Thứ năm, 7/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

AI và thách thức của marketing hiện đại

TS. Lương Hà và trợ lý ảo ChatGPT

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Sự hiểu biết sâu sắc về tâm lý và sở thích của từng người cũng đặt ra vấn đề về sự phụ thuộc và ảnh hưởng của AI (trí tuệ nhân tạo) đối với quan điểm và hành vi của con người, kể cả trong việc tiêu dùng...

Trong căn nhà yên bình của gia đình anh Đức, bình minh bắt đầu với giai điệu du dương tự động phát ra từ chiếc loa của quản gia ảo thông minh AI, với lời chào buổi sáng đầy ân cần, nhẹ nhàng đánh thức mọi người trong nhà. Đó dường như là một phiên bản nâng cấp mới nhất của Amazon Alexa hoặc Google Home. Bữa sáng nóng hổi hợp khẩu vị từng thành viên trong gia đình, với thực đơn được tối ưu hóa cho sức khỏe theo nhu cầu từng thành viên, được AI đặt qua app Gogofood vừa được shipper giao tới. Sau khi mọi người rời khỏi nhà bắt đầu một ngày bận rộn với công việc và học tập, quản gia AI tự động điều chỉnh lại nhiệt độ, ánh sáng, và an ninh của ngôi nhà ở mức tiết kiệm năng lượng tối đa. Khi màn đêm buông xuống, gia đình anh Đức lại quây quần bên nhau, quản gia AI lại một lần nữa thể hiện vai trò không thể thiếu của mình. “Anh” ta không những đề xuất các bộ phim phù hợp với sở thích của từng thành viên, mà còn được mọi người lấy ý kiến xác thực cuối cùng trong các cuộc thảo luận: từ việc lên kế hoạch cho kỳ nghỉ sắp tới, mua sắm quà Giáng sinh, đến việc chọn trường cho cậu cả đang chuẩn bị đi du học... Sự hiểu biết sâu sắc về tâm lý và sở thích của từng người trong gia đình khiến quản gia AI trở thành một phần quan trọng trong việc duy trì sự gắn kết và ấm áp trong không gian gia đình...

Nếu chỉ nghiên cứu hành vi người tiêu dùng thuần túy như cách truyền thống thôi vẫn chưa đủ mà phải đồng thời nghiên cứu thêm ảnh hưởng của AI đến quyết định mua hàng. Nghiên cứu hành vi người tiêu dùng vẫn quan trọng nhưng đòi hỏi phải kết hợp phân tích truyền thống và insights - hiểu biết sâu sắc - từ AI. Dùng AI để nghiên cứu AI cũng là hướng đi cho sự phát triển của ngành nghiên cứu thị trường trong tương lai.

Đó là một viễn cảnh tưởng chừng như trong phim khoa học viễn tưởng nhưng đang dần dần hình thành rõ nét trong thời đại công nghệ số. Trong mỗi khoảnh khắc hàng ngày, nếu chúng ta chú ý, sẽ thấy từ bình minh cho đến hoàng hôn, AI đã và đang trở thành một phần không thể tách rời của cuộc sống, mang lại sự tiện lợi, thông tin và cả sự phụ thuộc đến mức như nghiện của nhân loại vào công nghệ.

Chẳng cần đến bàn phím hay cú chạm trên điện thoại để gọi điện hay nhắn tin, giờ đây trợ lý ảo AI được tích hợp trong các loa thông minh cho phép người dùng kết nối với mọi người thông qua các cuộc gọi và tin nhắn “rảnh tay” tiện lợi và nhanh chóng. Các nền tảng mạng xã hội và âm nhạc như TikTok, Facebook, hay Spotify đều được AI tối ưu hóa dựa trên sở thích cá nhân, tạo ra một thế giới quan dường như hoàn hảo và phản ánh chính xác suy nghĩ của người dùng. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra vấn đề về sự phụ thuộc và ảnh hưởng của AI đối với quan điểm và hành vi của con người.

Theo nhiều nghiên cứu về xã hội học và AI voice bots (robot giọng nói thông minh), sự tương tác của người dùng với AI voice bots dẫn đến việc họ xem chúng như bạn bè, thành viên gia đình, hoặc thể hiện sự tin tưởng. Người dùng coi AI voice bots như một con người khác, bởi khả năng thể hiện sự đồng cảm, kỹ năng lắng nghe chủ động, và sự liên tục. Hiện tượng anthropomorphism, nơi con người vô thức gán các đặc điểm xã hội cho thiết bị phi nhân loại, ngày càng trở nên phổ biến, dẫn đến những thay đổi lớn trong cách thức tương tác xã hội của loài người.

Trong lĩnh vực thương mại điện tử (e-commerce), một thách thức lớn đối với các nền tảng mua sắm trực tuyến là việc “làm hài lòng” các trợ lý ảo AI. Bởi lẽ, với đà phát triển hiện nay của công nghệ, trải nghiệm người dùng trên các nền tảng e-commerce tiến tới sẽ được trợ lý AI “đánh giá” trước. Tác nghiệp tìm kiếm món hàng thông thường (ví dụ: nhập từ khóa, tìm kiếm mặt hàng phù hợp, đọc bình luận, so sánh giá, ra quyết định) sẽ hoàn toàn bị thay thế bằng mỗi khẩu lệnh “Lên Shopee tìm kiếm vài món quà Tết phù hợp cho sếp của tôi, nữ, 44 tuổi, thích yoga và du lịch”!

Trong bối cảnh AI ngày càng trở thành trung tâm đó, việc đưa ra quyết định mua sắm sẽ gần như giao phó hoàn toàn cho AI nếu vị trợ lý thông minh này còn kiêm luôn việc quản trị tài chính gia đình. Các marketer khi ấy cần phải điều chỉnh chiến lược của mình, dựa trên dữ liệu lớn và máy học (machine learning). Việc tạo ra nội dung và sản phẩm không chỉ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng mà còn cả tiêu chí lựa chọn theo thuật toán của AI. Nhìn ở góc độ này, AI cũng là một người tham gia ra quyết định. Do đó, nếu chỉ nghiên cứu hành vi người tiêu dùng thuần túy như cách truyền thống thôi vẫn chưa đủ mà phải đồng thời nghiên cứu thêm ảnh hưởng của AI đến quyết định mua hàng. Ngành nghiên cứu thị trường do đó cần thích nghi và phát triển. Nghiên cứu hành vi người tiêu dùng vẫn quan trọng nhưng đòi hỏi phải kết hợp phân tích truyền thống và insights - hiểu biết sâu sắc - từ AI. Dùng AI để nghiên cứu AI cũng là hướng đi cho sự phát triển của ngành nghiên cứu thị trường trong tương lai.

“Có thể thấy tương lai phát triển của AI và sự tác động vào đời sống nhân loại (tích cực lẫn tiêu cực) là điều không thể hình dung hết được. Do đó đòi hỏi chúng ta phải có một chiến lược toàn diện để đón đầu và hạn chế những mặt trái. Điều này bắt đầu từ việc giáo dục người dùng về cách thức hoạt động, quyền riêng tư và an toàn dữ liệu của AI. Phát triển AI cần tuân thủ nguyên tắc đạo đức, đảm bảo quyền riêng tư, an toàn dữ liệu và tránh định kiến, với sự hợp tác của các chuyên gia đạo đức, luật sư và nhà xã hội học. Chính phủ và cơ quan quản lý cần thiết lập quy định và chuẩn mực, quản lý việc thu thập và sử dụng dữ liệu, đồng thời ngăn chặn việc sử dụng AI gây hại. Sự tham gia của cộng đồng người dùng trong quá trình phát triển và đánh giá AI là quan trọng, giúp nhà phát triển hiểu rõ ảnh hưởng của AI. Tóm lại, một cách tiếp cận cân nhắc và có trách nhiệm sẽ giúp chúng ta tận dụng lợi ích của AI, đồng thời kiểm soát rủi ro và mặt trái, hướng tới sự phát triển bền vững và công bằng của công nghệ trong xã hội”. (Hoàn toàn được viết bởi ChatGPT).

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới