt chẽ hơn khi khách hàng chuyển tiền từ tài khoản tiết kiệm sang tài khoản thanh toán; đặt ra mức cảnh báo nếu xảy ra giao dịch bất thường so với lịch sử giao dịch của khách hàng... Ở đây, nên áp dụng nguyên tắc thà chậm một chút còn hơn nhanh nhưng dễ xảy ra rủi ro, mất mát.
Trong các vụ lừa đảo do báo chí đăng tải, chúng ta thường bắt gặp các tình tiết phi lý như không ai để tiền tỉ trong tài khoản thanh toán để bị lừa, không thể có chuyện mã OTP gửi về một điện thoại lại chạy sang một điện thoại khác... Các ngân hàng cần nhanh chóng điều tra nội bộ, làm rõ vấn đề và công khai cho người dân nắm cùng với các bài học rút ra. Chỉ khi mọi chuyện được minh bạch, ai đúng ai sai được làm rõ, chúng ta mới có thể chặn đứng các màn lừa đảo xem ra ngày càng phổ biến, gây thiệt hại cho nhiều người, kể cả hệ thống ngân hàng.
Có một chuyện ai cũng không hiểu được, nếu một người nào đó đánh rơi số tiền vài trăm triệu, có người dân lượm được, người dân đó giữ lại sử dụng và bị phát giác, sau đó người lượm được thường bị phạt tù vì chiếm đoạt tài sản bất hợp pháp. Nhưng có trường hợp một người chuyển khoản nhầm lên tới gần ba tỷ đồng ( chuyện này có thực ) tới tài khoản người khác, người khác này giữ lại để sử dụng gần một tỷ, trả lại hai tỷ, thì người chiếm đoạt số tiền này vẫn ung dung không bị xử lý gì hết vì chuyện này liên quan tới ngân hàng, sao lạ vậy.