Ai giám sát người giám sát?
TBKTSG
Chuyện bỏ phiếu hộ đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu ra nhằm rút kinh nghiệm cho những kỳ họp tới. Ảnh : TL |
(TBKTSG) - Nhờ cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tuần trước nhằm đánh giá, rút kinh nghiệm kỳ họp Quốc hội thứ 7 và chuẩn bị bước đầu cho kỳ họp thứ 8, chúng ta mới biết một số hiện tượng đáng buồn của một số đại biểu Quốc hội.
Đó là chuyện vắng họp, điểm danh hộ, phát biểu bằng bài của người khác, thậm chí còn là chuyện bỏ phiếu hộ cho đại biểu khác. Đó cũng là chuyện một số đại biểu không phát biểu, không tranh luận.
Từ đó, nảy sinh câu hỏi, đại biểu Quốc hội có vai trò giám sát đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước; thế nhưng ai sẽ là người giám sát các đại biểu Quốc hội để bảo đảm rằng các đại biểu đang làm đúng chức trách của mình, đúng nguyện vọng của cử tri gửi gắm?
Đọc qua tường thuật cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nói trên, có thể có cảm giác dường như các vị lãnh đạo Quốc hội như Chủ tịch và các Phó chủ tịch cho rằng mình có quyền chấn chỉnh các đại biểu Quốc hội. Vì tại cuộc họp này, có những phê bình theo dạng “đại biểu mà làm như thế là thiếu nghiêm túc...”.
Ở đây cần làm rõ một điểm mấu chốt: các đại biểu Quốc hội là bình đẳng với nhau trước cử tri; Chủ tịch hay Phó chủ tịch Quốc hội có thêm một số nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội. Đại biểu Quốc hội hoạt động theo quy chế đại biểu và nội quy kỳ họp. Đại biểu nào vi phạm quy chế hay nội quy này thì Chủ tịch Quốc hội sẽ có biện pháp chính thức để chấn chỉnh. Nhưng chắc chắn quy chế hay nội quy sẽ không thể yêu cầu các đại biểu phải có phát biểu trước các vấn đề đang tranh luận. Nói cách khác, vai trò của lãnh đạo Quốc hội không phải là giám sát các đại biểu khác như một hệ thống thứ bậc trong các cơ quan công quyền khác.
Giám sát hoạt động của đại biểu do đó phải là vai trò của cử tri cả nước, là người qua lá phiếu của mình chọn lựa người đại diện cho quyền lợi của mình. Chính cử tri là người sẽ quyết định đại biểu có còn xứng đáng với sự tin cậy của họ hay không.
Và để cử tri cả nước làm được vai trò giám sát này, điều quan trọng phải là công khai minh bạch toàn bộ các hoạt động của các đại biểu.
Đầu tiên là công khai, thậm chí nhấn mạnh quy chế đại biểu Quốc hội và nội quy kỳ họp như các chuẩn mực tối thiểu mà đại biểu phải tuân thủ.
Sau đó là công khai mọi quyết định của đại biểu, kể cả nội dung biểu quyết của từng đại biểu để cử tri biết quan điểm của đại biểu đại diện cho họ trước các vấn đề trọng đại của đất nước.
Hiện nay công tác thông tin của Quốc hội đã làm khá tốt việc ghi âm và ghi thành biên bản các cuộc chất vấn và trả lời chất vấn giữa đại biểu và đại diện Chính phủ. Cùng với việc truyền hình trực tiếp các buổi chất vấn này, người dân phần nào hiểu được hoạt động của đại biểu Quốc hội tại các phiên chất vấn.
Thiết nghĩ sự công khai như thế cần được mở rộng đến tất cả các phát biểu khác của đại biểu, kể cả tại hội trường hay tại tổ. Cũng cần công khai mọi thư từ công dân gửi đến đại biểu của mình và cách giải quyết hay trả lời của đại biểu.
Tất cả sẽ làm nên một hệ thống giám sát chặt chẽ giúp người dân bảo đảm họ chọn đúng người họ tin tưởng để đại diện cho mình tại cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của đất nước.