Thứ bảy, 26/04/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Amish ở xứ thần tiên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Amish ở xứ thần tiên

Dù David Kurtz thường nói vẻ đẹp của con người chính là tâm hồn chứ không phải thể xác nhưng ông đã mềm lòng trước lời năn nỉ của cô con gái út xin phép được chụp hình - Ảnh: Thục Đoan

(TBKTSG Online) - Cách trung tâm thành phố Cleveland, tiểu bang Ohio, Mỹ, 70km, có gần 20.000 người đang sống cách biệt với những tiện nghi của thế giới hiện đại.

Làm sao họ có thể cự tuyệt hầu hết những tiện nghi mà kỷ nguyên số đang mang lại cho con người?

Tấm biển vẽ hình chiếc xe ngựa bên vệ đường báo hiệu chúng tôi đã vào lãnh địa riêng của người Amish. Con đường tĩnh lặng một sáng thứ Bảy mùa xuân ở phía Bắc miền Trung nước Mỹ chẳng có một chiếc xe hơi, thi thoảng mới thấy một chiếc xe ngựa chạy lọc cọc trên các con đường nhỏ như cảnh thường thấy trong một bộ phim có bối cảnh thế kỷ thứ 18, 19 ở phương Tây.

Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là một cửa hàng thịt. Không bảng hiệu, không hình vẽ, cũng chẳng thấy một dòng địa chỉ nhưng đây lại là cửa hàng thịt nổi tiếng không chỉ đối với người địa phương mà còn với nhiều người Mỹ sống ở thành phố lân cận. Tuần nào bà Ivette M. Parra, hướng dẫn viên tình nguyện của chúng tôi, sống ở Cleveland cách đó hơn 70 ki lô mét, cũng lái xe đến đây mua thịt bò và xúc xích gà. Bà Parra cho rằng thịt ở đây lúc nào cũng tươi ngon, khác hẳn hàng đông lạnh trong siêu thị.

Cũng nhờ là khách quen, bà Parra mới thuyết phục được David Kurtz, một người Amish đang làm quản lý cho cửa hàng thịt, bằng lòng giới thiệu cho chúng tôi về cộng đồng của ông. Sau lời chào xã giao với người đàn ông cao gầy, có hàm râu dài, đầu đội mũ cói và mái tóc được cắt như cái nấm, điều đầu tiên chúng tôi phải cam kết là không được chụp bất kỳ tấm hình nào của ông. Kurtz nói muốn chụp hình bất kỳ ai ở đây bất cứ lúc nào cũng phải được họ cho phép. Tại sao? “Đó là điều cấm kỵ đối với chúng tôi, cái lưu giữ vẻ đẹp của con người là tâm hồn chứ không phải thể xác”, Kurtz nói một cách dứt khoát.

Thế giới cổ tích của người Amish

Thật khó tưởng tượng rằng chỉ 70 ki lô mét cách trung tâm thành phố Cleveland với hơn nửa triệu dân ở tiểu bang Ohio của nước Mỹ, một cộng đồng gần 20.000 người đang sống gần như cách biệt hoàn toàn với những tiện nghi của thế giới hiện đại. Vì thế, không phải ngẫu nhiên Bộ Ngoại giao Mỹ đã chọn cộng đồng này là một điểm đến cho khách mời là các nhà báo từ 17 nước châu Á-Thái Bình Dương.

Kurtz dẫn cả đoàn về ngôi nhà hai tầng của mình. Nơi đầu tiên Kurtz giới thiệu cho chúng tôi là nhà xe, nằm chễm chệ hai cỗ xe màu đen bóng lộn, ghế ngồi bọc nhung đỏ thẫm, sàn trải thảm xanh biếc như nhung. Chẳng phải xe GM, không phải Ford, cũng chẳng là Toyota nốt. Đó là... hai chiếc xe ngựa. Không có máy sưởi cho mùa đông như xe hơi, trong hai cỗ xe ngựa lại có mấy tấm đắp bằng len. Xem ra Kurtz rất hãnh diện với hai cỗ xe sang trọng của mình. Đây là thứ tài sản giá trị nhất khách đến nhà có thể thấy ngay được trong cơ ngơi vợ chồng ông và tám đứa con đang chung sống.

Ngôi nhà của họ không có ti vi, radio, chẳng điện thoại bàn hay di động, không máy tính và dĩ nhiên là không kết nối Internet. Cũng chẳng có luôn cái tủ lạnh to đùng chứa thức ăn cả tuần lễ như phần lớn các gia đình người Mỹ. Kurtz dùng toàn bộ tầng trệt để làm nhà kho, ở đó sắp đầy các lọ rau củ ngâm muối. Kurtz bảo gia đình mình cũng như những người hàng xóm đều đang sống như thế.

Cộng đồng người Amish là nơi mà các hãng sản xuất hàng điện tử, đồ điện gia dụng và xe hơi không có cơ hội tiếp thị. Nhưng điều ngạc nhiên hơn, đối với người Amish, điện là một sản phẩm “ngoài hành tinh”. Họ không sử dụng bất kỳ thiết bị nào có gắn động cơ hay chạy bằng điện vì cho rằng các vật dụng như thế sẽ khiến con người phụ thuộc vào thế giới vật chất. Người Amish dùng máy giặt chạy bằng gas, thắp sáng bằng đèn dầu và xài những chiếc bàn ủi than bằng đồng cũ kỹ mà ở Sài Gòn chỉ còn thấy ở khu đồ cổ Lê Công Kiều.

Chính vì thế, dù nơi ở của người Amish nằm ở ngoại vi thành phố công nghiệp Cleveland, người ta cũng gần như không thể phàn nàn gì về môi trường sống của họ. Nơi đó không khói, không bụi, không tiếng ồn của động cơ xe hơi hay nhà máy, không đèn xanh, đèn đỏ, và không có cả nạn đào đường, kẹt xe. Người lạ đến Amish hẳn có cảm giác lạc vào một thế giới cổ tích.

Sống trong lòng một quốc gia phát triển vào bậc nhất trên thế giới với nhu cầu hưởng thụ cũng thuộc loại cao nhất thế giới, nhưng cộng đồng người Amish chẳng hề quan tâm đến chuyện thể hiện đẳng cấp hay chứng tỏ sự sành điệu của mình qua trang phục. Những thông tin về xu hướng thời trang hình như không làm các thiếu nữ Amish động lòng bao nhiêu. Khách tham quan đi trên các con đường làng có thể thấy những chiếc sào phơi áo quần; nhà nào cũng treo những chiếc áo sơ mi trắng, quần vải có dây đeo màu xanh hoặc đen dành cho đàn ông, những chiếc áo đầm xám bằng vải cotton dài quá gối dành cho phụ nữ. Người Amish quan niệm quần áo chỉ cần sạch và đủ ấm chứ không cần những chức năng khác.

Kurtz và những người trong ngôi làng của ông đang sống trên đất Mỹ, nhưng họ lại có vẻ không thuộc về đất nước này, nếu xét về các tiện nghi do kỹ thuật hiện đại mang đến cho đời sống hàng ngày. Hàng năm, người Amish vẫn đóng đủ thuế, nhưng con cái của họ lại không đi học ở trường công. Hàng ngày, chúng cắp sách đến ngôi trường làng, nơi tổng số học sinh từ lớp 1 đến lớp 8 chỉ vỏn vẹn 60. Nhiều giáo viên của trường là những người Amish tình nguyện. Mary, cô con gái lớn của Kurtz, là giáo viên dạy lớp 1. Giống như phần lớn thiếu niên Amish khác, Mary nghỉ học sau khi hoàn tất chương trình lớp 8 năm 16 tuổi. Đi dạy đến nay đã được hai năm, cô được cộng đồng trả lương mỗi tháng 200 đô la vì chưa có gia đình. Các giáo viên đã có gia đình được trả lương cao gấp 10 lần.

Kurtz cho biết cứ mỗi ba năm những người trong làng của ông lại tổ chức lễ hội bán hàng từ thiện cho du khách để quyên tiền góp phần trang trải kinh phí cho hoạt động của trường. Theo Kurtz, ở cộng đồng này, người lớn có nghĩa vụ lo cho trẻ nhỏ và người trẻ hơn phải lo cho người già. Trong làng, mỗi khi có người bị bệnh, cộng đồng lại góp tiền giúp chữa trị chứ tuyệt nhiên không ai chịu mua bảo hiểm.

Những người Amish như Kurtz là hậu duệ của một cộng đồng người Đức di dân sang Mỹ từ thế kỷ 18 nhằm tránh những đợt thảm sát tôn giáo. Hơn hai trăm năm đã trôi qua, cho dù nước Mỹ đã thay đổi rất nhiều nhưng ảnh hưởng của công nghiệp hóa và thế giới số dường như vẫn chưa tác động bao nhiêu đến cuộc sống của người Amish. Họ vẫn tiếp tục sinh sống bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi và sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ như tổ tiên của mình.

Liệu Amish sẽ vẫn là Amish?

Cho đến bây giờ, những người Amish vẫn chủ trương một cuộc sống thanh bạch, không lệ thuộc vào vật chất. Tuy nhiên, những người Mỹ sống bên ngoài cộng đồng Amish cho rằng sự cự tuyệt đó xem ra cũng chỉ mang tính tương đối và ngày càng khó cưỡng lại. Trong gian nhà bếp của bà Erther, một đầu bếp nổi tiếng nhất của cộng đồng Amish chúng tôi đến thăm, đã có một cái tủ lạnh rất to. Tủ không chạy bằng điện nhưng vẫn giữ được bơ và kem. Bà Erther khoe bí quyết: một cục nước đá to tướng xung quanh bọc nhiều lớp nilon được đặt trong ngăn đá!

Dù muốn dù không, những phát minh khoa học kỹ thuật vẫn đang dần thâm nhập vào trong từng gia đình Amish. Cũng không khó hiểu khi thế giới tiêu dùng hiện đại đang quyến rũ giới trẻ của cộng đồng này. Cô con gái thứ ba của Kurtz nói rằng chị em cô có một chiếc máy ảnh. Cô kể ban đầu mẹ cô không đồng ý nhưng cuối cùng đã nhượng bộ, dù mấy chị em chỉ được chụp hình vào những dịp đặc biệt.

Bác tài Gerry J. Cipra, người thỉnh thoảng đưa các đoàn khách đến thăm cộng đồng này, cho rằng cuộc sống hiện đại đang “xâm thực” xã hội Amish. Ở một xã hội có nhu cầu hưởng thụ cao như nước Mỹ, việc giữ cho giới trẻ nói chung không bị quyến rũ bởi sức hấp dẫn vật chất là một thách thức lớn đối với những bậc cha mẹ như Kurtz. Thật vậy, điều này chẳng dễ dàng chút nào khi con cái họ vẫn theo cha mẹ vào các khu trung tâm thành phố hoặc siêu thị bên ngoài để mua một số đồ dùng thiết yếu mà cộng đồng không thể tự sản xuất. Đã có những thanh niên Amish muốn học cao hơn, muốn có công việc tốt, muốn mua sắm xe hơi... và một số đã từ bỏ cộng đồng. “Những người như thế không nhiều, nhưng đến một lúc nào đó nếu họ muốn quay về với cộng đồng, chúng tôi vẫn sẵn sàng chấp nhận họ”, Kurtz nói.

Bất chấp bao nhiêu tác động của tiến bộ kỹ thuật, cộng đồng Amish mà tôi nhìn thấy vẫn cố giữ bản sắc và lối sống riêng của mình suốt hai thế kỷ qua. Thật khó nói sau hai thế kỷ nữa họ sẽ như thế nào. Nhưng ít nhất cho đến bây giờ, việc người Amish tồn tại cũng cho thấy sự đa dạng về văn hóa và lối sống trong một thế giới hiện đại. Sự an bình và môi trường trong lành của người Amish là những bằng chứng sống để thế giới hiện đại suy gẫm về việc hạn chế các tác động tiêu cực trong thế giới của mình - đó là chuyện tối cần thiết nếu thế giới muốn tiếp tục phát triển.

Thời gian dường như đang trôi quá chậm ở xứ sở của những người Amish. Chẳng có bao nhiêu người trong số họ muốn nghĩ đến chuyện “hội nhập” vào chính đất nước mà họ đang sống. Với họ, “thế giới phẳng” chẳng hề tồn tại. Lạc vào cộng đồng Amish trong lòng nước Mỹ ở thế kỷ 21 chẳng khác gì bước vào một thế giới cổ tích bởi kim đồng hồ dường như đã chạy ngược đến cả trăm năm.

Bước đi trên những con đường nhỏ trong một ngôi làng Amish bạn sẽ có cảm giác vô cùng bình yên với những cánh đồng rộng ngút tầm mắt. Trước các ngôi nhà gỗ sơn trắng hay vàng nhạt là những bãi cỏ xanh rì, và đâu đó thấp thoáng bóng những phụ nữ khoác chiếc tạp dề trắng, đầu đội mũ vải chẳng khác gì gia nhân trong các gia đình châu Âu giàu có cách đây vài thế kỷ.

THỤC ĐOAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới