Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ai cười thật, ai cười giả?

Trần Thanh Tâm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Cười lên đi em ơi/Dù nước mắt rớt trên vành môi/Hãy ngước mặt nhìn đời/Nhìn tha nhân ta buông tiếng cười.

Lê Hựu Hà(1)

Một trong những nụ cười quyến rũ và đắt giá nhất thế giới: nụ cười của nàng Mona Lisa.

Ngay từ năm 1913, Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936), một học giả nổi tiếng khi ấy, đã có bài viết nhan đề “Gì cũng cười” phê phán điều ông cho là một thói hư tật xấu của người Việt. Ông viết như sau: “An Nam ta có một thói lạ là thế nào cũng cười. Người ta khen cũng cười, người ta chê cũng cười. Hay cũng hì, mà dở cũng hì; quấy cũng hì. Nhăn răng hì một tiếng, mọi việc hết nghiêm trang”.

Nói nôm na, có thể hiểu theo Nguyễn Văn Vĩnh rằng nụ cười của người Việt mà ông đề cập là “nụ cười ba phải” vì khen chê, xấu tốt đều “cười trừ”. Có thật vậy không? Bài viết này thử bàn vài chuyện xung quanh nụ cười và nụ cười của người Việt.

Nụ cười dã nhân, nụ cười mỹ nhân

Vì sao chúng ta cười? Một trong những câu trả lời phổ biến nhất cho câu hỏi này là chúng ta cười khi cảm thấy hạnh phúc. Câu trả lời này có thể đúng dù chưa chắc đúng trong mọi trường hợp. Khi một người – dù là người xa lạ – nở một nụ cười với mình, chúng ta sẽ cảm thấy an tâm vì người đó đang tỏ thiện chí. Thông thường, trong thế giới loài người, một nụ cười có thể tạo ra cảm giác ấm áp cho cả người nở nụ cười và người nhận nụ cười đó.

Theo tác giả Christian Jarrett, nụ cười là một dấu hiệu xã hội [trong thế giới loài người] nhằm mục đích thông báo trạng thái cảm xúc hay ý định tích cực của một người đến đến một người khác(2). “Khi chúng ta cảm thấy sẵn sàng hoặc vui lòng gặp gỡ ai đó, cảm giác này được diễn đạt trên khuôn mặt”, Jarrett viết.

Các nhà khoa học cũng đã khám phá rằng con người không phải là loài duy nhất trên thế giới biết cười. Theo họ, khỉ dã nhân (còn gọi là hắc tinh tinh) – một bà con gần với con người – cũng có nụ cười rất giống chúng ta. Một bài viết trên trang mạng psychmechanics.com cho biết loài linh trưởng này thường xuyên dùng nụ cười như một cách bày tỏ sự phục tùng(3). Khi một con hắc tinh tinh gặp một con khác có vị trí cao hơn trong đàn của chúng, nó sẽ cười để báo hiệu cho đối phương biết rằng mình sẵn sàng phục tùng và không hề có ý định đánh nhau nhằm phân định thấp cao. Bằng nụ cười, một con hắc tinh tinh muốn nói rằng mình sẽ không làm hại gì đối phương, rằng mình chấp nhận vị trí cao hơn của đối phương.

Đó là ý nghĩa của nụ cười dã nhân. Còn trong thế giới con người, ai có nụ cười với sức mạnh kinh khủng? Xin thưa, theo thành ngữ Việt, thì đó là… các mỹ nhân. Chẳng phải chúng ta cứ nói về những nụ cười “khuynh quốc, khuynh thành”, “nghiêng nước, nghiêng thành” hay “nghiêng thành, đổ nước” đó sao?

Vậy thì nụ cười của mỹ nhân nào được biết đến nhiều nhất thế giới? Một trong những câu trả có thể là nụ cười của nàng Mona Lisa trong bức họa La Joconde của Leonardo Da Vinci. Và đây có lẽ cùng là nụ cười đắt nhất thế giới. Theo Kỷ lục Thế giới Guinness (Guinness World Records), giá trị bảo hiểm của bức tranh này vào năm 1962 là 100 triệu đô la Mỹ lúc bấy giờ(4). Theo thời giá vào năm 2021, giá trị này khoảng 870 triệu đô la Mỹ.

Cười thật, cười giả

Không chỉ khỉ dã nhân mới biết cười để tỏ ý phục tùng, con người cũng vậy. Theo psychmechanics.com, nếu chịu khó để ý tần suất cười của con người trong các tình huống khác nhau, bạn sẽ thấy được thứ bậc kinh tế – xã hội của họ(5). Ví dụ, trong một tổ chức, bạn có thể biết được khá nhiều về vị trí của các thành viên trong đó chỉ bằng cách quan sát ai cười nhiều hơn ai, và khi nào và ở đâu thì họ buông tiếng cười.

Theo đó, một người cấp dưới thường cười nhiều hơn bình thường khi có mặt của cấp trên. Ngược lại, dù một người cấp trên nở nụ cười trước mặt cấp dưới, nụ cười đó thường cũng tỏ ra rất miễn cưỡng và rất ngắn nhằm biểu thị quyền uy của mình. Hiếm khi một người có vị trí rất cao cười đùa thoải mái hết ga trước một đám đông là thuộc hạ cấp dưới, mà thường để dành nụ cười đó với những người cùng đẳng cấp. Một cách khái quát, người có vị trí cao trong xã hội thường có cái nhìn nghiêm khắc, tỏ vẻ bề trên và hiếm khi cười; trong khi người có vị trí thấp thường cười thường xuyên, biểu thị sự phục tùng của họ. Vì vậy, trong một chừng mực nào đó, cũng có thể nói trong xã hội loài người, nụ cười có thể biểu thị “tính chất kinh tế”.

Những nụ cười của con người trong nhiều ngữ cảnh khác nhau tạo thành hàng trăm kiểu cười – như cười nhẫn nhục, cười thầm, cười cầu tài, cười đau khổ… Nhưng tựu trung, có thể chia nụ cười thành hai loại: cười thật và cười giả, nghĩa là có những nụ cười tự nhiên và những nụ cười gượng gạo, dù không muốn cười vẫn phải cười.

Theo Leo Widrich, về mặt giải phẫu học, một nụ cười tự nhiên liên quan đến hoạt động đồng thời của hai cơ vùng mặt(6). Thứ nhất là cơ gò má chính (zygomaticus major), kiểm soát khóe miệng; và thứ hai là cơ vòng mi (obicularis occuli), kiểm soát khóe mắt. Như vậy, khi chúng ta cười thật, hay nụ cười tự nhiên, cả miệng và mắt sẽ cùng cười. Nhà thần kinh học người Pháp Guillaume-Benjamin Duchenne (1806-1875) là người đầu tiên khám phá hiện tượng này. Duchenne cho rằng nụ cười thật (liên quan đến cả hai cơ nói trên) còn được giới khoa học gọi là nụ cười Duchenne; nói một cách hình tượng trong bài viết này là nụ cười bằng mắt.

Ngược lại, tất cả các nụ cười gượng gạo, giả tạo khi người ta không muốn cười mà vẫn phải cười chỉ liên quan đến hoạt động của cơ gò má chính, nghĩa là chỉ có miệng cười mà mắt không cười; nói một cách hình tượng trong bài viết này là nụ cười bằng miệng.

Tuy nhiên, trên thực tế, người ta rất khó phân biệt được “nụ cười thật” và “nụ cười giả” trong giao tiếp bình thường.

Cười nhiều sống lâu

Leo Widrich dẫn các nghiên cứu khoa học cho rằng nụ cười có thể giúp giảm căng thẳng trong cơ thể và trí óc, tương tự như giấc ngủ sâu(7), nhờ đó cơ thể có thể tiếp nhận các cảm giác tích cực. Theo nhà nghiên cứu này, đó là lý do vì sao chúng ta thường cảm thấy vui khi có trẻ em bên cạnh. Trẻ em thường cười rất nhiều, đến 400 lần mỗi ngày. Để so sánh, người vui vẻ thường cười trung bình từ 40-50 lần mỗi ngày, trong khi người bình thường chỉ cười chừng 20 lần mỗi ngày. Có bao giờ bạn tự hỏi vì sao khi người ta càng lớn, thì thường thấy càng ít vui vẻ hơn. Nhưng phải công nhận rằng, càng lớn thì chúng ta càng khó cười hơn.

Nghiên cứu sau đây phần nào cho thấy tác động của nụ cười đến tuổi thọ con người(8). Các nhà khoa học theo dõi diễn biến cuộc đời của các nữ sinh có nụ cười đẹp nhất qua ảnh của họ trong các quyển kỷ yếu học đường và so sánh với những học sinh còn lại. Các nữ sinh với nụ cười tươi nhất thường có cuộc đời sau đó hạnh phúc hơn, cuộc sống hôn nhân viên mãn hơn và ít biến cố gây đau khổ hơn. Dĩ nhiên, đây là một quan sát mang tính liên hệ, chứ không có tính nhân quả.

Theo Leo Widrich, nhà nghiên cứu LaFrance đưa ra một nhận xét chắc phụ nữ sẽ thấy thích. Ông cho rằng phụ nữ cười nhiều hơn nam giới. Lý do không chỉ vì họ cảm thấy vui vẻ hơn mà còn vì về mặt xã hội, họ được dịp cười nhiều hơn. Trực giác của phụ nữ thường bảo họ một cách chính xác ai cười thật và ai cười giả.

Ở Việt Nam, ai cần phải cười nhiều hơn?

Như đã đề cập ở trên, chúng ta đã thấy rằng nụ cười mang lại lòng tin, giúp con người vui hơn và sống lâu hơn. Cho nên, ai cũng nên cười (thật) nhiều hơn.

Không giống với nhận xét của học giả quá cố Nguyễn Văn Vĩnh, không phải người Việt nào cũng “gì cũng cười” mà trái lại, dù được hô hào mãi, nhiều người trong số họ vẫn không sao cười được. Một số người trong các ngành nghề ở Việt Nam cần cười nhiều hơn, bao gồm: nhân viên y tế (bác sĩ, y tá), nhân viên công quyền (công an, nhân viên hải quan, công chức hành chính tiếp xúc dân). Những người này nên vứt lời than phiền về “người Việt gì cũng cười” của Nguyễn Văn Vĩnh vào sọt rác để buông tiếng cười giúp cuộc đời mình và cuộc đời những người xung quanh vui tươi hơn.

————

(1) Lời trong bài hát Hãy ngước mặt nhìn đời của nhạc sĩ Lê Hựu Hà (1946-2003)

(2) https://www.sciencefocus.com/the-human-body/why-do-we-smile/

(3), (5) https://www.psychmechanics.com/why-do-people-smile/

(4) https://www.guinnessworldrecords.com/world-records/highest-insurance-valuation-for-a-painting

(6), (7), (8) https://buffer.com/resources/the-science-of-smiling-a-guide-to-humans-most-powerful-gesture/

1 BÌNH LUẬN

  1. Cười trong mọi tình huống, vẫn tốt hơn là khóc lóc ? Có lẽ điều này đúng. Tuy nhiên, cười nhiều hay ít không quan trọng bằng cách cười, kiểu nụ cười. Cười mỉm, cười nhẹ, cười mạnh mẽ, cười ha hả… đều có hình hài và mang ý nghĩa rất khác nhau. Cười để chia sẻ với sự đau khổ cũng có giá trị ngang hàng với sự khóc lóc thực tình. Đám tang ở miền Bắc, miền Trung rất khác miền Nam là vậy. Ngoài bắc, miền trung, người thân hay buồn khóc, trong khi miền nam thì múa hát để đưa tiễn người qua đời. Thật là hay cho cuộc đời, cười hay khóc, buồn hay vui… cũng là do quan niệm cả thôi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới