(KTSG) - Bây giờ, AI không còn “dần dần” nữa, mà đã tiến như vũ bão vào một số ngành. Người lao động nơi công sở - thường được gọi chung là “dân văn phòng” - lo sợ bị mất việc vì bị AI thay thế.
- AI có thể khiến 25% lao động Hồng Kông thất nghiệp hoặc thay đổi công việc
- Một góc nhìn về tương lai của trí tuệ nhân tạo
Năm ngoái khi làm tiểu luận về AI (trí tuệ nhân tạo) trong lĩnh vực ngân hàng, cô giáo hỏi AI có thay thế được nhân viên ngân hàng không, câu trả lời thận trọng là AI sẽ dần dần thay thế những công việc lặp đi lặp lại trong ngân hàng như giao dịch trực tuyến sẽ dần thay thế giao dịch tại quầy.
Nhưng bây giờ thì AI không “dần dần” nữa, mà tiến như vũ bão vào một số ngành. Người bạn ở TPHCM gặp hôm đầu tuần kể, ngân hàng chỗ bạn làm mới tái cơ cấu lại năm chi nhánh mà đã dôi dư ra hơn một trăm người. Còn nhỏ cháu mười năm nay vẫn ổn định một công việc thì kêu trời, chắc phải kiếm thêm một công việc dự phòng “chứ ngành của con giờ giảm nhân sự quá, con thấy bất an, không biết khi nào tới phiên mình”.
Cắt giảm nhân sự ở các tập đoàn lớn, ở các nước công nghiệp phát triển là câu chuyện được báo chí nói tới nhiều hơn mấy năm gần đây mà lý do đằng sau đó ngoài chuyện làm ăn khó khăn, lạm phát, bất biến động về chính trị thì bóng dáng của AI ngày càng nhiều hơn.
Nay ở mình cũng đã hội nhập sâu và tận dụng tối đa công nghệ để nâng cao hiệu quả kinh doanh, tiết giảm chi phí. Việc máy móc thay thế con người là điều tất yếu. Cơn sóng cắt giảm nhân sự ở các công ty trong nước do tình hình kinh tế khó khăn, do tái cấu trúc, do ứng dụng công nghệ bắt đầu lan nhanh như nước lũ, người chạy trước an toàn, người chạy sau gặp nguy.
Ở một mảng nghề nghiệp như ngành ngân hàng, nhóm người nhìn xa, chuẩn bị cho mình theo kịp thời đại thì luôn học hỏi và sáng tạo, cháy hết mình với công việc. Một số người dự phòng thêm nghề tay trái để không bỡ ngỡ nếu có biến động không tốt về công việc. Thay đổi công việc ví dụ như từ back office sang front office (hoặc ngược lại) không hề dễ cho những ai đã làm một công việc ổn định quá lâu.
Mối nguy tăng dần cho những người khó thích nghi và ít tiếp nhận cái mới. Khi tình huống tái cơ cấu tại công ty xảy ra, người lao động rơi vào thế bị động và một ngày đẹp trời biết rằng mình sắp kết thúc hợp đồng lao động. Rồi cuộc sống của mình và người phụ thuộc sẽ ra sao? Bản thân mình phải tự giải quyết câu hỏi đó. Thị trường lao động vận hành cuộc chơi của nó và sức lao động trở thành một thứ hàng hóa quay cuồng.
Nghề giao dịch viên mới ngày nào hấp dẫn các bạn trẻ bởi sự hiện đại của nơi làm việc và sự cần thiết của khách hàng. Dãy ghế chờ tại các sảnh giao dịch ngân hàng luôn đầy khách và máy bốc số liên tục mời khách theo thứ tự. Mới mấy năm, nhất là từ sau đại dịch, các quầy tại ngân hàng đìu hiu. Không phải số lượng giao dịch ít đi mà là công nghệ và các nền tảng đã hỗ trợ khách hàng nhiều hơn.
Khách hàng có thể ngồi ở nhà để mua hàng, thanh toán bằng chuyển khoản hay dùng ví, họ cũng ít dùng tiền mặt nên cũng chẳng cần thiết phải đến các quầy ATM hay ra ngân hàng để rút tiền như trước. Khách hàng ít đến ngân hàng cũng đồng nghĩa với việc giao dịch viên có ít việc, ngân hàng cần ít người hơn và bố trí lại công việc hay kết thúc hợp đồng lao động là điều tất yếu. Mà không phải lúc nào cũng có chỗ trống khác để bố trí lại công việc. Các công việc back office còn bị công nghệ thay thế khủng khiếp hơn!
Cuộc sống thì luôn thay đổi và chuyến xe thời gian nghiến tan mọi thứ dưới chân nó để đi về phía trước. Bài tiểu luận của mình mới năm ngoái, hồi hộp chờ thực tiễn kiểm chứng mà năm nay việc tái cấu trúc ngân hàng đã đến giai đoạn quyết liệt. Hàng trăm nhân sự trong danh sách dôi dư chỉ là một con số tại một ngân hàng. Người đang có việc còn gian nan giữ việc, người nộp đơn tìm việc và sinh viên ra trường chắc còn gặp khó hơn
. Nếu chọn cho mình hướng đi làm công ăn lương chứ không phải là khởi nghiệp, các bạn trẻ hẳn phải cố gắng hơn để trở thành những “chiến binh”. AI vô hình nhưng có sức mạnh ghê gớm chứ chẳng chơi!