(KTSG) - Tôi làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin (gọi ngắn là IT) khoảng 40 năm và chứng kiến nhiều biến đổi của đất nước. Với dân IT, tôi nhớ ba mốc quan trọng: 1975 - kết thúc chiến tranh, 1986 - đổi mới, và 1997 - mở cổng Internet.
- Cha đẻ giống gạo ST25: ưu thế chất lượng cao của gạo Việt đang bị đe doạ
- Gạo ST25 của ông Cua được bảo hộ độc quyền ở những thị trường nào?
Có hòa bình mới có phát triển, mới có tương lai. Thắng ngoại xâm rất khó, nhưng xây dựng thời bình cũng không dễ. Vậy mới có chuyện nhầm lẫn trong quản lý kinh tế vĩ mô. Đổi mới là để cất cánh. Cất cánh rồi thì cần công nghệ, công nghệ là chìa khóa cho phát triển xa hơn, con đường mỗi quốc gia đều đi qua.
Có một số mục tiêu “Đổi mới” đặt ra năm 1986, nhưng tôi yêu thích nhất mục “Trao quyền sử dụng đất (Khoán 10)” được thực hiện năm 1988. Nói nôm na, nông dân (80% dân số khi đó) có thể lựa chọn ở trong hợp tác xã hoặc trở thành hộ cá thể và được làm chủ ruộng đồng của mình. Là con nhà nông, tôi biết giá trị của việc làm chủ ruộng đồng như thế nào. Trước đó với chính sách mỗi hộ được 5% ruộng là của riêng, những mảnh ruộng này được chăm bón tốt hơn hẳn so với ruộng của hợp tác xã cha chung không ai khóc.
Từ phải nhập lương thực, Việt Nam thành nước xuất gạo nhất nhì thế giới nhờ... khoán. Vẫn diện tích ấy, vẫn những người nông dân ấy, khi chính sách vĩ mô thay đổi, từ thiếu gạo thành xuất khẩu do đất có chủ.
Về IT, Internet là đòn bẩy cho kinh tế đất nước, là “cái cày” của người dân trong “đồng ruộng” toàn cầu. Đưa Internet đến từng người dân giống như ta đã trả lại ruộng đất cho nông dân. Họ tự biết làm thế nào để tạo ra sản phẩm trên “đồng ruộng tri thức” ấy để xuất khẩu loại “gạo mới”, phần mềm, phần cứng, sản phẩm trí tuệ và giờ đây là trí tuệ nhân tạo (AI).
Trong gần bốn thập niên kể từ khi đổi mới, từ một nước nghèo Việt Nam đã phát triển vượt bậc, trở thành quốc gia thu nhập trung bình, IT và nông nghiệp cũng vậy. Thông tin về lúa gạo, về trồng trọt, về giá cả, đều được nông dân biết tới qua mấy cái quẹt ngón tay trên điện thoại thông minh.
Rồi có lúc AI make in Vietnam sẽ xuất hiện trên thế giới. Nhưng các cụ đã nói, có thực mới vực được đạo. Trước hết Việt Nam đi từ thế mạnh, có gạo ngon rồi sẽ vực được AI.
Theo Statista, tiêu thụ gạo toàn cầu đã tăng nhẹ trong vài năm qua. Trong năm 2022, thế giới với gần 8 tỉ người đã tiêu thụ khoảng 520 triệu tấn gạo, tăng từ 437 triệu tấn từ năm 2008.
Theo dự đoán của Liên hiệp quốc năm 2022, dân số thế giới sẽ đạt đỉnh khoảng 10 tỉ người vào năm 2080 và có thể chững lại - chỉ ở khoảng 9-10 tỉ người vào năm 2100, trong khi đó đất trồng trọt, nhất là trồng lúa gạo không thay đổi nhiều, chỉ dao động từ 162 triệu héc ta năm 2010 đến 166 triệu héc ta năm 2021. Xu hướng này không tăng do biến đổi khí hậu, diện tích trồng lúa nước sẽ giảm do nước biển dâng lên.
Câu hỏi đặt ra là tìm đâu lương thực cho đủ 2 tỉ dân mới sinh từ nay đến cuối thế kỷ?
Ấn Độ được coi là nhà sản xuất gạo hàng đầu thế giới dùng khoảng 45 triệu héc ta cho trồng lương thực. Việt Nam trồng lúa là chính, có khoảng 7,3 triệu héc ta và tạo ra khoảng 43 triệu tấn lương thực hàng năm. Dân số Việt Nam sắp cán mốc 100 triệu, nhưng diện tích trồng cấy không tăng, nông dân ít dần.
Để tìm câu trả lời cho an ninh lương thực có nhiều giải pháp như kiềm chế biến đổi khí hậu, hạn chế nước mặn xâm lấn, cải tạo sa mạc, thay đổi hành vi dùng lương thực, thực phẩm, tạo ra thực phẩm nhân tạo.
Những thập niên gần đây, người trồng lúa có những giống mới ngắn ngày, thay vì sáu tháng thì nay chỉ cần ba tháng đã thu hoạch. Tuy nhiên, số lượng tăng thì chất lượng giảm. Các nhà trồng lúa thế giới đang nghiên cứu loại lúa chất lượng cao, cũng diện tích ấy, cũng sản lượng ấy, nhưng chất lượng gấp 2-3 lần, thay vì phải ăn ba bát cơm thì chỉ cần một bát cũng đủ vi chất.
Tin vui mới đây, tổ chức Rice Trader đã thông báo hội thi năm nay (2023) có sự tham dự của 30 mẫu giống gạo đến từ nhiều nước. Chỉ có ba giống gạo vào được tốp 3 chung cuộc. Đó là từ Campuchia, Ấn Độ và Việt Nam.
Giải gạo ngon nhất thế giới năm 2023 là gạo ST25, được phát triển bởi doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí mà dân gian hay gọi là gạo ông Cua - bắt nguồn từ tên gọi của ông Hồ Quang Cua, cha đẻ của giống gạo này và cũng là bố ông Trí.
Gạo bình thường có giá khoảng 15.000 đồng/ki lô gam thì gạo ông Cua có giá khoảng gấp 3, một bát có giá trị bằng ba bát. Nâng cao chất lượng là giải pháp quan trọng cho an ninh lương thực toàn cầu do đất trồng trọt không tăng. Từ “ngon nhất thế giới” tới “bổ” vi chất là con đường trước mắt.
Một tin khác cũng vui không kém. Đó là chuyến thăm Việt Nam (ngày 10 đến 12-12-2023) của Chủ tịch, CEO Tập đoàn Nvidia, ông Jensen Huang đánh giá Việt Nam đã sẵn sàng cho sự phát triển AI và nhấn mạnh sẽ hỗ trợ Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn. Hình ảnh ông ngồi vỉa hè ăn phở bụi cho thấy, mùi gạo vẫn còn trong máu thịt của vị người Mỹ gốc Đài Loan này.
Thế giới đang thay đổi chóng mặt về công nghệ, nhất là AI và người ta dự đoán trong vài thập niên tới ai nắm được AI và nhất là công nghệ vi mạch sẽ dẫn dắt thế giới, tương tự một thời máy hơi nước, máy tính điện tử và gần đây là máy vi tính từng làm chủ cuộc chơi.
Thế giới muốn phát triển cần công nghệ và muốn sống thì cần lương thực. AI cần chip nhỏ bé kết nối bằng vi mạch, thóc gạo cần những vi chất mới bổ dưỡng giúp nhân loại vượt qua khủng hoảng lương thực.
Đã tới lúc nghĩ về loại gạo ST25 ngon nhất thế giới của ông Cua để tăng hơn nữa diện tích trồng trọt cho loại gạo kiểu ông Cua.
Người Mỹ rất giỏi việc nhân rộng (scale up), chỉ cần ví dụ nhỏ như KFC, McDonald’s, Coca Cola thành công thì họ đã biến thành thương hiệu toàn cầu. Việt Nam biết nhân rộng thì mô hình xuất khẩu gạo chất lượng cao kiểu ST25 nên là ưu tiên số 1. Thị trường cho vài tỉ người dùng gạo rộng mở.
AI và chip bán dẫn cũng là một hướng đi tốt, nhưng để có nền công nghệ như Đài Loan đang có (họ đã trải qua 3-4 thập niên phát triển), dù có đi tắt đón đầu, Việt Nam cũng còn xa mới vươn tới. Tuy nhiên, gạo chất lượng cao với vi chất dồi dào thì không phải là chuyện mơ mộng.
Việt Nam cần một cú hích nào đó tầm vĩ mô cho những người như ông Cua để có những ST25 với kiến thức công nghệ và chút ứng dụng AI vào trồng trọt. Khi đó, thành công sẽ đến.
Rồi có lúc AI make in Vietnam sẽ xuất hiện trên thế giới. Nhưng các cụ đã nói, có thực mới vực được đạo. Trước hết Việt Nam đi từ thế mạnh, có gạo ngon rồi sẽ vực được AI. Khi đó, chả cần ai tới ăn phở để mình cứ hy vọng mong manh.
Vì sức khỏe và sự sống, con người cần vi chất trước tiên. Vi mạch, lúc nào cũng phải đứng sau vi chất. Đó là cái chắc. Nhưng liệu AI có chịu thua con người không, thì chưa chắ ? Bởi xét về tốc độ/ quy mô/ hiệu quả xử lý vấn đề, AI luôn có khả năng làm tốt hơn con người. Rốt cuộc, chỉ còn lại câu chuyện, nên sống chung hòa bình, hay là sinh – tử. Con người phải chủ động lựa chọn ưu tiên cho mình.