Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ai chịu trách nhiệm về biến đổi khí hậu?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ai chịu trách nhiệm về biến đổi khí hậu?

Nguyễn Trọng Nghĩa

Ai chịu trách nhiệm về biến đổi khí hậu?
Nguồn: http://ecologie.blog.lemonde.fr

(TBKTSG) – Những nước nào đã và đang thải nhiều khí CO2 nhất phải chịu trách nhiệm lớn nhất trong việc làm cho khí hậu trái đất nóng lên rất nhanh? Đó là câu hỏi thường được đặt ra một cách gay gắt trong mọi hội nghị về khí hậu, đặc biệt là tại hội nghị vừa bế mạc ngày 11-12 vừa qua ở Durban (Nam Phi) với sự tham gia của 193 nước.

Để góp phần trả lời cho câu hỏi này, luôn có sự tranh luận giữa các nước phát triển và các nước nghèo, báo The Guardian (Anh) vừa đưa lên mạng một công cụ tương tác mới, tập hợp nhiều dữ kiện về khí hậu.

Cái độc đáo của công cụ này là đã tổng hợp các số liệu theo nhiều cách nhìn khác nhau. Chỉ cần liếc qua các bản đồ tương tác này, ta thấy ngay sự khó khăn cực kỳ trong việc quy định trách nhiệm của mỗi nước. Chúng cũng cho thấy sự cần thiết phải tiến tới một sự thỏa thuận toàn cầu về việc giảm thải khí CO2.

Những nước thải khí CO2 nhiều nhất hiện nay

Cách đơn giản nhất và thường được dùng nhất để so sánh lượng khí thải của các nước là cộng tất cả các nhiên liệu hóa thạch mà mỗi nước đã tiêu thụ (trong các nhà máy điện, nhà ở, xưởng máy, giao thông…) rồi chuyển thành khí CO2. Tính theo cách này, năm 2009, Trung Quốc là nước thải nhiều khí CO2 nhất thế giới: đến 6,8 tỉ tấn, vượt xa Mỹ (5,4 tỉ), Ấn Độ (1,6 tỉ), Nga (1,55 tỉ), Nhật (1,1 tỉ)… và Việt Nam (98 triệu), tức chỉ bằng 1/68 của Trung Quốc. Nếu nạn phá rừng (gây ra đến một phần tư lượng khí thải trên thế giới) cũng được tính gộp vào, Brazil và Indonesia sẽ “chiếm” vị trí rất cao trong bảng xếp hạng.

Lượng khí CO2 thải ra tính theo đầu người

Cách tính này cho ta biết trách nhiệm cá nhân đối với sự thay đổi khí hậu (lấy tổng lượng khí thải CO2 của một nước chia cho số dân). Chẳng hạn, dù là một nước rất nhỏ (11.400 ki lô mét vuông và 1,7 triệu dân), bình quân mỗi người dân của Qatar thải khí CO2 nhiều nhất thế giới: đến 53,5 tấn, tức gấp ba lần người Mỹ (17,5 tấn), gấp 10 lần người Trung Quốc (5,2 tấn), gấp 36 lần Ấn Độ (1,4 tấn), gấp 41 lần Việt Nam (1,3 tấn)… Nếu cả thế giới đều đạt đến mức thải khí của mọi người dân Qatar, thì tương lai của hành tinh chúng ta sẽ đen tối đến mức nào!

Lượng khí CO2 thải ra từ năm 1850

Do khí cacbon thải ra lưu lại trong không khí nhiều thế kỷ, nên cần phải tính toàn bộ lượng khí CO2 đã thải ra trong quá khứ. Đây là một vấn đề rất tế nhị về trách nhiệm lịch sử của mỗi nước: nó là nguồn gốc của nhiều căng thẳng xảy ra trong các cuộc thương lượng về khí hậu, vì các nước mới trỗi dậy đều cho rằng họ được quyền nỗ lực ít hơn trong việc làm giảm các khí thải so với các nước đã phát triển vốn có trách nhiệm nhiều hơn gấp bội trong việc làm thay đổi khí hậu. Thực vậy, theo ước tính của các chuyên gia, lượng khí CO2 do Mỹ thải ra từ năm 1850-2007 (339 tỉ tấn) chiếm gần 29% của cả thế giới và nhiều gấp ba lần Trung Quốc (105,9 tỉ), gấp gần 12 lần Ấn Độ (28,8 tỉ), gấp 34 lần Brazil (9,8 tỉ)… Dựa theo nguyên tắc bình đẳng, Mỹ còn nợ ba nước này và cả nhân loại một lượng khí thải khổng lồ không biết kiếp nào mới trả hết, nếu Mỹ chịu trả!

Khí thải tính theo tiêu dùng

Nếu chỉ tập trung trên lượng khí do các nước trực tiếp thải ra, thì đó là điều không hợp lý lắm, vì làm như vậy là quên đi trách nhiệm của những nước nhập hàng hóa và dịch vụ mà khi sản xuất, những nước xuất khẩu đã phải thải ra khí CO2. Do đó, cần phải quy lượng khí thải này cho những nước nhập khẩu. Nếu tính như thế, thì lượng khí cacbon do Pháp thải ra sẽ tăng thêm gần 50%: từ 354 triệu tấn lên 540 triệu tấn; trong khi đó lượng khí thải của Trung Quốc lại giảm gần 20%: từ 6,8 tỉ tấn xuống 5,7 tỉ tấn; và năm nước đứng đầu về lượng khí thải tính theo tiêu dùng và theo đầu người là Singapore, Luxembourg, Bỉ, Mỹ và Canada.

Lượng CO2 thải ra của các nước tăng hay giảm?

So sánh lượng CO2 thải ra của hai năm 2007 và 1990 (năm này được nghị định thư Đông kinh – văn bản quốc tế duy nhất được thông qua năm 1997, quy định các mục tiêu có tính bó buộc nhằm làm giảm lượng CO2 thải ra – chọn làm năm quy chiếu), đa số các nước thuộc Liên hiệp châu Âu tăng rất ít (Pháp tăng 0,6%), hoặc giảm khá mạnh (Anh giảm 15,2%, Đức giảm 59%). Dù cho đến nay vẫn khăng khăng không chịu phê chuẩn nghị định thư Kyoto, lượng CO2 của Mỹ tăng ở mức: 6,7%.

Trừ Nga ra, các nước mới trỗi dậy thuộc nhóm BRICS đều tăng: Brazil (74%), Ấn Độ (172%), Trung Quốc (209%) và Nam Phi (45%).

Chủ yếu do kinh tế suy sụp nghiêm trọng chứ không phải do bảo vệ môi trường, tất cả các nước Đông Âu thuộc phe xã hội chủ nghĩa trước đây đều giảm rất mạnh: Nga (giảm 29,7%), Ucraina (giảm 62,7%), Latva (giảm 63,8%), Estonia (giảm 59%), Armenia (giảm 79%), Azerbaijian (giảm 60%)…

Tất cả các nước khác ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ và châu Úc đều tăng. Riêng Việt Nam đặc biệt tăng cực kỳ nhanh: đến 563%, vượt xa các nước Asean khác như Malaysia (253%), Thái Lan (184,5%), Indonesia (164%), Myanmar (154,7%), Philippines (93,9%)… Việt Nam nghiễm nhiên đứng thứ hai trên thế giới, nhưng thua xa lắc xa lơ Benin: tăng đến 1.535%!

Cứ tưởng tượng mọi nước đều tăng thải khí CO2 như Benin, thì chắc là trái đất sẽ nóng lên rất nhanh: cũng may nước này chỉ có 8,8 triệu dân và bình quân mỗi người Benin chỉ thải 0,46 tấn CO2 mỗi năm, tức là thấp hơn người Qatar đến 116 lần! Chứ nếu Benin cũng đông dân như Trung Quốc và Ấn Độ, thì khổ to cho cả thế giới!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới