Thứ hai, 20/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

AI tạo sinh có thể làm tăng tỷ lệ thất nghiệp ở các nước châu Á đông dân

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Các nhà kinh tế cảnh báo rằng trí tuệ nhân tạo tạo sinh (generative AI) như ChatGPT của OpenAI có thể làm suy giảm số việc làm ở Ấn Độ và Indonesia, tác động lớn đến hai nền kinh tế có tỷ lệ người trẻ thất nghiệp cao.

Các công nghệ AI tạo sinh như ChatGPT có thể tác động lớn đến các nước châu Á đông dân như Ấn Độ và Indonesia với tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ cao. Ảnh: Shutterstock

Trong cuộc khảo sát hàng quí được thực hiện vào tháng 6, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Nhật Bản(JCER) và Nikkei Asia đã hỏi các nhà kinh tế và nhà phân tích ở Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Ấn Độ về tác động của công nghệ mới.

Trong số 18 nhà kinh tế trả lời, 14 người nói rằng công nghệ này có tác động tích cực. Họ kỳ vọng năng suất sẽ tăng lên thông qua tự động hóa các công việc chuyên môn, đặc biệt là trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và giáo dục.

Tuy nhiên, một số người từ Ấn Độ và Indonesia khi được hỏi đã chia sẻ quan điểm tiêu cực về AI tạo sinh. Theo đó, công nghệ này có thể dẫn đến tỷ lệ thanh niên thất nghiệp tương đối cao. Ấn Độ hiện đông dân nhất thế giới với hơn 1,4 tỉ người, còn Indonesia đông nhất Đông Nam Á và thứ tư thế giới với hơn 281 triệu người. Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), dù tăng trưởng kinh tế ổn định nhưng tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong độ tuổi từ 15-24 ở Ấn Độ và Indonesia trong năm 2022 lần lượt là 23% và 13%.

Nhà kinh tế Josua Pardede thuộc Ngân hàng Permata tại Indonesia cho rằng: “Do Indonesia vẫn cần cung cấp việc cho dân số ở tuổi lao động trong tương lai gần, nên việc tăng tốc tự động hóa có thể dẫn đến tỷ lệ thâm dụng lao động thấp hơn ở Indonesia”.

Nhà phân tích Punit Srivastava của hãng chứng khoán Daiwa Capital Markets ở  Ấn Độ đã chỉ ra rằng ở các quốc gia Nam Á, các lĩnh vực như sáng tạo nội dung, quảng cáo và lập trình có thể phải đối mặt với nguy cơ giảm cơ hội việc làm.

Các nhà kinh tế bên ngoài hai quốc gia nước này cũng bình luận về tác động có thể có đối với việc làm.

Mitzie Irene Conchada từ Đại học De La Salle ở Philippines cho rằng: “Quá trình chuyển đổi đồng nghĩa với việc mất một số công việc ở cấp độ thấp. Một tác động tiêu cực khác có thể là sự không phù hợp trong công việc, nơi một số sinh viên mới tốt nghiệp có thể thấy mình không phù hợp hoặc thiếu kỹ năng để thích ứng với việc sử dụng AI tạo sinh tại nơi làm việc”.

Cuộc khảo sát cũng cho thấy AI có thể mang lại lợi ích cho các nước tiên tiến như Singapore. Randolph Tan thuộc Đại học Khoa học Xã hội Singapore nói rằng: “Là một nền kinh tế tiên tiến với phần lớn lực lượng lao động có các vai trò cấp cao như quản lý và điều hành, ChatGPT mang lại tiềm năng đáng kể để tăng cường năng lực cho lực lượng lao động nhỏ của Singapore”.

Bên cạnh việc làm, các nhà kinh tế lưu ý những tác động tiêu cực tiềm ẩn từ AI tạo sinh như vi phạm bản quyền hoặc tạo tin giả. Vincent Loo Yeong Hong thuộc hãng KAF Research ở Malaysia kêu gọi cần chú ý sự gia tăng tỷ lệ đạo văn và các vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ.

Nhà phân tích Mohd Sedek của UOB Kay Hian Securities tại Malaysia cho biết các khung pháp lý hiện tại vẫn chưa sẵn sàng để xử lý nhiều khía cạnh của AI. Ông đặt câu hỏi rằng liệu con người có đủ luật để giải quyết các hậu quả không mong muốn của AI tạo sinh hay không.

Hai năm trước khi ChatGPT ra đời, năm 2020, hãng tư vấn Kearney của Mỹ và quỹ đầu tư EDBI của Cơ quan phát triển kinh tế Singapore công bố kết quả khảo sát về AI tại ASEAN. Báo cáo của Kearney và EDBI nói rằng đầu tư cho các giải pháp AI ở Đông Nam Á đạt trung bình 2 đô la Mỹ trong giai đoạn 2015-2019. Singapore là nước nổi bật trong khối ASEAN với mức đầu tư 68 đô la Mỹ/đầu người vào năm ngoái. Nhưng Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Việt Nam và Philippines bị bỏ xa với mức chi dưới 1 đô la. Trong các nền kinh tế có tầm vóc ở khu vực, Việt Nam chỉ chi 3 xu Mỹ và Philippines thì dưới 1 xu Mỹ.

Trong khi đó, Mỹ đứng đầu toàn cầu với 155 đô la/người. Trung Quốc với số dân khổng lồ nhưng vẫn đạt mức 21 đô la trong năm 2019.

“Trí tuệ nhân tạo có thể giúp nâng nền kinh tế các nước Đông Nam Á lên tầm cao hơn, nhưng chỉ khi ASEAN cố gắng lấp dần khoảng cách trong đầu tư vào ngành công nghệ AI khiến các nước tụt hậu sau Mỹ và Trung Quốc 2-3 năm trong việc ứng dụng AI”, báo cáo nhấn mạnh.

Theo Nikkei Asia, Kearney, EDBI

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới