Chủ Nhật, 19/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

AI làm giàu cho nhiều công ty

Nguyễn Vũ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Đã có hàng ngàn bài viết về các hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) miêu tả những gì chúng có thể làm theo lệnh của người dùng, từ làm thơ, viết kịch đến vẽ hình, tạo video... Thế nhưng ít ai chú ý đến khía cạnh chúng cũng giúp những công ty công nghệ tiên phong trong lĩnh vực này kiếm bộn tiền.

Trước ngày OpenAI cho ra đời ChatGPT vào tháng 11-2022, giá trị thị trường của Nvidia chỉ mới ở mức 300 tỉ đô la. Cơn sốt do ChatGPT tạo ra đã đẩy thị giá Nvidia, công ty chuyên sản xuất chip dùng trong ngành AI, lên đến 2.300 tỉ đô la, chỉ còn thua Apple chừng 300 tỉ đô la. Sự thành công vượt bậc của Nvidia đã làm bệ phóng cho những công ty khác, miễn sao chúng có liên quan đến AI.

Theo tờ Economist, có bốn loại doanh nghiệp đang hưởng lợi từ cơn sốt AI: những nơi làm các ứng dụng chạy bằng AI; bản thân các mô hình AI như GPT-4; các nền tảng điện toán đám mây nơi chứa các mô hình này cũng như các ứng dụng; các doanh nghiệp phần cứng. Loại đầu tiên có những tên tuổi như GitHub Copilot, Midjourney; điện toán đám mây có Amazon Web Services, Google Cloud Platform, Microsoft Azure; phần cứng có nơi làm chip như Nvidia, AMD, Intel - có nơi làm máy chủ như Dell, thiết bị mạng như Arista…

Trong quá khứ, các đột phá công nghệ cũng sản sinh ra những doanh nghiệp khổng lồ, như thời kỳ bùng nổ máy tính cá nhân trong thập niên 1980 và 1990, đã đưa Microsoft với hệ điều hành Windows và Intel, nơi sản xuất chip chạy máy tính, lên đỉnh cao. Đến đầu thập niên 2000, “Wintel” chiếm đến bốn phần năm lợi nhuận hoạt động của ngành PC. Kỷ nguyên điện thoại thông minh cũng làm điều tương tự với Apple, chỉ sau một vài năm tung ra iPhone vào năm 2007, hãng này chiếm hơn một nửa lợi nhuận hoạt động toàn cầu của ngành làm điện thoại di động.

Hiện vẫn còn quá sớm trong kỷ nguyên AI tạo sinh, nhưng lợi nhuận ngành này sản sinh đã rất lớn. Tính chung 100 công ty do tờ Economist xem xét ở cả bốn loại đã đem về cho chủ nhân của chúng một tổng giá trị lên đến 8.000 tỉ đô la kể từ tháng 10-2022. Dĩ nhiên không phải tất cả đều là tiền tươi thóc thật; một phần rất lớn là do sự bùng nổ giá cổ phiếu của chúng trên thị trường chứng khoán. Một đặc điểm của thời kỳ này là giá trị tập trung vào chỉ một vài công ty mà thôi. Chẳng hạn trong loại hình doanh nghiệp điện toán đám mây, Microsoft, liên kết với OpenAI đã vượt xa Amazon và Alphabet, công ty mẹ của Google; thị giá của nó nay chiếm đến 46% tổng thị giá ba công ty, tăng từ 41% trước khi ChatGPT ra mắt.

Giữa các loại hình doanh nghiệp, mức tăng giá trị cũng không đều. Tính theo giá trị tuyệt đối, hầu hết giá trị tăng thêm rơi vào các công ty phần cứng, gồm các hãng chip như Nvidia, nơi làm máy chủ như Dell, và nơi sản xuất thiết bị mạng như Arista. Vào tháng 10-2022 tổng cộng 27 công ty phần cứng có niêm yết trong danh sách của Economist có tổng thị giá 1.500 tỉ đô la - nay con số này tăng vọt lên 5.000 tỉ đô la. Điều này cũng hợp lý vì trong mọi đột phá công nghệ, cần nhất là nơi làm cơ sở hạ tầng, từ đó phần mềm mới phát huy tác dụng.

Hiện vẫn còn quá sớm trong kỷ nguyên AI tạo sinh, nhưng lợi nhuận ngành này sản sinh đã rất lớn. Tính chung 100 công ty do tờ Economist xem xét ở cả bốn loại đã đem về cho chủ nhân của chúng một tổng giá trị lên đến 8.000 tỉ đô la kể từ tháng 10-2022.

Hiện nay Nvidia sản xuất đến 80% các loại chip AI nên đang là kẻ chiến thắng vượt trội trong lĩnh vực phần cứng chip. Nhưng các đối thủ như Intel hay AMD cũng đang tung ra các sản phẩm cạnh tranh, chưa kể các startup như Groq chuyên làm chip AI siêu nhanh, Cerebras chuyên làm chip siêu lớn. Khách hàng lớn nhất của Nvidia là ba hãng điện toán đám mây cũng đang thiết kế chip của riêng mình để giảm phụ thuộc vào một mình Nvidia. Lisa Su, Tổng giám đốc AMD, dự báo doanh thu chip AI sẽ tăng nhanh từ mức 45 tỉ đô la năm 2023 lên đến 400 tỉ đô la vào năm 2027. Mức tăng này một mình Nvidia không thể kham nổi, tức miếng bánh sẽ phải chia cho nhiều đối thủ.

Các doanh nghiệp làm ra các mô hình nền tảng tuy không tạo ra giá trị gia tăng cao nhất xét theo con số tuyệt đối, nhưng xét theo tỷ lệ lại là nơi ăn nên làm ra nhất. Tổng giá trị thị trường của 11 doanh nghiệp loại này đã tăng từ 29 tỉ đô la lên 138 tỉ đô la trong vòng 16 tháng qua. OpenAI hiện được định giá chừng 100 tỉ đô la so với mức 20 tỉ đô la vào tháng 10-2022. Định giá của đối thủ Anthropic tăng mạnh từ 3,4 tỉ đô la vào tháng 4-2022 lên 18 tỉ đô la. Mistral, một startup của Pháp được thành lập chưa đầy một năm, nay được định giá chừng 2 tỉ đô la.

Giá trị của các công ty làm mô hình AI chủ yếu nằm ở các con chip họ phải trang bị để huấn luyện cho AI. Imbue, một hãng đóng ở San Francisco, mua đến 10.000 chip từ Nvidia; Cohere, một công ty Canada mua nhiều hơn, đến 16.000 chip - mỗi con chip giá vài chục ngàn đô la. Thứ nhì là chi phí huấn luyện mô hình, như GPT-4 nghe đâu tốn đến 100 triệu đô la. Dự báo các mô hình đời sau của OpenAI sẽ tốn nhiều hơn nữa để huấn luyện. Tuy nhiên giá trị thị trường gán cho các doanh nghiệp loại này là sở hữu trí tuệ và lợi nhuận tương lai các tài sản trí tuệ này sẽ đem lại.

Ở lĩnh vực này, OpenAI đang dẫn đầu nhưng các đối thủ đang thu ngắn khoảng cách như Claude 3 của Anthropic. Vào tháng 2-2024, Mistral gây ngạc nhiên cho cộng đồng AI khi chỉ với 40 nhân viên đã cho ra đời một mô hình có thể cạnh tranh ngang ngửa với GPT-4 của OpenAI trong khi cần ít tài nguyên hơn khi huấn luyện và hoạt động. Các mô hình nhỏ nhắm đến các tác vụ cụ thể lại có thành tích tốt hơn. Một startup, Nixtla, giới thiệu mô hình TimeGPT chuyên về dự báo tài chính. Một startup khác, Hippocratic AI huấn luyện mô hình của họ bằng dữ liệu từ các kỳ thi vào trường y đã cung cấp lời khuyên y tế chính xác.

Với các doanh nghiệp làm ứng dụng AI, mức tăng có vẻ khiêm tốn hơn - giá trị của 19 công ty niêm yết trong lĩnh vực này tăng thêm 35%, tương đương 1.100 tỉ đô la. Chúng bao gồm các công ty phần mềm lớn bổ sung AI vào dịch vụ họ cung cấp. Như Zoom dùng công nghệ tạo sinh để giúp người dùng tóm tắt các cuộc họp qua video. ServiceNow giới thiệu các Chabot biết trả lời các thắc mắc về IT của khách hàng. Adobe, nhà sản xuất phần mềm nổi tiếng Photoshop có ứng dụng Firefly biết dùng AI để biên tập ảnh một cách thông minh. Hiện có đến 12.000 ứng dụng có dùng AI, tăng vọt từ con số dưới 1.000 vào năm 2022.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới