Thứ bảy, 21/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

AI và mạng xã hội – khi dối trá được nâng tầm!

Hồ Quốc Tuấn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(XUÂN KTSG) - Deepfake là một trong 13 từ thời thượng của năm 2023 được từ điển Merriam-Webster chọn. Theo từ điển này, deepfake là “một hình ảnh hoặc đoạn ghi âm đã được thay đổi và chỉnh sửa một cách thuyết phục nhằm xuyên tạc rằng ai đó đang làm hoặc nói điều gì đó mà thực tế họ không hề làm hoặc nói điều đó”.

Deepfake: Từ tỉ phú Ấn Độ giới thiệu platform đầu tư cho đến Cristiano Ronaldo... nói tiếng Việt, bán áo thun

Một ví dụ rất nổi bật trong giới đầu tư tài chính hơn một tháng nay là việc đoạn video giả mạo tỉ phú Narayana Murthy, đồng sáng lập của Infosys, để quảng bá cho “Quantum AI”, một nền tảng đầu tư được quảng cáo là đem lại lợi nhuận từ thị trường chứng khoán, lan truyền trên mạng xã hội Facebook.

Đoạn video giả mạo này cho thấy ông Murthy tuyên bố ông và tỉ phú Elon Musk đang hợp tác trong một dự án gọi là Quantum AI với khả năng kiếm tiền từ thị trường chứng khoán. Đó là một đoạn deepfake được dựng lại từ video mà ông Murthy phát biểu hồi tháng 7-2023 về một chủ đề kinh tế, không liên quan gì đến AI.

Bạn nghĩ rằng chuyện này ở nước ngoài thôi à? Không hề! Mới đây, một đoạn video ghi lại cảnh Cristiano Ronaldo đi review... áo blazer và “bắn tiếng Việt” vanh vách đã gây chú ý trên mạng xã hội. Điều hài hước là đoạn video này được tạo ra bằng công nghệ AI với hình ảnh gương mặt của Cristiano Ronaldo được ghép vào.

Nếu không phải là Cristiano Ronaldo mà là một nghệ sĩ hay người nổi tiếng ở Việt Nam thì sao? Có lẽ sẽ có nhiều người bị mắc lừa hơn. Và nếu không phải tỉ phú Ấn Độ Narayana Murthy mà là một quan chức Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tuyên bố thả tỷ giá trung tâm tăng 7-9% (nghĩa là cho tiền đồng mất giá mạnh) thì sao? Hoặc là một video cho biết Elon Musk sẽ đầu tư vào một công ty niêm yết ở Việt Nam?

Sẽ nguy hại hơn nếu các video đó dán một logo của một hãng truyền thông nổi tiếng vào rồi lan truyền trên mạng xã hội!

Deepfake + mạng xã hội = nâng tầm dối trá!

Vấn đề là trước đây để chỉnh sửa một video Narayana Murthy nói chuyện không liên quan gì đến AI thành một video quảng bá cho Quantum AI thì phải tốn rất nhiều thời gian. Công nghệ deepfake nay đã giúp một tay mơ cũng làm được điều đó một cách ngon lành, nhanh chóng. Và các mạng xã hội tiêu dùng nội dung nhanh như các video khoảng hai phút của TikTok khiến nhiều người dễ bị mất cảnh giác, mất phản xạ kiểm tra lại thông tin. Dối trá sẽ được nâng tầm, tin giả sẽ lan truyền và nhiều tổn thất không dự đoán được có thể xảy ra.

AI cộng hưởng với mạng xã hội đang trở thành một cặp đôi hoàn hảo để nâng tầm sự dối trá và thao túng ý kiến của người dân

Một người bạn của tôi làm trong ngành truyền thông cho biết rủi ro cho các doanh nghiệp là rất đáng kể nếu một ai đó lan truyền một video do chuyên gia nổi tiếng “bóc phốt” một sản phẩm, “nói xấu” một thương hiệu, ví dụ nói thực phẩm có chất gây ung thư.

Họ chỉ cần lấy một video của chuyên gia này trả lời truyền thông chính thống, và chỉnh sửa lại như chỉnh sửa video của ông tỉ phú Narayana Murthy. Trong cuộc chơi về truyền thông, ấn tượng và định kiến, sẽ không cần quan tâm đến đúng sai tuyệt đối. Chỉ cần tạo một ấn tượng xấu về thương hiệu là đủ gây tổn thất lớn rồi, bạn tôi nói.

2024 được cảnh báo là một năm mà deepfake có thể ảnh hưởng sâu rộng đến các cuộc bầu cử lớn trên thế giới, trong đó có cuộc bầu cử ở Mỹ và Anh. Một số chuyên gia an ninh và chính trị ở Anh đã cảnh báo công nghệ deepfake có thể được sử dụng để tạo ra một số đoạn video giả mạo, trong đó các chính trị gia tranh cử nói hoặc làm những điều mà họ hoàn toàn không nói hoặc làm.

Mạng xã hội lan truyền những đoạn video đó và sẽ ảnh hưởng đến cách các cử tri nghĩ về ứng viên và quyết định bỏ phiếu. Khi mà định kiến đã được xác lập rồi, thì những đính chính sau đó hầu như sẽ không còn ý nghĩa nữa. Người ta chỉ cần tung tin giả và chỉ cần người khác tin là được. Đúng sai không quá quan trọng trong một cuộc chơi cố gắng ảnh hưởng vào định kiến của cử tri.

Trung tâm An ninh mạng quốc gia của Anh (NCSC) đã cảnh báo các công nghệ mới như ứng dụng ngôn ngữ lớn (ChatGPT chẳng hạn), ứng dụng chuyển từ câu lệnh ra bài viết, video (text-to-speech, text-to-video), hoặc công cụ chỉnh sửa video bằng AI khiến một người có thể tạo ra hàng ngàn video từ phòng ngủ của mình, điều mà trước đây cần cả một đội ngũ để làm. Các chiến dịch truyền thông lan truyền tin thất thiệt (misinformation) được dự báo sẽ rất phức tạp trong năm 2024.

Đảng Lao động của Anh đã bị ngấm đòn đầu tiên. Một đoạn ghi âm được lan truyền trên mạng xã hội cho thấy Sir Keir Starmer, lãnh đạo Đảng Lao động, đang la mắng các trợ lý. Truyền thông và Đảng Lao động đã nhanh chóng cung cấp thông tin khẳng định đoạn ghi âm này là ngụy tạo, nhưng làm sao nhanh bằng tốc độ lan truyền tin giả trên mạng xã hội. Đã có 1,5 triệu lượt theo dõi đoạn ghi âm đó trên các tài khoản nhiều người theo dõi. Sky News nhận xét: “Điều đáng sợ là chúng ta không biết bao nhiêu người đã tin vào đoạn ghi âm đó”.

Vậy làm điều này khó cỡ nào? Nguyễn Hồng Phúc, một người bạn trên Facebook của tôi, đã chỉ ra nó dễ như ăn kẹo trong một bài viết tiêu đề “Khi sự dối trá được nâng tầm: Ronaldo đi bán áo thun hay Phương Mỹ Chi Mukbang 30 giây” trên Facebook. Bạn viết như sau: “Để làm giả giọng nói của một chính trị gia quan trọng? Dễ thôi, tải con AI Coqui-TTS, kiếm bản ghi âm năm phút giọng nói của vị ấy, xong đưa vào con AI Coqui-TTS cho nó học sao chép giọng nói này. Sau đó bạn có thể dùng con ChatGPT-4 để kêu nó viết một bài phát biểu theo phong cách của vị ấy, rồi nhập cái bài phát biểu vô cho con Coqui-TTS nó đọc y chang cái bài phát biểu đó ra”.

Làm xong rồi thì cứ đưa lên mạng xã hội rồi lan truyền nó thôi. Bây giờ nhiều mạng xã hội còn cho bạn trả tiền để tăng độ tiếp cận với cộng đồng nữa. Điều phức tạp là, trong một số tình huống, chứng minh một đoạn video hay ghi âm là giả cũng không hề dễ dàng, và thuyết phục những người đã tin vào các sản phẩm xuyên tạc đó còn khó hơn nữa. AI cộng hưởng với mạng xã hội đang trở thành một cặp đôi hoàn hảo để nâng tầm sự dối trá và thao túng ý kiến của người dân.

Làm gì trong kỷ nguyên deepfake và tin giả?

Trước tiên, là mỗi người trong chúng ta cần phải hết sức cảnh giác và suy nghĩ kỹ trước khi đăng một cái gì lên mạng xã hội. Những người có nhiều ảnh hưởng càng cần phải thận trọng, vì họ chính là một trong những nguồn đáng tin cậy để người khác bấm nút chia sẻ.

Điều thứ hai, là các đơn vị truyền thông chính thống càng phải nỗ lực khẳng định uy tín của mình. Tôi nghe một vài người lớn tuổi ở Việt Nam tin vào “tụi trên mạng nói” hơn là tin vào truyền thông chính thống, bởi vì đôi khi họ cảm thấy “giá cả tăng quá, thấy đóng cửa, thất nghiệp nhiều mà sao báo chí vẫn đăng phát biểu kinh tế khả quan”.

Trong kỷ nguyên tin giả lan tràn, đơn vị truyền thông chính thống càng phải khẳng định được uy tín và không nên chạy theo các chiêu trò, giật tít, để “câu view”, làm mất niềm tin của công chúng. Khi công chúng không còn tin truyền thông chính thống nữa, thì cuộc chiến chống tin giả sẽ vô cùng khó khăn.

Thứ ba, theo tôi, các chuyên gia cần phải tích cực tham gia vào mạng xã hội và giải thích cho công chúng về các vấn đề trong chuyên môn của mình, cũng như tạo lập uy tín và niềm tin vào chuyên môn của họ. Rồi chính họ sẽ là những đại sứ của thông tin đúng, thông tin sạch, là những thành viên quan trọng trong cuộc chiến chống tin giả. Chuyện “bác sĩ chơi TikTok” để góp phần đưa ra những thông tin đúng đắn, chống lại những thông tin về sức khỏe tinh thần sai lệch tràn lan trên mạng xã hội là một ví dụ tích cực.

Cuối cùng, chính là sự vào cuộc của cơ quan chức năng. Trong cuộc chiến chống deepfake và thông tin sai lệch, cần có những khung pháp lý mới. Sẽ dễ để chọn cách “kiểm duyệt, cấm” các loại thông tin, nhưng đó là một tiến trình có thể gây ra tác động ngược, khiến người ta dị ứng và càng dễ tin vào các tin lề trái, được che che giấu giấu trên các mạng xã hội bí mật hơn.

Bản chất con người thích các tin đồn đoán, thích những bí mật bị giấu. Và người ta cũng vin vào những hoạt động kiểm duyệt để lên án những nỗ lực chống tin giả là các hành vi kiểm duyệt, bịt miệng thông tin trái chiều.

Vì vậy, thay vào đó, cần có những khuôn khổ khuyến khích các động thái “hiệp sĩ trắng”, tạo điều kiện cho nguồn lực được tập trung để thành lập các nhóm chống tin giả, thúc đẩy các công nghệ kiểm chứng video, bản ghi âm, và nâng cao vai trò của các đơn vị truyền thông chính thống và chuyên gia trong cuộc chiến chống tin giả. Nhà nước cần đồng hành với nhiều chủ thể trong xã hội để chống tin giả qua sự minh bạch, giám sát kịp thời, hỗ trợ, chứ không phải cấm đoán và kiểm duyệt.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới