(KTSG Online) - Nếu những tiến bộ về phương thức cày đất thời trung cổ không giúp nông dân châu Âu thoát khỏi đói nghèo, thì phần lớn là do những người cai trị của họ chiếm đoạt các nguồn của cải tăng lên từ sản lượng mới và sử dụng chúng để xây dựng các thánh đường. Các nhà kinh tế cảnh báo, điều tương tự có thể xảy ra với trí tuệ nhân tạo (AI) nếu công nghệ này đi vào cuộc sống nhưng mang lại phần lớn lợi ích cho một số ít người.
Những người ủng hộ AI dự đoán một bước nhảy vọt về năng suất sẽ tạo ra của cải và cải thiện mức sống cho người dân. Trong một báo cáo phát hành hồi tháng 6, hãng tư vấn quản lý McKinsey ước tính, AI có thể giúp thế giới tăng thêm 14-22 nghìn tỉ đô la giá trị kinh tế hàng năm, gần bằng quy mô hiện tại của nền kinh tế Mỹ.
Một số người lạc quan về công nghệ AI còn mường tượng ra những viễn cảnh tốt đẹp hơn nữa. Họ cho rằng, cùng với robot, AI là công nghệ rốt cục sẽ giải phóng loài người khỏi những nhiệm vụ buồn tẻ và đưa chúng ta vào cuộc sống sáng tạo và thảnh thơi hơn.
Tuy nhiên, có rất nhiều lo ngại về tác động của AI đối với sinh kế, bao gồm cả rủi ro tàn phá việc làm trong tất cả các lĩnh vực. Mối lo này đã dẫn đến cuộc đình công hồi tháng 7 của các diễn viên Hollywood, những người sợ bị mất việc bởi vì những diễn viên đóng thế do AI tạo ra.
Những lo ngại đó không phải là không có cơ sở. Lịch sử cho thấy tác động kinh tế của những tiến bộ công nghệ nói chung là không chắc chắn, không đồng đều và đôi khi gây hại hoàn toàn.
Simon Johnson, giáo sư kinh tế và quản lý toàn cầu tại Trường Quản lý MIT Sloan (Mỹ), nói: “AI có rất nhiều tiềm năng, nhưng tiềm năng sẽ đi theo cả hai hướng. Chúng ta đang ở ngã ba đường”.
Một cuốn sách được xuất bản trong năm nay bởi giáo sư Simon Johnson và nhà nghiên cứu kinh tế Daron Acemoglu giảng dạy tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã xem xét hàng nghìn năm lịch sử công nghệ, từ phương tiện cày đất cho đến các ki-ốt tự thanh toán tự động, về mức độ thành công của chúng trong việc tạo việc làm và phân phối của cải.
Máy kéo sợi Spinning Jenny, giúp năng suất của một công nhân lên 8 lần, là chìa khóa để tự động hóa ngành dệt may vào thế kỷ 18. Tuy nhiên, Johnson và Acemoglu nhận thấy, công nghệ dẫn đến thời gian làm việc dài hơn trong điều kiện khắc nghiệt hơn đối với người lao động. Họ cũng chỉ ra rằng, máy tách hạt bông đã tạo điều kiện thuận lợi cho nỗ lực mở rộng chế độ nô lệ vào thế kỷ 19 ở miền Nam nước Mỹ.
Riêng tác động của công nghệ Internet rất phức tạp. Internet đã tạo ra nhiều vai trò công việc mới ngay cả khi phần lớn tài sản mà nó tạo ra rơi vào tay của một số ít tỉ phú. Tuy nhiên, mức tăng năng suất nhờ công nghệ này đã chậm lại ở nhiều nền kinh tế.
Một báo cáo nghiên cứu hồi 6 của Ngân hàng Natixis (Pháp) cho rằng, ngay cả một công nghệ phổ biến như Internet cũng chưa chạm tới đến nhiều lĩnh vực. Trong khi đó, nhiều công việc mà công nghệ này tạo ra có tay nghề thấp, chẳng hạn như nhân viên giao hàng cho các đơn hàng đặt mua trực tuyến.
“Chúng ta nên thận trọng khi ước tính tác động của AI đến năng suất lao động”, báo cáo của Natixis cảnh báo.
Trong một nền kinh tế toàn cầu hóa, có những lý do khác để nghi ngờ liệu những lợi ích tiềm năng của AI có được lan tỏa một cách đồng đều hay không.
Một mặt, có nguy cơ xảy ra “cuộc đua xuống đáy” khi các chính phủ cạnh tranh để đầu tư vào AI với các quy định ngày càng lỏng lẻo. Mặt khác, các rào cản để thu hút đầu tư AI có thể cao đến mức khiến nhiều nước nghèo hơn bị bỏ lại phía sau.
“Bạn phải có cơ sở hạ tầng phù hợp, với năng lực tính toán khổng lồ”, Stefano Scarpetta, Giám đốc phụ trách các vấn đề việc làm, lao động và xã hội của Tổ chức Hợp tác và phát triển Kinh tế (OECD), nói về các điều kiện cần có để phát triển AI.
Ông cho rằng cần có một thỏa thuận rộng lớn hơn trên bình diện toàn cầu về các tiêu chuẩn kỹ thuật để kiểm soát AI tạo sinh cũng như xem xét các cơ hội và thách thức của công nghệ này.
Đổi mới không phải là điều quá khó nhưng thách thức lớn hơn là làm cho các đổi mới phù hợp với tất cả mọi người. Đó là lúc các nhà chính trị cần phải can thiệp.
Đối với giáo sư Simon Johnson, sự xuất hiện của đường sắt ở Anh vào thế kỷ 19 trong bối cảnh cải cách dân chủ nhanh chóng đã cho phép xã hội rộng lớn hơn hưởng lợi nhờ tiến bộ đó. Chẳng hạn, đường sắt giúp việc vận chuyển thực phẩm tươi nhanh hơn hoặc cho phép mọi người lần đầu tiên được trải nghiệm du lịch giải trí.
Những lợi ích dân chủ tương tự ở những nơi khác đã giúp hàng triệu người tận hưởng thành quả của tiến bộ công nghệ trong thế kỷ 20. Nhưng Johnson cho rằng, điều này bắt đầu thay khi “chủ nghĩa tư bản cổ đông” phát triển mạnh mẽ trong 40 năm qua. Chủ nghĩa tư bản cổ đông là một hệ thống trong đó các công ty được định hướng để phục vụ lợi ích của tất cả cổ đông của họ.
Ông lập luận, ki-ốt thanh toán tự động là một trường hợp điển hình của chủ nghĩa tư bản cổ đông. Các ki-ốt này không giúp hàng tạp hóa trở nên rẻ hơn. Cuộc sống của người mua sắm cũng không thay đổi và không có công việc mới nào được tạo ra. Chúng chỉ giúp các công ty liên quan tăng lợi nhuận nhờ giảm chi phí lao động.
Các công đoàn lao động, vốn đã mất nhiều sức mạnh mà họ có trước thập niên 1980, xác định AI là mối đe dọa tiềm ẩn đối với quyền lợi cũng như việc làm của người lao động. Chẳng hạn, AI có thể ra các quyết định tuyển dụng và sa thải.
Mary Towers, một lãnh đạo chính sách về quyền lao động của tổ chức Đại hội Công đoàn Anh (TUC), nhấn mạnh tầm quan trọng về “quyền tham vấn theo luật định, có khả năng thương lượng tập thể về công nghệ tại nơi làm việc” của các công đoàn lao động.
Đó chỉ là một trong nhiều yếu tố giúp xác định cách AI định hình đời sống kinh tế của chúng ta, từ các chính sách chống độc quyền nhằm đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà cung cấp AI cho đến việc đào tạo lại lực lượng lao động.
Một cuộc khảo sát của OECD với khoảng 5.300 người lao động, được công bố hồi tháng trước, cho thấy AI có thể mang lại lợi ích như sự hài lòng trong công việc, sức khỏe và tiền lương nhưng cũng gây ra các rủi ro liên quan đến quyền riêng tư, củng cố các thành kiến tại nơi làm việc và thúc ép mọi người làm việc quá sức.
“Câu hỏi đặt ra là liệu AI có làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng hiện có hay công nghệ này thực sự có thể giúp chúng ta lấy lại điều gì đó công bằng hơn nhiều?”, giáo sư Johnson đặt câu hỏi.
Theo Reuters